Bản tin Năng lượng xanh: Mỹ quyết định đưa ra một đợt thuế quan mới đối với pin mặt trời nhập khẩu từ 4 nước Đông Nam Á
Hôm thứ Sáu (29/11), các quan chức thương mại Mỹ dự kiến sẽ công bố một đợt thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu tấm pin mặt trời từ bốn quốc gia Đông Nam Á là Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan sau khi các nhà sản xuất Mỹ phàn nàn rằng các công ty ở các nước đó đang bán ra thị trường hàng hóa giá rẻ một cách không công bằng.
Mỹ sẽ quyết định đưa ra một đợt thuế quan mới đối với pin mặt trời nhập khẩu từ 4 nước Đông Nam Á
Đây là quyết định sơ bộ thứ hai trong số hai quyết định mà Bộ Thương mại của Tổng thống Joe Biden đưa ra trong năm nay trong một vụ kiện thương mại do Hanwha Qcells của Hàn Quốc, First Solar Inc có trụ sở tại Arizona và một số nhà sản xuất nhỏ hơn đưa ra nhằm bảo vệ hàng tỷ đô la đầu tư vào sản xuất năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ.
Nhóm Liên minh Hoa Kỳ của Ủy ban Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời, do công ty Hanwha đứng đầu, cáo buộc các nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn của Trung Quốc có nhà máy tại Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan đã khiến giá toàn cầu sụp đổ bằng cách bán phá giá sản phẩm vào thị trường.
Đây là chương mới nhất trong cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một thập kỷ với các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Các nhà sản xuất Trung Quốc đã phản ứng với thuế quan năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ bằng cách chuyển hoạt động lớn của họ sang các quốc gia mà họ sẽ không phải chịu thuế, trong đó có các nước ở Đông Nam Á.
Nhóm Liên minh Hoa Kỳ của Ủy ban Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời đã tìm kiếm mức thuế chống bán phá giá từ 70,35% đến 271,45%, tùy thuộc vào từng quốc gia. Hầu hết các tấm pin mặt trời được lắp đặt tại Mỹ đều được sản xuất ở nước ngoài và khoảng 80% lượng hàng nhập khẩu đến từ bốn quốc gia bị Bộ Thương mại nhắm đến trong cuộc điều tra. Bộ Thương mại đã áp dụng thuế chống trợ cấp sơ bộ trong tháng trước.
Mỹ đã thể hiện sẵn sàng áp dụng thuế đối với ngành này nhằm mục đích thúc đẩy ngành sản xuất năng lượng sạch nhỏ của Mỹ Thuế quan sẽ làm tăng giá đối với các công ty nhập khẩu tấm pin để lắp đặt trên mái nhà hoặc xây dựng nhà máy điện mặt trời.
Chính quyền Biden năm nay đã lên tiếng cảnh báo về khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào năng lực nhà máy sản xuất hàng hóa năng lượng sạch. Đạo luật Giảm phát đưa ra các ưu đãi cho các công ty sản xuất thiết bị năng lượng sạch tại Mỹ, một khoản trợ cấp đã thúc đẩy một loạt các kế hoạch xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời mới.
Tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng Đạo luật Giảm phát là quá tốn kém, nhưng cho biết ông có kế hoạch áp dụng mức thuế quan cao đối với một loạt các lĩnh vực để bảo vệ người lao động Mỹ.
CEO TotalEnergies: Việc tạm dừng kinh doanh với Adani Green Energy sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu năng lượng tái tạo
CEO Patrick Pouyanne của tập đoàn Pháp cho biết TotalEnergies vẫn có thể đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo mà không cần phát triển bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào với Adani Green Energy Limited của Ấn Độ, bỏ qua tác động của cuộc khủng hoảng tại đối tác Ấn Độ của mình.
Mỹ đã truy tố Chủ tịch, Giám đốc điều hành, cựu CEO và năm người khác của Adani Green Energy. Chính quyền Mỹ cáo buộc rằng tỷ phú Ấn Độ Adani đã âm mưu lập ra một kế hoạch trị giá 265 triệu USD để hối lộ các quan chức chính quyền bang ở Ấn Độ nhằm đảm bảo các hợp đồng cung cấp điện mặt trời, sau khi một trong những công ty của Adani không thể tìm được người mua cho dự án trị giá 6 tỷ USD trong nhiều năm. Tập đoàn Adani đã phủ nhận các cáo buộc.
Hôm thứ Hai (25/11), TotalEnergies cho biết rằng họ sẽ tạm dừng đóng góp tài chính cho các khoản đầu tư của Adani Group cho đến khi có sự rõ ràng hơn về vụ việc. Tập đoàn của Pháp này là một trong số ít các công ty dầu mỏ lớn tiếp tục mở rộng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và thị trường năng lượng mặt trời đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ đã chiếm một phần đáng kể trong quá trình mở rộng của công ty cho đến nay.
TotalEnergies và Adani Green Energy có 3,8 gigawatt (GW) các dự án năng lượng gió và mặt trời đang được xây dựng hoặc phát triển chung - mà TotalEnergies đã trả tiền và dự kiến sẽ tiếp tục. Hôm thứ Ba (26/11), Pouyanne cho biết công ty sẽ không từ bỏ, mà sẽ không đưa nguồn tài chính mới vào bất kỳ chương trình mới nào.
TotalEnergies đã trả tổng cộng 3,24 tỷ USD cho 19,75% cổ phần của mình tại Adani Green Energy và ba liên doanh năng lượng tái tạo. Các dự án chưa hoàn thành với Adani được đưa vào mục tiêu tăng trưởng xanh hiện tại của TotalEnergies là bổ sung 11 GW năng lượng tái tạo mới vào cuối năm tới và đạt 100 GW công suất lắp đặt gộp vào năm 2030, tăng từ mức 24 GW hiện tại.
TotalEnergies đã mua nhiều tài sản năng lượng gió và mặt trời của Ấn Độ để nhanh chóng phát triển danh mục đầu tư xanh của mình, vượt qua các công ty dầu khí châu Âu. Các cổ phần liên kết với Adani chiếm gần 25% tài sản năng lượng tái tạo hiện đang hoạt động của công ty. Pouyanne cho biết việc tạm dừng các dự án trong tương lai với Adani không gây nguy hiểm cho khả năng tiếp tục tăng trưởng của TotalEnergies.
CEO TotalEnergies cho biết công ty có các lựa chọn khác trong danh mục đầu tư của mình. Không tính đến Ấn Độ, TotalEnergies có 5,6 GW năng lượng tái tạo đang được xây dựng trên toàn cầu và 53,6 GW đang được phát triển, chủ yếu ở Bắc Mỹ và Châu Âu.
Indonesia đang đàm phán với Mỹ và Nga về công nghệ điện hạt nhân
Hôm Thứ Sáu (29/11), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia của Indonesia, bà Vivi Yulaswati cho biết Indonesia đang đàm phán với Mỹ và Nga về công nghệ liên quan đến phát triển nhà máy điện hạt nhân.
Trong cuộc phỏng vấn qua video, Thứ trưởng Yulaswati cho biết Indonesia đang cân nhắc vận hành công suất hạt nhân sớm nhất là vào năm 2036 để cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nước này đang mở cửa cho cả lò phản ứng mô-đun nhỏ và công nghệ hạt nhân thông thường./.