Bảng nhãn Lương Đắc Bằng hiến 14 kế trị nước, nội dung ra sao?

Bảng nhãn Lương Đắc Bằng là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, ông là vị quan thanh liêm, chính trực, là người thầy mẫu mực tạo ra nhân tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc.

Kỳ thi kỳ lạ tung quyển chọn Trạng nguyên

Lương Đắc Bằng đỗ Bảng nhãn vào khoa thi năm 1499 dưới thời vua Lê Hiến Tông. Đây là kỳ thi kỳ lạ nhất và kéo dài nhất. Tại khoa thi này, bài văn sách của Lương Đắc Bằng và Đỗ Lý Khiêm đều hay như nhau. Không biết ai hơn, mà Trạng nguyên chỉ có một, vì thế Triều đình đã cho 2 người thi thêm bài "ứng chế", nhưng một lần nữa cả hai sĩ tử đều thể hiện ngang tài.

Hai sĩ tử có văn tài như nhau, nhưng ngôi Trạng nguyên chỉ có một. (Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Hai sĩ tử có văn tài như nhau, nhưng ngôi Trạng nguyên chỉ có một. (Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Vua phải cho 2 người làm thêm bài "bái mạng". Đỗ Lý Khiêm nhận thấy Lương Đắc Bằng là người có phẩm cách, tài năng vượt trội, nên cố ý làm bài qua loa để Lương Đắc Bằng được Trạng nguyên.

Khi bài "bái mạng" làm xong, Vua thấy bài Đỗ Lý Khiêm làm kém hẳn bèn đưa cho Lương Đắc Bằng xem. Lương Đắc Bằng biết Đỗ Lý Khiêm cố ý nhường mình thì lấy làm xấu hổ, liền rút lui nhường Trạng nguyên cho người có phẩm cách cao là Đỗ Lý Khiêm. Tuy nhiên, Đỗ Lý Khiêm lại cũng có ý nhường cho Lương Đắc Bằng đỗ đầu. Rốt cuộc cả hai người đều nhường nhau, không ai muốn làm Trạng nguyên.

Tình huống khiến Vua và Triều thần không biết làm thế nào. Các quan liền nghĩ ra một cách là vẽ vòng tròn trên sân rồng rồi cho 2 người tung quyển thi vào, quyển thi của ai gần tâm vòng tròn hơn sẽ là Trạng nguyên.

Kết quả quyển thi của Đỗ Lý Khiêm nằm trong vòng tròn, còn quyển thi của Lương Đắc Bằng nằm ngoài vòng tròn. Thế là Đỗ Lý Khiêm đỗ Trạng nguyên, còn Lương Đắc Bằng đỗ thứ hai tức Bảng nhãn.

"Tôi hiền" không gặp được "Vua sáng"

Triều đình đánh giá rất cao tài năng của Lương Đắc Bằng. Ông còn là học trò của Lương Thế Vinh, mà Lương Thế Vinh lại chính là học trò của cha Lương Đắc Bằng là Lương Hay.

Năm 1504, vua Lê Uy Mục lên ngôi, Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả vị Vua này như sau: "Vua nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tông thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận, người bấy giờ gọi là Quỷ vương, điềm loạn đã xuất hiện từ đấy".

Lương Đắc Bằng cùng các quan trong Triều không theo Lê Uy Mục, đón Giản Tu Công Oanh Lê Dinh lên ngôi Vua. Lương Đắc Bằng chính là người soạn hịch kể tội Lê Uy Mục.

Giản Tu Công Oanh lên ngôi Vua, hiệu là Lê Tương Dực. Được sự phò tá của các hiền tài, ban đầu Vua thể hiện là bậc anh minh, tuy nhiên sau đó ngày càng trượt dài vào sa đọa, "xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên" (Đại Việt sử ký toàn thư). Điều này khiến Lương Đắc Bằng rất thất vọng, không có được minh quân để phò tá.

Năm 1510, lấy cớ mẫu thân qua đời, Lương Đắc Bằng xin về quê chịu tang rồi ở lại luôn làm nghề dạy học. Tuy nhiên Triều đình không đồng ý nên triệu ông về cung. Tháng 10 năm ấy, nhà Vua ban cho ông chức Lại bộ Tả Thị lang kiêm Đông các Học sĩ, Nhập thị kinh diên.

"Trị bình thập tứ sách"

Trước đó khi đi sứ cho nhà Minh, Lương Đắc Bằng có được cuốn "Thái ất thần kinh", nên ông đã biết được nhà Lê vào giai đoạn suy thoái. Ông từ chối làm quan, lại nhân cơ hội này dâng lên nhà Vua 14 kế sách trị quốc gọi là "Trị bình thập tứ sách" như sau:

Thần nghe: Bậc thánh nhân thuở trước, không vì thiên hạ đã trị mà lơ là việc cảnh giác ngăn ngừa, người hiền thần đời xưa không vì Vua mình đã thánh mà quên lãng niềm khuyên răn, can gián. Cho nên, đời Ngu Thuấn đã thịnh vượng rồi mà Bá Ích lúc bày mưu mô thì nói chớ ham mê nhàn rỗi, chớ đắm đuối vui chơi, không lười biếng, không trễ nải, phấp phỏng như nguy vong sắp đến. Đế Thuấn nghe lời khuyên mà răn ngừa những việc đáng răn, do đó đã trở thành bậc đại Thánh. Thời Hán Văn đã phú cường rồi, nhưng Giả Nghị khi dâng kế sách lại khuyên điều để lửa gần của, đáng phải chảy nước mắt, đáng phải khóc phải thương, lo lắng như họa hoạn đã thành. Văn Đế nghe lời khuyên mà lo nghĩ việc đáng lo, do đó đã trở nên bậc hiền nhân.

Vì là người bề tôi dâng lời khuyên không khẩn khoản, không thiết tha thì không thể giúp Vua sáng suốt tiếp thu lời can gián. Vua nghe lời khuyên mà không tiếp thu, không độ lượng thì không thể mở rộng đường cho bề tôi dâng lời can gián. Nay Bệ hạ khoan nhân đại độ, không thích giết người, khôi phục cơ nghiệp của Cao Tổ, cứu giúp sinh mệnh cho muôn dân. Khắp trong bốn biển như gỡ được nạn treo ngược, ai cũng vươn cổ kiễng chân, ngóng trông chính sự mới được hoàn thành, hân hoan mừng thái bình thịnh trị.

Nhưng từ khi lên ngôi tới nay, hòa khí chưa thuận, can qua chưa dứt, kỷ cương triều đình chưa dựng đặt, việc quân, việc nước chưa sửa sang; tai dị xảy ra luôn, sợ đạo trời chưa thuận, núi đá bị sụt lở, e đạo đất chưa yên. Tệ tham nhũng ngầm ngầm phát triển, bọn nghịch tặc lén lút manh nha, sợ đạo người chưa ổn. Thế mà quan trong triều biết mà không nói, họ tự lo cho mình thì được rồi, còn lo cho nước thì ra sao? Thần thẹn là một bề tôi cũ, nghĩa phải cùng vui buồn với nước, tuy còn trong lúc xô gai, tang trở chưa hết, nhưng Bệ hạ đã vì nghĩa công nén tình riêng, cho làm chức thị trung, có ý muốn thần bàn luận mưu kế lui tiến, hèn kém theo người để dựa dẫm giữ lấy tước lộc, thì lòng trung hiếu của thần đôi đường đều thiếu cả, lấy gì báo đáp được ân đức của Bệ hạ, làm trọn chức phận của kẻ làm tôi? Thần mỗi khi nghĩ tới việc ngày nay thì suốt đêm không ngủ, đến bữa không ăn, tấm lòng khuyển mã trung thành không sao nguôi được. Kính xin trình bày 14 kế sách trị binh tâu lên như sau:

1- Phải cảnh giác, răn ngừa để chấm dứt tai biến,

2- Dốc lòng hiếu thảo để khuyến khích lòng trung hậu,

3- Xa thanh sắc để làm chân chính gốc của tâm,

4- Đuổi tà nịnh để làm trong sạch ngọn nguồn muôn việc,

5- Dè dặt trao quan tước để thận trọng việc khuyến khích răn đe,

6- Tuyển bổ công bằng để đường làm quan trong sạch,

7- Tiết kiệm tiêu dùng để khuyến khích phong tục kiêm phác,

8- Nêu khen người tiết nghĩa để coi trọng đạo cương thường,

9- Cấm hối lộ để trừ bỏ thói tham ô,

10- Sửa sang võ bị để vững thế thành đồng hào nóng,

11- Lựa chọn quan can gián để gây khí thế dám nói,

12- Nới nhẹ việc lực dịch để thỏa lòng mong đợi của dân,

13- Hiệu lệnh phải tín thực để thống nhất ý chí của bốn phương,

14- Luật pháp, chế độ phải thận trọng để mở nền thịnh trị thái bình.

Những kế sách trên đây, xin Bệ hạ soi xét. Thần lại nghe cổ ngữ có câu: "Lời nói của kẻ cắt cỏ, kiếm củi, thánh nhân cùng cân nhắc lựa dùng". Kinh Thư nói: "Biết được không khó, làm được mới khó". Thần xin Bệ hạ đừng cho những lời của thần là vu khoát, xin lựa chọn mà thi hành, răn những điều đáng răn, lo những điều đáng lo, may ra đạo trời có thể thuận, đạo đất có thể yên, đạo người có thể ổn, có thể đạt đến thái bình.

(Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Nhà Vua nhận được "Trị bình thập tứ sách" thì khen hay và cho là phải, nhưng sau đó lại vẫn như trước, 14 kế sách ấy không dùng kế nào cả.

Biết nhà Lê suy sụp không thể cứu vãn, Lương Đắc bằng cáo quan về quê dạy học. Ông đoán trước quả không sai, Vua không nghe theo lời ông khiến cho nhà Lê ngày càng suy yếu, cuối cùng rơi vào tay nhà Mạc.

Học trò của Lương Đắc Bằng hầu hết đều là nhân tài, có thể kể đến như Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên, Đinh Bạt Tụy ở Nghệ An đỗ tiến sĩ, Nguyễn Mẫu Đối đỗ Bảng nhãn, Nguyễn Thừa Hưu đỗ tiến sĩ, Lại Kim Bảng sau đỗ Hoàng giáp…

Theo Trần Hưng/Dân Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/bang-nhan-luong-dac-bang-hien-14-ke-tri-nuoc-noi-dung-ra-sao-1879353.html