Bản tin Năng lượng xanh: Đan Mạch hợp tác với Đức tại đảo năng lượng, IEA hoan nghênh Nhật Bản tái khởi động hạt nhân
Đan Mạch và Đức đã nhất trí hợp tác trong dự án đảo năng lượng Bornholm ở vùng biển Baltic của Đan Mạch, với kế hoạch mở rộng công suất của trung tâm năng lượng gió ngoài khơi từ 2 GW lên 3 GW và kết nối với Đức. Theo Thông báo của Bộ Khí hậu, Năng lượng và Tiện ích Đan Mạch, đảo năng lượng này dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2030, khi đó đảo có thể cung cấp năng lượng cho 3,3 triệu hộ gia đình Đan Mạch hoặc 4,5 triệu hộ gia đình Đức.
Đảo Bornholm sẽ được kết nối với Đức thông qua một tuyến cáp ngầm và sẽ làm tăng đáng kể thương mại điện giữa hai nước. Thông báo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để giảm phát thải khí nhà kính và chấm dứt sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt và dầu của Nga
"Thỏa thuận củng cố mối quan hệ hợp tác năng lượng Đan Mạch-Đức vốn đã gần gũi và củng cố mối quan hệ của chúng ta bằng cách bổ sung thêm một kết nối điện khác giữa hai nước của chúng ta." Bộ trưởng Năng lượng Đan Mạch, Dan Jorgensen, cho biết: “Đảo Năng lượng thực sự là một bước ngoặt trong lịch sử năng lượng và vào thời điểm mà hợp tác quốc tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”.
Robert Habeck, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Kinh tế và Khí hậu của Đức nhận xét: “Với các dự án như vậy giữa các đối tác châu Âu, chúng tôi đạt được hai mục tiêu chính: an ninh năng lượng châu Âu và tính trung lập với khí hậu.”
Đảo Năng lượng Bornholm sẽ là một dự án hợp tác giữa Đan Mạch và Đức, hai nước tìm kiếm sự phân bổ công bằng và cân bằng giữa chi phí và lợi ích.
Hiện tại, Đan Mạch và Đức có công suất gió ngoài khơi lần lượt là 1,5 GW và 1 GW ở Biển Baltic. Khung thầu cho việc xây dựng gió ngoài khơi liên quan đến đảo năng lượng dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
IEA hoan nghênh kế hoạch của Nhật Bản quay trở lại sử dụng nhiều năng lượng hạt nhân hơn
Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản cho biết Nhật Bản sẽ khởi động lại nhiều nhà máy điện hạt nhân không hoạt động hơn và xem xét tính khả thi của việc phát triển các lò phản ứng thế hệ tiếp theo.
Phát biểu với CNBC, Keisuke Sadamori, Giám đốc Văn phòng Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về thị trường năng lượng và an ninh, tỏ ra tích cực về chiến lược của Nhật Bản cho rằng đây là một tin rất tốt và đáng khích lệ cả về an ninh cung cấp năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nhật Bản đã “đốt rất nhiều nhiên liệu hóa thạch để lấp đầy khoảng trống do thiếu năng lượng hạt nhân kể từ đó sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima."
Sadamori giải thích rằng thị trường nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là thị trường khí đốt tự nhiên, “rất thắt chặt”, đặc biệt xảy ra ở châu Âu. Việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản này sẽ tốt về mặt giải phóng một lượng đáng kể LNG cho thị trường toàn cầu.
Được hỏi về thái độ hiện tại của công chúng ở Nhật Bản đối với nhà máy điện hạt nhân, Sadamori cho rằng “Đó là phần khó khăn nhất,” và người dân Nhật Bản vẫn còn một số lo ngại về an toàn.
Trước tình hình thị trường năng lượng khó khăn cũng như thị trường điện rất chặt chẽ của Nhật Bản, tình cảm của công chúng trong nước có thay đổi một chút. Dựa trên các cuộc điều tra gần đây của các tờ báo lớn của Nhật Bản, có thể thấy nhiều người ủng hộ việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân hơn,
“Vì vậy, tôi cho rằng mọi thứ đang được cải thiện một chút, nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề chấp nhận của công chúng, của địa phương vẫn tiếp tục là một phần rất khó khăn trong quá trình tái khởi động hạt nhân.”/.