Bằng cấp cao nhưng thiếu kỹ năng, người trẻ Trung Quốc thất nghiệp

Sự không phù hợp giữa hệ thống giáo dục và thị trường việc làm cùng môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt đang khiến một phần năm số người trẻ tại Trung Quốc rơi vào cảnh thất nghiệp. Tình trạng này đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng cả về kinh tế và xã hội.

Thị trường thiếu lao động, nhiều người trẻ vẫn thất nghiệp

Số liệu thống kê đã chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng và cấp bách: Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ việc làm cho thế hệ lao động trẻ nhất, được trang bị những kiến thức giáo dục tốt nhất của mình.

Trong năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16-24 tại Trung Quốc lên tới gần 20% – mức cao kỷ lục, và cao hơn gấp đôi so với năm 2018. Xu hướng này hiện vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu khi tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ trong tháng 3-2023 vẫn ở mức 19,6%, trong khi thị trường lao động chuẩn bị đón con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên ra trường trong những tháng tới.

Tình trạng thiếu việc làm đặc biệt nghiêm trọng đối với những sinh viên tốt nghiệp có bằng cấp cao, những người kỳ vọng nhiều nhất từ thị trường việc làm vì gia đình họ đã dành tới một phần ba thu nhập cho giáo dục của họ. Kết quả khảo sát vừa được công bố cho thấy, trong mùa tuyển dụng mùa thu năm ngoái, khoảng 45% sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc không nhận được lời mời làm việc.

Tuy nhiên, liệu có phải thị trường lao động Trung Quốc không có đủ việc làm cho những lao động mới?

Thực tế là ngược lại, lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc đang gặp phải tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Khảo sát cho thấy, 80% số nhà sản xuất tại nước này báo cáo rằng lực lượng lao động của họ đang thiếu từ 10-30% so với nhu cầu. Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng dự báo nền kinh tế sẽ thiếu hụt 30 triệu công nhân sản xuất vào năm 2025.

Trong các lĩnh vực công nghệ cao, sự thiếu hụt tương tự về nhân sự có nguy cơ cản trở tham vọng dẫn đầu về công nghệ tiên tiến và đạt được sự độc lập về công nghệ của Trung Quốc. Lĩnh vực bán dẫn dự kiến sẽ thiếu 200.000 nhân sự trong năm nay. Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), số lượng cơ hội việc làm không tuyển dụng được người phù hợp còn lớn hơn nhiều, với khoảng 5 triệu vị trí.

Thực tế đáng ngạc nhiên này diễn ra ngay cả khi Trung Quốc đang là quốc gia đào tạo ra nhiều sinh viên tốt nghiệp trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) hơn bất kỳ nước nào khác, và gần gấp đôi so với nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ.

Sự chênh lệch giữa hệ thống giáo dục và thị trường việc làm

Tại sao những người trẻ tại Trung Quốc không thể lấp đầy khoảng trống trên thị trường việc làm? Theo bà Keyu Jin, Giáo sư trường Kinh tế London, vấn đề này bắt nguồn từ sự chênh lệch đáng kể giữa trình độ học vấn và kỹ năng của những người tham gia thị trường lao động và những vị trí công việc cần được lấp đầy.

Ra đời từ những năm 1980 và được gọi là “thế hệ mới”, những người trẻ tại Trung Quốc đại diện cho sự đột phá triệt để khỏi quá khứ. Họ lớn lên trong sự thịnh vượng tương đối, và đã trở thành thế hệ được giáo dục tốt nhất trong lịch sử Trung Quốc – nhờ sự mở rộng gấp 10 lần của lĩnh vực giáo dục đại học trong 20 năm qua. Một phần tư thế hệ mới đã có bằng cử nhân, so với tỷ lệ chỉ 6% của những người sinh vào những năm 1970.

Việc mở rộng lĩnh vực giáo dục này có vẻ như là một chiến lược đúng đắn đối với một quốc gia đã bị tụt hậu rất xa cách đây 20 năm. Nhưng thậm chí, giáo dục đã vượt xa nhu cầu của một nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất. Thay vì bằng cấp cao, điều cần thiết hơn đối với người lao động là đào tạo kỹ thuật và dạy nghề cho các công việc như vận hành thiết bị phức tạp hoặc vận hành hệ thống tự động.

Đó là lý do tại sao, trái ngược với tình trạng khó khăn của những người được giáo dục tốt nhất, 95% sinh viên tốt nghiệp các trường nghề đã nhanh chóng tìm được việc làm ngay sau khi rời ghế nhà trường. Trong khi đó, các công ty công nghệ cao phải cạnh tranh gay gắt để giành lấy chỉ một lượng nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học có tài năng kỹ thuật phù hợp, đồng thời phàn nàn rằng hầu hết các ứng viên đều thiếu kỹ năng chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tiễn. Các hoạt động thực tập có thể cung cấp thêm nền tảng đó cho sinh viên vẫn chưa phải là một phần của văn hóa giáo dục.

Hóa ra, bằng cấp chưa chắc đã đảm bảo cho người lao động trẻ những kỹ năng cần thiết đối với lĩnh vực công nghệ cao hoặc các công ty sản xuất thông minh mà Trung Quốc đang nỗ lực phát triển. Hệ thống giáo dục Trung Quốc được thiết kế trong thời kỳ mà hầu hết sinh viên sẽ làm việc cho các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, ngày nay, các kỹ năng của những sinh viên vừa tốt nghiệp vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế thị trường về kinh nghiệm thực tế, sự linh hoạt về tinh thần và niềm đam mê cá nhân.

“Hầu hết những người tìm việc đều thiếu các kỹ năng doanh nghiệp yêu cầu vì sinh viên có xu hướng chỉ tập trung vào việc học tập. Bởi vậy, xét từ góc độ này, triển vọng việc làm cho thanh niên là không mấy lạc quan”, ông Chu Zhaohui, chuyên gia tại Học viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc đánh giá.

Bên cạnh đó, cũng cần phải đề cập đến những sự thay đổi mang tính thế hệ trong thái độ đối với công việc. Lớn lên trong thời đại ngày càng ổn định, thịnh vượng và tương đối thoải mái, không ít người thuộc thế hệ mới muốn những công việc mới mẻ hơn, thay vì một sự nghiệp kéo dài nhiều giờ tại các nhà máy.

Bằng chứng là trong khi các nhà máy chật vật tìm kiếm lao động, các lĩnh vực bất động sản, tài chính và công nghệ thông tin luôn nhận được nhiều đơn xin việc hơn mức cần thiết. Trang web tuyển dụng trực tuyến lớn Zhaopin.com ghi nhận, 90% số đơn xin việc thuộc về các lĩnh vực cung cấp chưa đến 50% số lượng việc làm.

Sự chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tế của người trẻ

Những chênh lệch kể trên, dẫn tới một sự chênh lệch ngày càng lớn khác giữa những kỳ vọng và thực tế của giới trẻ Trung Quốc.

Theo trang web tuyển dụng Zhaopin.com, trong năm ngoái, mức lương trung bình hàng tháng dành cho sinh viên khóa 2022 tại Trung Quốc là 6.295 nhân dân tệ (907 đô la), thấp hơn 6% so với một năm trước đó. WSJ đánh giá, tình trạng dư thừa bằng cấp đã khiến mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên tốt nghiệp đại học thấp hơn mức lương của người lao động trong nền kinh tế tạm thời, chẳng hạn như nhân viên giao hàng.

Những người trẻ tìm việc đang phải đối mặt với hết thất vọng này đến thất vọng khác. Việc không thể tìm kiếm được việc làm phù hợp trong thời gian quá dài, đã buộc nhiều người trong số họ phải đi đến những lựa chọn kém chất lượng hơn để tránh tình trạng thất nghiệp. Mới đây, dư luận Trung Quốc đã cảm thấy sốc và lo ngại, khi biết rằng, một phần ba số nhân viên mới tại một nhà máy thuốc lá, có bằng thạc sĩ từ một số trường đại học hàng đầu của Trung Quốc.

Hậu quả của việc sụt giảm kỳ vọng trong nhóm thanh niên thất nghiệp là rất sâu sắc. Các thành viên của thế hệ trẻ ngày càng trì hoãn việc kết hôn và lập gia đình, phá vỡ truyền thống của xã hội Trung Quốc. Thống kê cho thấy trong năm 2021, chỉ có 7,6 triệu cuộc hôn nhân mới được đăng ký, giảm 38% so với năm 2015. Trong khi đó, tỷ lệ sinh đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Tệ hơn, thế hệ những người lao động cần cù, từng chấp nhận làm việc nhiều ca một ngày tại các công ty như Foxconn giờ đây đã nhường chỗ cho những hiện tượng xã hội như “nằm yên, mặc kệ sự đời” hay “từ bỏ” của giới trẻ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc hiện đang nỗ lực ngăn chặn tác động của trào lưu này, vì lo ngại nó có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, làm giảm tỷ lệ sinh và đe dọa hệ thống phúc lợi xã hội của nước này.

Tâm trạng chán nản của thế hệ trẻ cũng là mối đe dọa đối với sự ổn định xã hội của Trung Quốc. Trong quá khứ, ngay cả khi chênh lệch thu nhập ngày càng gia tăng, các gia đình Trung Quốc, cho dù là ở nhóm thu nhập thấp, cũng vẫn luôn tin tưởng rằng con cái họ sẽ có cuộc sống tốt hơn. Sự xói mòn của những niềm tin như vậy sẽ đặt ra nhiều rủi ro bất ổn.

Nguồn: WSJ, SCMP, CNN Business

Lạc Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bang-cap-cao-nhung-thieu-ky-nang-nguoi-tre-trung-quoc-that-nghiep/