Băng tần 5G lần lượt có chủ, kỳ vọng sớm cải thiện tốc độ internet di động
Việc đấu giá tần số (băng tần) di động 5G cũng đang được triển khai, đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo chất lượng 5G. Theo quy định, doanh nghiệp trúng đấu giá tần số sẽ phải cung cấp dịch vụ trong vòng 12 tháng kể từ khi được cấp phép. Như vậy, người dùng Việt đang kỳ vọng sớm được trải nghiệm chính thức 5G cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Các nhà mạng đang thử nghiệm về kĩ thuật công nghệ 5G để có thể thương mại hóa ngay khi được cấp phép cung cấp dịch vụ trong năm nay. Các chuyên gia hy vọng với 5G, tốc độ internet di động tại Việt Nam sẽ được cải thiện, bởi 5G cho phép tốc độ nhanh hơn 4G ít nhất hàng chục lần.
Đã đấu giá thành công 2/3 tần số 5G
Tuần trước, Tập đoàn VNPT đã đấu giá thành công quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần 3700 – 3800 MHz phục vụ cho cung cấp dịch vụ 5G trong thời gian tới. VNPT không công bố mức giá đấu thành công khối băng tần này, nhưng theo công bố của đơn vị đấu giá, khối băng tần này có mức đấu giá khởi điểm gần 2.000 tỉ đồng.
Còn cách đây nửa tháng, tập đoàn Viettel đã đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500-2600 MHz với mức giá 7.500 tỉ đồng.
Như vậy, trong 3 băng tần được quy hoạch sử dụng cho mạng 5G, đã có 2/3 băng tần đã được đấu giá thành công. Còn một băng tần nữa thì ngày 14-3 vừa qua, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia đã ra thông báo không tổ chức đấu giá tần số 3800-3900 MHz vì không đủ số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá tối thiểu theo quy định.
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại khối băng tần 3800 – 3900 MHz trong thời gian tới. Giá khởi điểm khối băng tần này sẽ được xác định phù hợp với thời điểm đấu giá và sẽ tham chiếu từ cuộc đấu giá đối với khối băng tần 3700 – 3800 MHz mà VNPT vừa trúng đấu giá.
Băng tần 5G tại Việt Nam theo quy hoạch là 2500-2600 MHz, 3700-3800 MHz và 3800-3900 MHz đều có số lượng thiết bị đầu cuối tương thích tương đương nhau vì các băng tần này đều là băng tần phổ biến cho mạng 5G trên thế giới.
Hiện nay băng tần 5G trên thế giới đang được chia làm 4 nhóm gồm: băng tần thấp – dưới 1.000 MHz, băng tần tầm trung từ 1.000 – 2.600 MHz và tầm trung từ 3.500 – 7.000 MHz, băng tần tầm cao (24.000 – 48.000MHz). Các dải băng tần đều ưu nhược điểm khác nhau đối với nhà mạng trong đầu tư hạ tầng – đầu tư các trạm thu và phát sóng nhiều hay ít và tối ưu hóa chi phí. Thông thường chi phí đầu tư càng thấp thì nhà mạng sẽ có điều kiện cung cấp dịch vụ với mức giá hấp dẫn hơn cho khách hàng.
Theo Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), băng tần có tần số càng cao sẽ có băng thông lớn, tốc độ mạnh, độ trễ thấp và dung lượng cao hơn các băng tần số thấp.
Cũng nói về đặc tính, Liên minh Viễn thông quốc tế ITU cho rằng, mỗi khối băng tần đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Băng tần càng thấp càng có khả năng truyền xa và đâm xuyên tốt hơn. Trong khi băng tần cao mang đến tốc độ truy cập lớn hơn, nhưng dễ bị ảnh hưởng bởi vật cản.
Đây là lý do nhà mạng trên thế giới triển khai 5G trên nhiều khối băng tần khác nhau để phục vụ cho các khu vực khác nhau. Băng tần cao thường được sử dụng cho khu vực đô thị, trung tâm thành phố với mật độ dân cư đông. Trong khi băng tần thấp thích hợp cho việc tăng vùng phủ tại khu vực nông thôn và ven đô với mật độ dân cư thấp.
Theo các chuyên gia, khối băng tần 5G mà Viettel vừa đấu giá thành công có diện tích phủ lớn hơn 1,6-1,7 lần băng tần mà VNPT đấu giá thành công. Do đó cùng với một diện tích như nhau thì Viettel cần 100 trạm thu và phát sóng 5G thì VNPT sẽ phải dùng tới gần 170 trạm, song tốc độ mạng 5G của VNPT cho phép nhanh hơn. Đây là một trong những lý do nhà mạng quyết định chi số tiền lớn ban đầu để giảm đầu tư về lâu dài.
Hy vọng cải thiện chất lượng dịch vụ di động
Việc các nhà mạng sử dụng băng tần di động nào để cung cấp dịch vụ viễn thông di động tưởng chừng là câu chuyện kỹ thuật của doanh nghiệp. Song, điều này mang nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng khi chất lượng dịch vụ internet di động tốt hơn, dịch vụ đa dạng hơn.
Được biết, Viettel chấp nhận trả số tiền lớn để đấu giá băng tần 2500-2600 MHz vì băng tần này triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và 5G – qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và cung cấp dịch vụ 5G trong thời gian tới. Đây cũng là băng tần tối ưu được vùng phủ với bán kính gấp 1,3 lần so với 2 băng tần 5G cao được đem ra đấu giá đợt này.
Ở góc độ chuyên gia, chia sẻ thông tin với KTSG Online, ông Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, cho biết băng tần 2500-2600 MHz có độ phủ rộng hơn nên giúp nhà mạng tiết kiệm chi phí triển khai các trạm thu phát sóng. Ngoài ra, đây còn là băng tần duy nhất cho phép triển khai cả mạng 4G và 5G (các băng tần 3700-3800 MHz và 3800 – 3900 MHz chỉ dùng được cho 5G). Băng tần 2500-2600 MHz sẽ giúp tăng chất lượng dịch vụ mạng 4G và triển khai 5G.
Thực tế, dịch vụ internet di động 4G đã được các nhà mạng cung cấp tại Việt Nam vài năm nay, nhưng theo các chuyên gia, tốc độ được cung cấp cho người sử dụng chưa thực sự đạt tiêu chuẩn công nghệ 4G.
Phát biểu tại hội thảo quốc tế 4G/5G diễn ra khi còn làm Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đoàn Quang Hoan đã thẳng thắn, tốc độ 4G được cung cấp cho người dùng tại Việt Nam chưa đạt được tốc độ tiêu chuẩn – bởi nó bị giới hạn bởi độ rộng băng tần và số người sử dụng. Sau khi về hưu hiện ông làm Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam.
Cũng có ý kiến tương tự giống ông Hoan, một thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã về hưu khi trao đổi với KTSG Online cũng thừa nhận dịch vụ 4G mà nhà mạng đang cung cấp chỉ đạt tốc độ 3,5G.
Trước đây, các nhà mạng Việt Nam cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz và 2.100 MHz – đây là những băng tần đã được cấp trước đó cho 2G và 3G. Việc này làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng 4G, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố có mật độ tập trung thuê bao 4G lớn. Trong khi đó băng tần có thể giúp cho tốc độ 4G tại Việt Nam tốt hơn lại là 2500-2600 MHz.
Với băng tần 2500-2600 MHz, nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ 4G hoặc 5G. Trước đây, các nhà mạng đã kiến nghị Chính phủ sớm cho đấu giá băng tần trên bởi họ cho biết, đã không còn đủ băng tần để phát triển thêm thuê bao 4G.
5G là công nghệ viễn thông thế hệ mới đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới, có tốc độ cao hơn 4G rất nhiều và phù hợp cho kết nối với máy móc và thiết bị cho xu hướng của internet kết nối vạn vật IoT. Công nghệ 5G đang được Bộ Thông tin và truyền thông cho phép cho các nhà mạng cung cấp thử nghiệm tại một số tỉnh thành phố trên cả nước, để đánh giá về kĩ thuật trước khi cơ quan này cho phép cung cấp thương mại hóa đến người dùng trong thời gian tới.
Như vậy, với băng tần hiện các nhà mạng đang sử dụng thì việc cung cấp dịch vụ 4G còn chưa đạt chất lượng và tốc độ tốt, đúng tiêu chuẩn chứ chưa nói đến việc cung cấp dịch vụ 5G. Do đó, các nhà mạng và các chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm tìm cách để đưa băng tần mới vào sử dụng để các nhà mạng có thể nâng cao chất lượng, tốc độ dịch vụ internet di động cung cấp cho người dùng.