Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/3: Equinor đạt thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với Suncor
PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức mới nhất về các lĩnh vực năng lượng thế giới.
1. Tính đến đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 77,69 USD/thùng - tăng 0,83%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 84,43 USD/thùng - tăng 1,17%.
Giá dầu duy trì sự ổn định bất chấp các dấu hiệu về nguồn cung dồi dào và lượng dầu thô tồn kho của Mỹ tăng đã phần nào gây áp lực lên hy vọng về nhu cầu cao hơn tại nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc.
2. Goldman Sachs cho biết các sự kiện ở Trung Quốc, chứ không phải Nga, đã ảnh hưởng tới giá dầu trong năm qua và hiện tại hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang trên đà phát triển, 12-18 tháng tới có thể sẽ chứng kiến một đợt tăng giá dầu khác.
Điều đó có nghĩa là mục tiêu giá dầu thô có thể trên 100 USD/thùng trong quý IV năm nay.
3. Talos Energy cho biết, hãng này, BP, và Chevron đã nhận được kết quả đáng thất vọng trong tuần này từ giếng thẩm định Puma West-2.
Giếng thẩm định Puma West-2 đã được khoan đến độ sâu 25.995 feet, sau đó là một giếng phụ. Giếng khoan Puma West-2 đã tạm thời bị đình chỉ hoạt động để tạo điều kiện cho các cơ hội chuyển hướng tiềm năng trong tương lai.
4. Ông lớn dầu khí Equinor của Na Uy sắp đạt được thỏa thuận mua tài sản ở Biển Bắc Vương quốc Anh từ Suncor Energy của Canada với giá khoảng 1 tỷ USD, Reuters đưa tin hôm 1/3.
Suncor Energy có 40% cổ phần tại mỏ Rosebank, do Equinor điều hành, ngoài khơi quần đảo Shetland. Equinor và các đối tác dự kiến sẽ đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng về việc phát triển mỏ này trong năm nay trong bối cảnh tăng thuế đối với các nhà khai thác ở Biển Bắc thuộc Vương quốc Anh và sự phản đối mạnh mẽ của các nhà môi trường đối với việc phát triển Rosebank và các mỏ dầu khí lớn khác ở Biển Bắc.
5. Đức đã trả hơn gấp đôi cho khí đốt tự nhiên vào năm ngoái so với năm 2021 khi giá tăng vọt trong cuộc khủng hoảng năng lượng mặc dù khối lượng nhập khẩu giảm 30%, theo dữ liệu từ Văn phòng Kinh tế và Kiểm soát Xuất khẩu Liên bang, BAFA.
Đức đã phải trả tới 79 tỷ USD (74 tỷ euro) để nhập khẩu khí đốt tự nhiên, cao hơn gấp đôi so với 37,8 tỷ USD (35,4 tỷ euro) mà nước này đã chi để nhập khẩu khí đốt vào năm 2021, dữ liệu chính thức do Reuters đưa tin.