Bản tin 30/7: Nam thanh niên 19 tuổi đi viện gấp vì thói quen nhiều người mắc phải

Nam thanh niên 19 tuổi đi viện gấp vì thói quen nhiều người mắc phải; Lũ về bất ngờ ở Sơn La khiến 1 cháu bé bị nước cuốn trôi...

Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường tại Kon Tum

Động đất gia tăng bất thường tại Kon Tum. Ảnh minh họa.

Động đất gia tăng bất thường tại Kon Tum. Ảnh minh họa.

Theo dõi Tiền Phong Thủ tướng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện số 73/CĐ-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu, trong các ngày 28 và 29/7 đã liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong đó trận động đất lớn xảy ra lúc 11 giờ 35 phút 10 giây ngày 28/7 với độ lớn M = 5.0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận. Đây được coi là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực.

Thông tin sơ bộ, động đất đã gây một số thiệt hại về nhà ở, ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong vùng, đặc biệt là khu vực gần tâm chấn động đất.

Gửi lời thăm hỏi đến nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại (nếu có).

Chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông để kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác khắc phục sự cố (nếu có), bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, công trình giao thông, nhất là các hồ đập, hồ chứa nước, công trình giao thông tại khu vực gần tâm chấn động đất.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả động đất theo yêu cầu của địa phương.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để phục vụ công tác truyền thông và chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia theo nhiệm vụ được giao theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất theo quy định, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.

Nam thanh niên 19 tuổi đi viện gấp vì thói quen nhiều người mắc phải

Khi vào viện, nam bệnh nhân sưng nề một bên mặt, không há được miệng (trái). Sau vài ngày điều trị tình trạng sức khỏe ổn định, được ra viện.

Khi vào viện, nam bệnh nhân sưng nề một bên mặt, không há được miệng (trái). Sau vài ngày điều trị tình trạng sức khỏe ổn định, được ra viện.

Theo Vietnamnet, nam thanh niên 19 tuổi ở Hà Nội nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao nhiều ngày không hạ kèm cơn rét run, vùng môi, má trái sưng nề, chảy dịch, há miệng hạn chế và phải thở oxy.

Gia đình bệnh nhân cho biết nam sinh này có mụn ở mép môi dưới bên trái, kèm theo sưng nề, nóng đỏ. Bệnh nhân tự nặn mụn, sau đó sốt 38 độ C, gai rét, ở nhà tự dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ.

Gia đình chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng sốt cao 38,5 độ C, có cơn rét run, môi khô; vùng môi má bên trái sưng nề, chảy dịch mủ, há miệng hạn chế; khó thở nhẹ, đau tức ngực, hỗ trợ thở oxy gọng kính 3l/p.

Bệnh nhân được chuyển tới Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa. Thầy thuốc chẩn đoán anh này bị nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus cửa vào từ ổ áp-xe vùng mặt - cằm trái, có ổ nhiễm khuẩn thứ phát, viêm phổi hoại tử 2 bên.

Mụn (trứng cá) là tổn thương ngoài da phổ biến ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây ra mụn nhọt là do bã nhờn, tế bào da chết và vi khuẩn mắc kẹt trong lỗ chân lông, với biểu hiện là vết sưng đỏ, mềm, có mủ trắng ở đầu.

Khi mụn hình thành, lỗ chân lông sưng lên và chịu nhiều áp lực. Việc tự nặn mụn như nhiều người thường làm có thể phá vỡ cấu trúc da, gây viêm và nhiễm trùng rộng hơn, phá hủy vòng viêm tại chỗ, hình thành những nốt mụn khác xung quanh.

Đặc biệt, vùng mặt có khu vực gọi là vùng tam giác nguy hiểm, cách xác định: Đặt bàn tay sao cho đầu ngón tay giữa chạm xương mũi, lòng bàn tay ôm trọn vùng mũi - miệng và cằm.

Khu vực này có rất nhiều tĩnh mạch nối các dây thần kinh khu vực xương sọ giúp vận chuyển máu đến não. Các tĩnh mạch thông thường đều có van để ngăn máu chảy ngược chiều, tuy nhiên tĩnh mạch ở khu vực này đều là loại không van.

Khu vực tam giác bị viêm nhiễm có thể gây nên các bệnh: Nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, liệt cơ vùng mặt, tổn thương dây thần kinh vùng mặt gây liệt cơ mặt, thậm chí tử vong.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, cho biết nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tỉ lệ tử vong cao.

"Bất kỳ tổn thương nào trên cơ thể cũng có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn và có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết", bác sĩ Mạnh cho biết.

Phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn huyết bằng cách nào?

- Thực hiện các biện pháp vệ sinh, an toàn lao động, xử trí sớm các ổ nhiễm khuẩn.

- Không tự ý nặn mụn.

- Theo dõi và điều trị các bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường, xơ gan,… để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.

- Hạn chế các thủ thuật, đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn, dự phòng chuẩn.

- Không lạm dụng corticoid, dùng kháng sinh đúng chỉ định.

Lũ về bất ngờ ở Sơn La khiến 1 cháu bé bị nước cuốn trôi

Theo VOV vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, cháu bé khi chạy qua suối, bất ngờ lũ đổ về nên cháu đã bị nước cuốn trôi.

Thông tin ban đầu được biết, khoảng hơn 10h ngày (29/7, trong lúc đi làm đồng, thấy mưa nên cháu L.T.V.T, 12 tuổi, trú tại bản Tậu Khứm, xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La liền chạy về nhà. Nhưng khi chạy qua suối, bất ngờ lũ đổ về nên cháu đã bị nước cuốn trôi.

Ngay khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng xã, huyện, cùng bà con dân bản khoảng hơn 100 người đã nỗ lực tìm kiếm. Tuy nhiên do địa hình hiểm trở, nước chảy xiết nên đến hơn 18h chiều ngày 29/7 vẫn chưa tìm thấy cháu bé.

Hiện các lực lượng chức năng cùng nhân dân trong bản vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-30-7-nam-thanh-nien-19-tuoi-di-vien-gap-vi-thoi-quen-nhieu-nguoi-mac-phai-204240729194644219.htm