Bản tin chiều 1/7: Lượng du khách Bắc Âu đến Việt Nam tăng đột biến vào đầu năm 2025

Tin tức nổi bật chiều 1/7: Lượng du khách Bắc Âu đến Việt Nam tăng đột biến vào đầu năm 2025; Bắt buộc xác thực sinh trắc học với doanh nghiệp từ 1/7; Điện lực miền Bắc tinh gọn đến cấp cơ sở, nâng cao hiệu quả vận hành; Cảnh báo mượn danh Cục Đăng kiểm lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng; Quy định mới về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thông qua Hệ thống eCoSys... và một số tin tức đáng chú ý khác.

Lượng du khách Bắc Âu đến Việt Nam tăng đột biến vào đầu năm 2025

Trang ScandAsia của khối các quốc gia Bắc Âu đưa tin, Việt Nam ghi nhận lượng khách du lịch đến từ các nước Bắc Âu tăng đáng kể trong năm tháng đầu năm 2025. Trong đó, Thụy Điển dẫn đầu với mức tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2024, tiếp theo là Na Uy với 14,3% và Đan Mạch với 10,9%. Tổng cộng, Việt Nam đã đón hơn 9,2 triệu lượt khách quốc tế từ tháng 1 đến tháng 5/2025, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự gia tăng lượng khách Bắc Âu được cho là nhờ vào việc mở rộng kết nối hàng không, chính sách thị thực thông thoáng hơn và các chiến dịch xúc tiến du lịch tích cực tại thị trường châu Âu. Các quốc gia như Pháp, Anh, Đức và Ý cũng ghi nhận mức tăng trưởng khách đến Việt Nam ở mức hai con số.

Trong tổng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, khách đến bằng đường hàng không đạt 7,84 triệu lượt người, chiếm 85,2% tổng lượng khách quốc tế, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2024. Khách đến bằng đường bộ đạt 1,18 triệu lượt người, chiếm 12,9% tổng lượng khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Khách đến bằng đường biển đạt 175,4 nghìn lượt người, chiếm 1,9% tổng lượng khách và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Bắt buộc xác thực sinh trắc học với doanh nghiệp từ 1/7

Theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/7/2025, các tổ chức, doanh nghiệp buộc phải hoàn tất xác thực sinh trắc học của người đại diện hợp pháp mới có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử như rút tiền, chuyển khoản. Việc xác thực yêu cầu người đại diện cung cấp và đối chiếu giấy tờ tùy thân hợp lệ cùng dữ liệu sinh trắc học tại quầy giao dịch hoặc qua ứng dụng ngân hàng (áp dụng cho công dân Việt Nam). Giấy tờ hợp lệ bao gồm căn cước công dân có gắn chip hoặc hộ chiếu còn hiệu lực đối với người nước ngoài.

Đáng chú ý, các ngân hàng sẽ không chủ động gửi đường dẫn yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập, mã OTP hay dữ liệu cá nhân khác. Khách hàng cần cảnh giác trước nguy cơ lừa đảo. Sau ngày 1/7, nếu chưa hoàn tất đối chiếu, khách hàng tổ chức sẽ không thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ thanh toán và rút tiền qua các kênh điện tử.

Bên cạnh đó, để nâng cao mức độ an toàn bảo mật, từ ngày 1/7/2025, các ngân hàng chính thức ngừng hoàn toàn giao dịch với thẻ từ, áp dụng cho cả thẻ nội địa công nghệ từ và phần dải từ trên thẻ chip hoặc thẻ không tiếp xúc. Để tránh bị gián đoạn giao dịch, ngân hàng khuyến cáo khách hàng chưa chuyển đổi thẻ nên kiểm tra lại, nếu thẻ chỉ có dải từ, cần sớm đến chi nhánh ngân hàng để chuyển đổi thẻ chip miễn phí.

Điện lực miền Bắc tinh gọn đến cấp cơ sở, nâng cao hiệu quả vận hành

Ngày 1/7, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) chính thức hoàn tất việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đến tận cấp cơ sở, đánh dấu một trong những bước chuyển đổi toàn diện và mạnh mẽ nhất trong lịch sử 56 năm phát triển của Tổng công ty.

Theo đó, mô hình quản lý cấp cơ sở từ “Điện lực huyện” được chuyển đổi sang “Đội quản lý điện lực khu vực” từ ngày 1/7/2025. Đến hết ngày 30/6/2025, EVNNPC đã hoàn tất việc triển khai kế hoạch tái cơ cấu tổ chức theo chủ trương sắp xếp lại bộ máy quản lý ngành điện của nhà nước và chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Số lượng Công ty Điện lực trực thuộc được tinh gọn từ 27 xuống còn 17 đơn vị. Đồng thời, mô hình điện lực cấp huyện, thành phố cũng được chuyển đổi thành đội quản lý điện lực khu vực, tập trung vào nhiệm vụ quản lý kỹ thuật, vận hành lưới điện và đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng.

Hoạt động sáp nhập và điều chỉnh mô hình tổ chức đã được triển khai đồng loạt tại 18 công ty điện lực địa phương thuộc diện điều chỉnh địa giới hành chính và hoàn thành trước ngày 1/7/2025. Các đơn vị còn lại tiếp tục duy trì phạm vi theo địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố, đồng thời thực hiện chuyển đổi mô hình điện lực cấp huyện sang đội quản lý điện lực khu vực theo phương án thống nhất của toàn Tổng công ty.

Cảnh báo mượn danh Cục Đăng kiểm lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản cảnh báo tình trạng mạo danh Cục Đăng kiểm để yêu cầu chủ phương tiện chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng. Cụ thể, thời gian vừa qua, tài khoản ngân hàng của Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được các khoản tiền từ 10.000 - 23.000 đồng được chuyển khoản từ các tài khoản cá nhân, hầu hết không ghi rõ nội dung chuyển tiền.

Căn cứ thông tin về biển số xe được ghi tại nội dung chuyển tiền của một số chủ phương tiện, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã liên hệ với một số chủ phương tiện và được biết: Có một nhóm đối tượng gọi điện cho chủ phương tiện thông báo rằng kể từ 1/10/2024, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thay đổi mẫu tem kiểm định và đề nghị chủ phương tiện muốn được đổi tem mới thì thanh toán khoản tiền là 10.000 đồng/tem cùng tiền cước vận chuyển là 23.000 đồng về tài khoản của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản thông báo tới các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới cảnh báo tới các chủ phương tiện trên địa bàn quản lý. Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam không có yêu cầu về đổi tem kiểm định, không có yêu cầu hay thông báo gì đối với các chủ phương tiện về việc chuyển tiền để thực hiện dịch vụ đổi tem kiểm định.

Quy định mới về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thông qua Hệ thống eCoSys

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 40/2025/TT-BCT quy định chi tiết về việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và chấp thuận bằng văn bản cho thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Thông tư được ban hành theo khoản 6 Điều 28 Nghị định số 146/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ nhằm cụ thể hóa chủ trương phân quyền, phân cấp và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Một điểm nổi bật trong Thông tư là việc triển khai bắt buộc toàn bộ quy trình cấp C/O và văn bản chấp thuận thông qua Hệ thống eCoSys với sự quản lý hạ tầng kỹ thuật bởi Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

Hệ thống này thực hiện các chức năng như tạo tài khoản, cấp mã số đơn vị có thẩm quyền, công khai danh sách tổ chức được phép cấp C/O và đảm bảo kết nối dữ liệu với Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đặc biệt, eCoSys đóng vai trò trung tâm trong việc chuẩn hóa, số hóa và liên thông toàn bộ dữ liệu xuất xứ hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Sửa đổi loạt quy định về đường sắt, mở rộng thẩm quyền cho địa phương

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 09/2025/TT-BXD, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, nhằm phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp và đẩy mạnh phân cấp quản lý. Trong lĩnh vực đường sắt, Thông tư 09 điều chỉnh nội dung Thông tư số 14/2023 về đăng ký, di chuyển phương tiện giao thông đường sắt. Theo đó, Cục Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi, xóa giấy chứng nhận đăng ký phương tiện trên đường sắt quốc gia.

Đáng chú ý, thay vì chỉ định rõ 4 địa phương như trước (Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Quảng Ninh), Thông tư mới trao quyền cho tất cả UBND cấp tỉnh có đường sắt chuyên dùng hoặc đường sắt đô thị được thực hiện đăng ký phương tiện trên địa bàn quản lý.

Thông tư 09 cũng sửa đổi Thông tư số 29/2023 liên quan đến cấp phép và quản lý đường ngang. Theo đó, với các đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia, nếu do Cục Đường sắt Việt Nam cấp phép xây dựng, sau khi hoàn thành sẽ bàn giao về Bộ Xây dựng để quản lý, bảo trì. Trường hợp do UBND cấp tỉnh cấp phép, địa phương sẽ chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì. Với các đường ngang được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, tổ chức đề xuất xây dựng phải bố trí kinh phí cho công tác bảo trì, phòng vệ.

Tổ chức lại hệ thống kho bạc Nhà nước từ 1/7/2025

Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã gấp rút chuẩn bị về mọi mặt để đảm bảo không để xảy ra gián đoạn trong công tác quản lý tài chính – ngân sách. Từ ngày 1/7/2025, toàn hệ thống KBNN chính thức vận hành theo cơ cấu mới, phù hợp với 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Cụ thể, KBNN đã tiến hành sắp xếp lại 20 Kho bạc Nhà nước khu vực và không quá 350 phòng giao dịch. Trong đó, một số đơn vị được điều chỉnh tổ chức để phù hợp với ranh giới hành chính mới cấp tỉnh và cấp xã. Đồng thời, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ và đội ngũ cán bộ chủ chốt tại các đơn vị cũng được hoàn thiện.

Theo lãnh đạo KBNN, đây là một bước chuyển đổi hệ thống mang tính toàn diện và phức tạp. Vì vậy, lãnh đạo KBNN đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc nâng cao tinh thần trách nhiệm, bám sát nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo quyết liệt, phổ biến sâu rộng đến toàn thể công chức, người lao động trong ngành.

Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5,5 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 2,7 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, đồng thời vượt xa con số 5,4 tỷ USD của cả năm 2024. Đây là lần đầu tiên ngành cà phê đạt được mức này trong nửa đầu năm và hoàn thành sớm mục tiêu cả năm nay.

Giá cà phê nội địa có nhiều biến động. Ngày 30/6, giá nhân xô tại Tây Nguyên giảm còn 94.500 đồng một kg, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Trước đó, giá từng đạt đỉnh 135.400 đồng một kg vào tháng 3. Trên sàn London, giá cà phê Robusta giao tháng 7 giảm 30,9%, còn 3.661 USD một tấn; hợp đồng giao tháng 9 giảm 31,6%, xuống 3.593 USD một tấn. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng hơn một năm qua.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng mạnh nhờ giá trị đơn hàng lớn từ các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng thành công này đến từ việc đẩy mạnh xuất khẩu các dòng cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản và cà phê hòa tan - những phân khúc có giá trị gia tăng cao.

Giảm lệ phí trước bạ xe máy về 2%

Từ 1/7, lệ phí trước bạ với xe máy được áp dụng mức chung 2% cho mọi tỉnh, thành, theo Nghị định của Chính phủ. Hiện, xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã nơi Ủy ban nhân dân tỉnh đóng trụ sở phải nộp lệ phí trước bạ lần đầu là 5%.

Tuy nhiên, tại Nghị định 175 ngày 30/6, Chính phủ bỏ quy định mức thu lệ phí trước bạ 5% với xe máy ở thành phố lớn, áp mức chung 2% cho mọi tỉnh, thành. Ví dụ, với người dân ở Hà Nội, TP HCM, trước đây mua xe máy giá 50 triệu sẽ phải đóng 2,5 triệu tiền lệ phí trước bạ thì từ 1/7, mức này sẽ giảm xuống còn 1 triệu đồng. Với xe máy nộp trước bạ lần thứ hai trở đi (xe đã qua sử dụng), mức thu giữ nguyên 1%.

Lý giải về việc này, Bộ Tài Chính trước đó cho biết quá trình sắp xếp đơn vị hành chính sẽ bỏ cấp huyện, sáp nhập xã, phường, nhiều tỉnh được gộp. Do đó, quy định mới sẽ giúp người dân ở các tỉnh sáp nhập tránh chịu lệ phí trước bạ ở mức cao nếu áp dụng theo mức cũ. Ngoài lệ phí trước bạ cho xe máy, Nghị định cũng quy định giá tính lệ phí trước bạ cho ôtô và xe máy ở những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ủy ban nhân dân nơi đó ban hành, thay vì Bộ Tài chính như hiện tại. Việc này nhằm theo định hướng phân cấp, phân quyền về địa phương và tạo điều kiện chủ động cho địa phương trong việc áp dụng giá tính và thu lệ phí trước bạ.

Thanh An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-chieu-1-7-luong-du-khach-bac-au-den-viet-nam-tang-dot-bien-vao-dau-nam-2025-319535.html