Bàn về phát triển mô hình HTX nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng vùng nông thôn Việt Nam

Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch đã đạt được hiệu quả kinh tế đáng kể cho nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Trong lĩnh vực này, Hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng, không chỉ mang lại hiệu quả trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tạo ra doanh thu từ ngành du lịch.

Đây là một nguồn sinh kế nhằm xóa đói, giảm nghèo tại những vùng nông thôn khó khăn. Đồng thời, hoạt động du lịch giúp cải thiện đời sống của cộng đồng nông dân, tăng sự gắn bó của họ với quê hương, và đồng thời nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, tạo ra cảnh quan văn minh, sạch sẽ. Tất cả những điều này đều đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Vẫn còn những bất cập

Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp, hết năm 2022 cả nước có trên 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, trải dài từ bắc vào nam, từ miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… có trên 1.300 khu, điểm du lịch, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn.

Mặt khác, cả nước có khoảng hơn 18.000 HTX nông nghiệp, đây là tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng…

Khi phát triển các mô hình HTX du lịch không chỉ khai thác được lợi thế của các địa phương, mà còn tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, giải quyết được bài toán người dân làm việc theo mùa vụ, thu nhập bấp bênh.

Mô hình hợp tác xã du lịch Tả Phìn xanh tại Sapa tỉnh Lào Cai.

Mô hình hợp tác xã du lịch Tả Phìn xanh tại Sapa tỉnh Lào Cai.

Một số mô hình dịch vụ du lịch của các HTX được khai thác phổ biến tại nhiều vùng nông thôn, miền núi các tỉnh như: Quảng Nam, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Đồng Tháp, An Giang, các chương trình du lịch miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; thưởng thức văn hóa, đàn ca tài tử ở Bạc Liêu; văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh;… những chương trình du lịch nông nghiệp hấp dẫn như: “Trải nghiệm một ngày làm nông dân”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”.

Hay một số điểm du lịch cho khách thăm quan và đã khai thác rất hiệu quả như: một ngày làm nông dân ở Yên Đức (Quảng Ninh), trải nghiệm làm ngư dân ở Việt Hải (Hải Phòng); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); hái vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang), hái na ở Chi Lăng (Lạng Sơn), Võ Nhai (Thái Nguyên); trồng rau ở làng Trà Quế (Quảng Nam); trải nghiệm trồng rau, hoa ở Đà Lạt (Lâm Đồng), các tour hái đào, mận ở Sơn La, Lào Cai, lễ hội hoa Tam Giác Mạch ở Hà Giang, thưởng thức văn hóa ẩm thực, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất tại địa phương,…

Mặc dù vậy, các hoạt động du lịch ở các HTX vẫn còn nhiều bất cập, do xu hướng thương mại hóa, khiến nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo, riêng biệt không còn được bảo tồn nguyên gốc; hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ, địa hình phức tạp, di chuyển không thuận lợi, thường xuyên phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu, hoạt động du lịch tại các HTX chưa được chú trọng, còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, không có quy hoạch; chưa được kết hợp với các tuyến du lịch nên lượng khách du lịch còn ít. đặc biệt là việc khai thác các sản phẩm du lịch. Trên thực tế sản phẩm du dịch của các HTX chủ yếu là khai thác sản phẩm sẵn có, chưa tạo ra sự độc đáo cả về văn hóa và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm để thu hút khách du lịch. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu.

Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch nông nghiệp còn trùng lặp, chưa phát huy được giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa truyền thống, sự tinh tế, sự khác biệt và dấu ấn đặc trưng vùng, miền trong các sản phẩm du lịch nông nghiệp. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào tận dụng tài nguyên tự nhiên.

Mặt khác, tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu, nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là lao động được đào tạo, có kỹ năng phục vụ và khả năng sáng tạo cao; khả năng quản lý, điều hành cơ sở du lịch nông nghiệp, làng nghề còn hạn chế, hoạt động xúc tiến quảng bá cho du lịch nông nghiệp và nông thôn chưa được đầu tư đúng mức, chưa chuyên nghiệp và chưa bài bản, hệ thống, đúng đối tượng, một số khu vực có điều kiện tự nhiên đồng nhất, tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng giống nhau, sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa các địa phương không tránh khỏi sự trùng lặp, đơn điệu.

Cơ sở hạ tầng lưu trú trong các HTX chưa được đầu tư bài bản. Ở một số HTX, chủ trang trại đã tự ý chuyển đổi một phần đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang xây dựng các công trình, cơ sở phục vụ du lịch nhưng chưa được cấp phép... Lao động làm việc trong các HTX không được đào tạo bài bản, thiếu kiến thức và kỹ năng du lịch, chủ yếu sử dụng lao động gia đình, chỉ quen với sản xuất nông nghiệp, việc phục vụ khách du lịch chưa chuyên nghiệp.

Hệ thống cơ chế, chính sách ban hành nhiều, nhưng nguồn lúc thiếu, khó tiếp cận. Chỉ có 8 - 10% số HTX tiếp cận được chính sách hỗ trợ đất đai làm trụ sở, nhà xưởng; 18% các HTX có nhu cầu vay vốn tín dụng được vay vốn, trung bình với mức vay là 326 triệu đồng/HTX. Nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ phát triển HTX còn thấp, chưa bố trí đủ theo yêu cầu. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước chưa đủ mạnh, chưa có tác động tích cực thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển. Những địa phương nghèo, ngân sách do Trung ương cân đối, nguồn ngân sách thực hiện các quy định pháp luật, chính sách hỗ trợ đối với kinh tế tập thể hết sức khó khăn.

5 giải pháp tháo gỡ

Từ những bất cập trên dẫn đến việc các HTX chưa khai thác hết được tài nguyên du lịch bản địa (sản phẩm nông nghiệp và các nét văn hóa, cảnh quan địa phương,...). Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, chúng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới như: Lựa chọn, quy hoạch và phát triển các Làng du lịch cộng đồng có đầy đủ các yếu tố về cảnh quan sinh thái, đảm bảo an toàn, an ninh để đầu tư xây dựng; đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, chú trọng đến các điểm, các làng bản nằm trên các tua, tuyến du lịch chính của tỉnh phù hợp với tâm, sinh lý của du khách...

Hoàn thiện chiến lược tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch sinh thái cộng đồng tạo điều kiện cho du khách khám phá bản sắc văn hóa phong phú trong phong cảnh tự nhiên nguyên sơ của các bản làng dân tộc cũng như góp phần vào giữ gìn và phục hồi các ngành nghề thủ công truyền thống, các nét văn hóa đặc sắc của vùng miền.

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực và phát triển loại hình sản phẩm du lịch, gắn với chương trình OCOP phát triển du lịch. Gắn kết doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP của địa phương đến với du khách. Góp phần xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP đa dạng, độc đáo; đồng thời có sự chia sẻ lợi ích phù hợp đối với các bên tham gia. Tổ chức xây dựng các điểm du lịch cộng đồng và dịch vụ du lịch cộng đồng đảm bảo bộ tiêu chí để tạo một điểm đến chất lượng, có sức hấp dẫn mạnh mẽ và phát huy thế mạnh của du lịch cộng đồng. Từng bước chuyển hóa các sản phẩm của du lịch cộng đồng tham gia Chương trình OCOP.

Thứ hai, cần xây dựng tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực tổ chức hoạt động du lịch cho các HTX. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho bà con về nghiệp vụ du lịch, nhất là các kỹ năng thực hành, thuyết minh, văn hóa, thái độ phục vụ khách du lịch.

Thứ ba, cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho các HTX. Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện quy chế quản lý loại hình hình bất động sản nghỉ dưỡng tại các dự án trang trại nghỉ dưỡng; nghiên cứu, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy định về tỉ lệ diện tích đất nông nghiệp tại các khu vực sản xuất nông nghiệp được xây dựng các công trình nhà ở kiên cố phục vụ phát triển du lịch; nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn của loại hình nghỉ dưỡng nông thôn; kiến nghị xem xét bổ sung cơ sở lưu trú du lịch của các HTX để thống nhất quản lý. Cần ban hành chính sách đồng bộ hỗ trợ cho HTX có ưu thế để phát triển du lịch. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng tại điểm đến du lịch cộng đồng, sinh thái hoàn chỉnh, đồng bộ, phục dựng cảnh quan, xây dựng công trình kiến trúc đặc trưng thân thiện với môi trường, điểm dừng chân, hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn.

Thứ tư, cần tham mưu bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước để tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp phát triển dịch vụ du lịch. Cần có các cơ chế chính sách cụ thể, nhất là các chính sách khuyến khích người dân tham gia phát triển du lịch như: ưu đãi vốn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang phát triển du lịch, thủ tục cấp phép kinh doanh du lịch cho hộ gia đình, chính sách hỗ trợ các HTX phát triển du lịch cộng đồng về cả mặt tài chính và mặt chuyên môn nhằm nâng cao năng lực cho các HTX.

Thứ 5, cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tăng cường sức khỏe cho du khách và cộng đồng để phát triển du lịch. Cần có những quy hoạch hợp lý, chính sách và dự án tối ưu trong phát triển du lịch nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường, trong đó gồm cả môi trường du lịch tự nhiên, môi trường du lịch nhân văn, môi trường du lịch kinh tế – xã hội.

Th.s. Nguyễn Thị Thủy, Phó viện trưởng, Viện phát triển kinh tế hợp tác

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/ban-ve-phat-trien-mo-hinh-htx-nong-nghiep-gan-voi-du-lich-cong-dong-vung-nong-thon-viet-nam-1097840.html