Bánh đậu xanh - thơm ngọt tình người xứ Đông
Bánh đậu xanh Hải Dương từ lâu đã trở thành sản phẩm mang tính biểu tượng của một vùng đất, là niềm tự hào của những người con xứ Đông.
Với những nguyên liệu đơn giản, mộc mạc nhưng mỗi chiếc bánh đậu xanh Hải Dương lại thấm đượm hương vị đồng nội, thể hiện sự tinh tế và khéo léo của những người thợ cần cù. Bánh đậu xanh đã trở thành sản phẩm mang tính biểu tượng của một vùng đất, là niềm tự hào của những người con xứ Đông.
Nằm trong tam giác du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thành phố Hải Dương là nơi dừng chân của du khách muôn phương và bánh đậu xanh là một trong những sản vật luôn được chọn làm quà cho người thân, bạn bè.
Chị Phạm Lê Giang, du học sinh Việt Nam hiện sống tại thành phố Leeds (Vương quốc Anh), cho biết: “Khi còn ở Việt Nam, mỗi dịp lễ, Tết, trên ban thờ của gia đình tôi đều có một hộp bánh đậu xanh. Khi đi du học, mỗi lần về nước tôi đều mua và mang sang cho các bạn du học sinh Việt Nam và cả các bạn người nước ngoài một chút bánh đậu xanh để mọi người thưởng thức.
Mọi người đều rất thích và nhớ hương vị của bánh. Mỗi lần nhìn thấy bánh đậu xanh là tôi lại thấy nhớ về quê hương và nhớ nét đặc trưng của Việt Nam”.
Hiện nay, hầu hết các công đoạn làm bánh từ sơ chế nguyên liệu, rang đỗ, tách vỏ, nghiền bột, trộn mỡ... đã từng bước được cơ giới hóa nhưng trước kia, bánh được làm hoàn toàn thủ công. Quy trình làm ra chiếc bánh đậu xanh không quá phức tạp nhưng đòi hỏi những bí quyết gia truyền độc đáo và quan trọng là cái tâm của người thợ.
Ông Đoàn Văn Đạt, Chủ thương hiệu Bánh đậu xanh Nguyên Hương, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong “làng bánh” chia sẻ: “Đã làm bánh bao nhiêu năm nhưng tôi vẫn nhắc nhở con cháu rằng, nếu như những mẻ đỗ, mẻ mỡ không đúng chất lượng thì các con nên đổ đi. Chứ nếu mình cứ cố tình bán hết những sản phẩm không đạt chất lượng hôm nay thì đương nhiên ngày mai ta mất nghề".
Bánh đậu xanh Hải Dương hấp dẫn bởi hương vị ngọt mát, dân dã nhưng vẫn sang trọng. Qua bao thế hệ, những phong bánh đậu xanh vẫn được đóng theo từng khẩu nhỏ, trên hộp bánh thường in dòng chữ: “Thưởng thức nên có bạn hiền và trà ngon”. Đó là “nét duyên” trong cách “thưởng” bánh tinh tế của người Việt.
“Thưởng thức bánh đậu phải uống nước trà. Cầm khẩu bánh vừa phải, không nhỏ quá cũng không to quá cùng với vị thơm của bột đậu, ngậy của dầu, ngọt của đường... đặt vào miệng là bánh tan ra. Trà thì có vị hơi chát nhưng lại luôn có vị ngọt. Những hương vị ấy quyện vào nhau tạo thành hương vị ngọt, thơm và ngậy ngậy mãi” - ông Nguyễn Đình Giang cho biết.
Gần 100 năm cần cù giữ nghề truyền thống, người dân Hải Dương tự hào có hệ thống sản xuất, kinh doanh rộng khắp với trên 50 thương hiệu bánh đậu xanh, được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng và được xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới.
Ông Tăng Bá Hoành, Nhà nghiên cứu lịch sử, Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương cho biết: “Khi bánh đậu xanh ra đời, lúc đầu chỉ có vài cơ sở nhưng sau đó người ta mang đi Đấu Xảo và được giải rồi dần nổi tiếng. Đến khi chiến tranh chống Mỹ thì còn ít người biết đến. Sau khi hòa bình lập lại, nhất là sau thời kì đổi mới thì bánh đậu mới lại phát triển và đến bây giờ phát triển chưa từng có.
Một loại bánh mà được thị trường chấp nhận là không hề dễ. Nguyên liệu làm bánh chỉ có đường, mỡ, đậu xanh và tinh dầu của hoa bưởi, là những tinh hoa của đồng nội, không chỉ trên thị trường cả nước mà thế giới cũng ưa chuộng”.
Trên thị trường bánh kẹo đa dạng và phong phú hiện nay, bánh đậu xanh Hải Dương vẫn có chỗ đứng nhất định bởi đó không đơn giản là một loại bánh hay một món quà tặng mà còn là một phần văn hóa xứ Đông./.
“Ai qua thành phố Hải Dương/ Nhớ mua bánh đậu quê hương làm quà/ Bánh ngon, thơm ngọt đậm đà/ Ngọt ngào hương vị, đậm đà tình quê”.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/banh-dau-xanh-thom-ngot-tinh-nguoi-xu-dong-964126.vov