Băng trên Mặt trăng của sao Mộc phát sáng đủ màu sặc sỡ
Nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (JPL) cho thấy phần băng trên Mặt trăng Europa của sao Mộc có thể phát sáng trong bóng tối.
“Bề mặt của Europa liên tục tiếp nhận các luồng hạt tích điện cao do từ trường mạnh của Sao Mộc. Các hạt tích điện năng lượng cao này, tương tác với bề mặt dồi dào băng và muối dẫn đến các quá trình vật lý và hóa học phức tạp”, nhóm nghiên cứu cho hay.
Theo nhóm nghiên cứu, từng "hợp chất mặn" trong băng bề mặt của Europa phản ứng theo cách khác nhau, từ đó phát ra ánh sáng tương ứng với các màu xanh lục, xanh lam hoặc trắng ở cường độ khác nhau.
Việc Mặt trăng phát sáng trên bầu trời đêm nghe không có gì lạ vì chúng ta đã quá quen với cảnh tượng này. Nhưng cơ chế cơ bản đằng sau sự phát sáng của Europa lại tương đối khác biệt bởi ngay cả khi hướng ra xa mặt trời, mặt tối có nó vẫn phát sáng.
Với sự trợ giúp của quang phổ kế so sánh các bước sóng phát ra từ Mặt trăng, các nhà khoa học tới từ JPL đang tìm hiểu về các hợp chất cụ thể trong băng tương ứng với các loại màu mà chúng tạo ra.
Loại phân tích này thường được thực hiện vào ban ngày, nhưng kết quả mới nhất cho thấy Europa trông ra sao trong bóng tối.
“Chúng tôi có thể dự đoán rằng sự phát sáng của băng vào ban đêm này có thể cung cấp thêm thông tin về thành phần bề mặt của Europa. Thành phần đó thay đổi như thế nào có thể cung cấp cho chúng ta manh mối về việc liệu Europa có chứa đựng các điều kiện thích hợp cho sự sống hay không” Murthy Gudipati, tác giả chính của nghiên cứu cho hay.
Các nhà khoa học của NASA từ lâu đặt giả thuyết bề mặt băng giá của Europa có khả năng được tạo thành từ hỗn hợp băng và muối quen thuộc với chúng ta trên Trái đất, như magie sunfat (muối Epsom) và natri clorua (muối ăn).
Nguồn VTC: https://vtc.vn/bang-tren-mat-trang-cua-sao-moc-phat-sang-du-mau-sac-so-ar580094.html