Một quốc gia Tây Phi bất ngờ tuyên bố kế hoạch xóa sổ sự hiện diện của quân đội Pháp
Ngày 29/11, Tổng thống Senegal Bassirou Diomaye Faye tuyên bố có ý định tìm cách đưa quân đội Pháp ra khỏi lãnh thổ của quốc gia Tây Phi này.
Trả lời câu hỏi từ nhật báo Le Monde về việc liệu Paris có nên rút lực lượng khỏi Senegal hay không, Tổng thống Faye xác nhận: “Điều này là hiển nhiên”, dù chưa đưa ra mốc thời gian cho kết hoạch mới trên, nhưng Dakar phải phấn đấu hướng tới mục tiêu "sẽ sớm không còn quân lính Pháp nào" ở quốc gia Tây Phi này nữa.
Theo nhà lãnh đạo, tình hình hiện nay không phù hợp với khái niệm chủ quyền và độc lập" của Dakar, nhấn mạnh rằng, mặc dù Senegal duy trì quan hệ với Mỹ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, song các lực lượng quân sự của 3 nước này không hiện diện ở quốc gia Tây Phi.
Tổng thống Faye giải thích, Senegal đang phát triển học thuyết hợp tác quân sự, trong đó có nội dung cấm triển khai quân đội nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia và việc xóa sổ các căn cứ của Pháp là một trong những lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Faye.
Quân đội Pháp đã duy trì sự hiện diện ở Senegal kể từ khi đất nước Tây Phi giành được độc lập vào năm 1960, chủ yếu là để huấn luyện và hoạt động an ninh khu vực. Hiện có khoảng 350 lính Pháp ở Senegal.
Hiện tại, 2 căn cứ quân sự của Pháp được đặt ở vùng ngoại ô thủ đô Dakar. Các lực lượng Pháp cũng vận hành sân bay quân sự của Dakar. Ngoài sự hiện diện ở Senegal, Pháp còn duy trì các căn cứ quân sự ở Gabon, Côte d’Ivoire và Chad.
Đây là tuyên bố chính thức đầu tiên từ chính phủ Senegal kêu gọi quân đội Pháp rời đi. Trước đó, vào tháng 5, Thủ tướng Senegal Ousmane Sonko cũng đã đưa ra lời chỉ trích sự hiện diện này của Paris.
Tổng thống Faye, nhậm chức hồi tháng 4, cho biết ông sẽ kỷ niệm 80 năm vụ thảm sát Thiaroye, vụ việc mà hàng trăm lính súng trường châu Phi bị quân đội Pháp giết chết vào năm 1944 vì đòi trả lương.
Theo nhà lãnh đạo, người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã gửi thư cho ông thừa nhận rằng, vụ việc "thực sự là một vụ thảm sát".
Tuy nhiên, sự thừa nhận này không khiến ông Faye thấy hài lòng, cho rằng "phải mở ra sự hợp tác toàn diện để khám phá sự thật đầy đủ về những sự kiện bi thảm ở Thiaroye".
Tuyên bố của ông Faye được đưa ra sau khi quốc gia Trung Phi Chad chấm dứt một thỏa thuận với Pháp nhằm tăng cường hợp tác về an ninh và quốc phòng.
Những động thái này phù hợp với xu hướng chung của khu vực, khi các nước láng giềng như Mali, Burkina Faso và Niger gần đây cũng tìm cách xác định lại quan hệ đối tác an ninh của họ và xóa bỏ sự hiện diện của quân đội Pháp.