Bản tin Năng lượng xanh: Các công ty năng lượng mặt trời Mỹ tìm cách áp mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu châu Á
Thứ Tư tuần trước (24/4), một nhóm bảy nhà sản xuất năng lượng mặt trời hàng đầu của Mỹ là Convalt Energy, First Solar, Meyer Burger, Mission Solar, Qcells, REC Silicon và Swift Solar, đã nộp đơn khiếu nại thương mại, chính thức yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden áp thuế đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời được nhập khẩu từ Đông Nam Á vào Mỹ.
Các công ty năng lượng mặt trời Mỹ tìm cách áp mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu châu Á
Các kiến nghị đã được đệ trình lên Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ. Các kiến nghị này xuất hiện trong bối cảnh ngành năng lượng mặt trời của Mỹ tiếp tục cho rằng làn sóng xuất khẩu công nghệ năng lượng xanh giá rẻ của Trung Quốc đang đẩy giá các tấm pin mặt trời xuống và đe dọa nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời trong nước của chính quyền Biden.
Các nhà sản xuất Mỹ tin rằng các công ty Trung Quốc đã chuyển hoạt động sản xuất các sản phẩm năng lượng mặt trời sang các nước láng giềng để tránh thuế quan hiện hành và cần có các biện pháp thương mại mới để bảo vệ doanh nghiệp của họ. Các khiếu nại kêu gọi điều tra các hoạt động thương mại của Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Trong năm qua, Mỹ đã nhập khẩu các sản phẩm năng lượng mặt trời trị giá 12,5 tỷ USD từ các quốc gia này khi giá các sản phẩm năng lượng mặt trời đã giảm khoảng 50%.
Các khiếu nại thương mại tập trung vào pin mặt trời nhập khẩu, bộ phận của tấm pin mặt trời biến ánh sáng thành điện năng.
Lời kêu gọi áp dụng mức thuế mới được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Biden ngày càng lên tiếng phàn nàn về năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc, cảnh báo rằng việc xuất khẩu công nghệ năng lượng xanh và các loại sản phẩm khác giá rẻ của Trung Quốc có nguy cơ làm biến dạng chuỗi cung ứng toàn cầu. Tim Brightbill, luật sư thương mại đại diện cho các công ty, nói rằng ngành năng lượng mặt trời của Mỹ đang ở vị thế “rất bấp bênh” và các khoản đầu tư được thực hiện thông qua Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ đang bị đe dọa.
Những mức thuế quan có thể sẽ được khôi phục trong tháng Sáu. Quy định miễn trừ cho phép các tấm pin mặt trời hai mặt tránh được thuế nhập khẩu hiện tại dự kiến sẽ bị hủy bỏ trong những ngày tới.
Khi đưa ra khiếu nại, các công ty năng lượng mặt trời lập luận rằng thuế quan bổ sung là cần thiết khi các công ty Trung Quốc đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất năng lượng mặt trời của họ ra khỏi Trung Quốc và sang các nước khác ở Đông Nam Á để lách các hạn chế thương mại.
Một số công ty năng lượng mặt trời của Mỹ đã thu hẹp quy mô đầu tư theo kế hoạch trong năm nay trong bối cảnh giá cả sụt giảm.
Nếu Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu cuộc điều tra thương mại, cuộc điều tra có thể sẽ bắt đầu vào giữa tháng Năm và mất khoảng một năm.
Công suất năng lượng mặt trời tăng lên, một số đất nông nghiệp năng suất cao nhất của Mỹ gặp rủi ro
Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đang tiến vào các bang miền Trung Tây nước Mỹ, do giá thuê đất rẻ hơn, và khả năng tiếp cận hệ thống truyền tải điện và vô số ưu đãi của liên bang và bang. Khu vực này cũng có nhu cầu về năng lượng mặt trời và có nhiều cánh đồng rộng lớn.
Theo một phân tích của Reuters, sự bùng nổ năng lượng tái tạo có nguy cơ làm hư hại một số vùng đất trù phú nhất nước Mỹ ở các bang nông nghiệp trọng điểm như bang Indiana. Một số trang trại ở bang Indiana, các khu vực đang được bao phủ bởi các tấm pin mặt trời, nằm trong vùng đất được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) phân loại là vùng đất có năng suất cao nhất để trồng trọt.
Đối với những chủ trang trại, hứa hẹn về lợi nhuận rất hấp dẫn. Theo đánh giá của Reuters, các hợp đồng cho thuê năng lượng mặt trời ở Indiana và các bang lân cận có thể đưa ra mức giá thuê đất từ 900 đến 1.500 USD/mẫu Anh mỗi năm, với mức tăng hàng năm. Mức giá này so sánh với dữ liệu của USDA về giá thuê đất nông nghiệp ở các nhà sản xuất ngô và đậu nành hàng đầu như Indiana, Illinois và Iowa, đạt trung bình khoảng 251 USD/mẫu Anh trong năm 2023.
Một số nhà kinh tế nông nghiệp và nhà nông học phản đối tình hình này, cho rằng việc lấy đi một lượng đất trồng trọt tốt nhất ra khỏi sản xuất để phát triển năng lượng mặt trời và làm hư hại lớp đất mặt có giá trị sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng cây trồng trong tương lai ở Mỹ.
Dữ liệu của USDA cho thấy, sự phát triển năng lượng mặt trời diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh về đất đai ngày càng tăng: năm 2023, có 76,2 triệu mẫu Anh đất trang trại, ít hơn gần 8% so với năm 1997, do đất nông nghiệp được chuyển đổi để sử dụng cho mục đích dân cư, thương mại và công nghiệp.
Đến năm 2050, để đáp ứng các mục tiêu khử cacbon của Chính quyền Biden, Hoa Kỳ sẽ cần tới 1.570 gigawatt công suất điện từ năng lượng mặt trời. Theo Nghiên cứu Tương lai Mặt trời của Bộ Năng lượng Mỹ xuất bản năm 2021, diện tích đất cần thiết để phát triển năng lượng mặt trời trên mặt đất cho mục tiêu trên sẽ không đều theo từng bang, nhưng dự kiến sẽ không vượt quá 5% diện tích đất của bất kỳ bang nào, vào năm 2050.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại American Farmland Trust, một tổ chức bảo vệ đất nông nghiệp phi lợi nhuận ủng hộ Smart Solar, trong năm 2023 dự báo rằng 83% hoạt động phát triển năng lượng mặt trời mới ở Mỹ sẽ diễn ra ở trang trại và đất trang trại. Họ cảnh báo rằng gần một nửa trong số đó sẽ nằm trên vùng đất tốt nhất của quốc gia để sản xuất lương thực, chất xơ và các loại cây trồng khác.
WEC Energy mua lại cổ phần lớn trong dự án năng lượng mặt trời ở Texas
Tập đoàn Năng lượng WEC đã đạt được thỏa thuận mua 90% quyền sở hữu tại Trung tâm Năng lượng Mặt trời Delilah I, một dự án năng lượng mặt trời 300 megawatt nằm cách Dallas, Texas khoảng 140 dặm về phía đông bắc. Dự án do Invenergy phát triển dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào cuối tháng Sáu.
Dự án Delilah I sẽ cung cấp năng lượng tái tạo cho một nhà sản xuất ô tô toàn cầu theo hợp đồng mua bán điện dài hạn. Khoản đầu tư của Tập đoàn Năng lượng WEC cho phần lớn cổ phần dự kiến là 459 triệu USD.
Theo Gale Klappa, Chủ tịch điều hành của WEC Energy Group, việc mua lại này phù hợp với cam kết của công ty trong việc đầu tư vào năng lượng sạch, đáng tin cậy và giá cả phải chăng, hỗ trợ một nhà sản xuất ô tô lớn đạt được các mục tiêu năng lượng sạch của họ.
Trung tâm Năng lượng Mặt trời Delilah I là một phần của danh mục năng lượng mặt trời Samson & Delilah lớn hơn, được công nhận là một trong những cơ sở năng lượng mặt trời lớn nhất đang được xây dựng tại Mỹ. Khoản đầu tư này đủ điều kiện nhận tín dụng thuế sản xuất theo Đạo luật Giảm phát và đang chờ phê duyệt theo quy định.
Tập đoàn Năng lượng WEC có danh mục đầu tư đáng kể vào năng lượng tái tạo, với cổ phần đã lên kế hoạch hoặc hiện có trong 11 dự án năng lượng mặt trời và gió, tổng công suất hơn 2 gigawatt, tất cả đều đã ký thỏa thuận bao tiêu dài hạn.
Tập đoàn Năng lượng WEC, có trụ sở chính tại Milwaukee, là công ty năng lượng hàng đầu cung cấp dịch vụ cho khoảng 4,7 triệu khách hàng trên khắp các bang Wisconsin, Illinois, Michigan và Minnesota, tài sản của công ty hơn 43 tỷ USD, với lực lượng lao động khoảng 7.000 nhân viên./.