Bangladesh siết chặt biên giới khi hàng nghìn người Rohingya tiếp tục chạy sang từ Myanmar

Bangladesh đã tăng cường kiểm soát tại biên giới với Myanmar khi có ít nhất 18.000 người Hồi giáo Rohingya vượt biên trong những tháng gần đây để thoát khỏi tình trạng bạo lực leo thang ở bang Rakhine, phía tây Myanmar.

Làn sóng người tị nạn từ Myanmar ngày càng tăng khi giao tranh leo thang giữa quân đội chính quyền và Quân đội cứu thế Arakan Rohingya, nhóm nổi loạn người Rohingya hoạt động ở miền bắc bang Rakhine, Myanmar.

"Hàng nghìn người Rohingya đã chạy sang Bangladesh và nhiều người đang chờ để vượt biên. Tình hình rất tồi tệ", một quan chức Bộ Ngoại giao Bangladesh cho biết.

 Cảnh sát Myanmar đứng gác tại Maungdaw, Rakhine. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Myanmar đứng gác tại Maungdaw, Rakhine. Ảnh: Reuters

Những người mới đến làm tăng thêm số lượng hơn một triệu người tị nạn Rohingya đang sống trong các trại tị nạn quá tải ở quận Cox's Bazar sau khi chạy trốn khỏi bạo lực tại Myanmar kể từ năm 2017.

Số lượng người đến trại tị nạn đã tăng gấp đôi so với ước tính của chính quyền Bangladesh vào đầu tháng này, mặc dù Bangladesh nhiều lần tuyên bố rằng họ không thể tiếp nhận thêm người tị nạn Rohingya vì nguồn lực đã cạn kiệt.

Một quan chức cấp cao khác cho biết: "Sự cảnh giác ở biên giới đã tăng lên, nhưng việc quản lý đường biên giới dài 271 km với Myanmar vẫn là một thách thức, đặc biệt là khi không có lực lượng an ninh đối ứng ở phía bên kia".

Vị quan chức này cho biết nhiều người Rohingya đang tuyệt vọng và tìm cách vượt biên sang Bangladesh.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Bangladesh cho biết chính quyền Bangladesh vẫn chưa đưa ra quyết định về việc có nên đăng ký những người mới nhập cảnh và đang sống trong các trại tị nạn hay không.

Người đứng đầu Chính phủ lâm thời Bangladesh, ông Muhammad Yunus, đã kêu gọi nhanh chóng tái định cư người Rohingya ở nước thứ ba như một giải pháp lâu dài, nhưng quan chức Bộ Ngoại giao cho biết tiến độ này còn hạn chế.

"Khoảng 2.000 người đã tham gia chương trình tái định cư kể từ khi chương trình này được nối lại vào năm 2022 sau 12 năm gián đoạn", ông cho biết thêm rằng Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và Ireland nằm trong số các quốc gia tiếp nhận người tị nạn.

Ngọc Ánh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bangladesh-siet-chat-bien-gioi-khi-hang-nghin-nguoi-rohingya-tiep-tuc-chay-sang-tu-myanmar-post311826.html