Bánh kẹo truyền thống tự làm 'hot' dịp cuối năm có đảm bảo an toàn thực phẩm?
Thay vì lựa chọn bánh kẹo, mứt Tết ngoại nhập như những năm trước, năm nay, nhiều người lại ưu tiên lựa chọn bánh kẹo cổ truyền, tự làm để dùng vào dịp Tết.
Bánh kẹo cổ truyền tự làm lên ngôi dịp cuối năm
Khoảng vài năm trở lại đây, khi người ta đã đủ đầy với những món quà hiện đại thì bỗng dưng thương nhớ ký ức xa xưa. Những thứ bánh tưởng như cổ hủ, lạc hậu, quê mùa như kẹo lạc, kẹo vừng, bánh khảo, bánh chả lá chanh…vì thế mà được hồi sinh.
Chị Thu Hà (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ Tết này chị đặt toàn kẹo lạc, kẹo vừng, bánh chả... từ chỗ người quen tự làm để dùng vào dịp Tết. Đây là các loại kẹo chị mua để Tết Nguyên đán tới vừa để biếu, vừa để đãi khách cùng với chén nước chè xanh cho chuẩn vị. Sát Tết, chị dự tính đặt thêm cả chè lam được làm thủ công để mọi người cùng thưởng thức.
Chị cho biết, những năm trước vào mỗi dịp Tết chị thường mua các loại bánh kẹo ngoại với giá khá đắt đỏ. Như Tết năm ngoái, chỉ tính riêng tiền bánh kẹo mua làm quà biếu, để đãi khách đã tốn của chị cả chục triệu đồng. Năm vừa qua, thu nhập giảm, thưởng cuối năm cũng không được như trước. Thế nên, Tết này, chị tính chi tiêu tiết kiệm. Thay vì sắm toàn bánh kẹo ngoại, chị chuyển sang mua các loại kẹo quê dân dã, giá rẻ lại ngon. "Mứt, kẹo này không chất bảo quản, giá lại tương đối rẻ. Tết đến, ăn mứt, kẹo nhâm nhi cùng chén nước chè hợp vị", chị Hà chia sẻ.
Không chỉ đặt mua, nhiều chị em tự làm những loại bánh kẹo đón Tết theo các công thức được chia sẻ trên các hội nhóm.
Từ những loại kẹo cổ truyền tưởng như không còn hấp dẫn như kẹo lạc, kẹo dồi đến các loại bánh quy bơ sữa, kẹo "hạnh phúc" được làm từ những loại hạt, tất cả đều dễ dàng tìm thấy công thức thực hiện ngay tại nhà.
Ưu điểm của những loại bánh kẹo "handmade" là giá rẻ hơn so với đi mua sẵn, lại không lo mua phải bánh kẹo "nhái", hàng gia công kém chất lượng. Vị của bánh kẹo có thể thay đổi, gia giảm cho vừa khẩu vị của từng gia đình nên người ăn cũng an tâm hơn so với các loại bánh kẹo bán sẵn có thể quá ngọt và nhiều chất bảo quản.
Chị Đào Linh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Vài năm gần đây, tôi đều tự tay làm mứt dừa, mít sấy khô trước dịp Tết theo công thức được chia sẻ trên mạng. Những hộp mứt, gói bánh kẹo "handmade" được dùng làm quà biếu hai bên nội ngoại, rất ý nghĩa. Tự tay làm, tôi cũng an tâm hơn về khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm."
Liệu có thực sự an toàn thực phẩm?
Thực phẩm handmade đang có xu hướng phát triển vì người dân có xu hướng lo ngại khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm của các công ty sản xuất ít tên tuổi tung ra các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tuy vậy, đồ thực phẩm handmade được tiêu thụ chủ yếu qua người quen giới thiệu, truyền miệng và bảo đảm uy tín bằng lòng tin.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng bánh kẹo mua về nhưng được đóng gói thô sơ, không ghi rõ hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, được trưng bày trong các bịch, hũ lớn và được bán theo khối lượng. Một số cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nguyên liệu làm bánh kẹo, mứt không đảm bảo an toàn thực phẩm, không thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Do đó, bánh kẹo "handmade" không tuyệt đối đảm bảo vệ sinh nếu người làm mua phải nguyên liệu kém chất lượng.
Bên cạnh đó, do không có chất bảo quản, không được đóng gói theo quy chuẩn nên bánh kẹo handmade không thể để được dài ngày như sản phẩm từ các nhà máy. Vì vậy, các chị em cần tránh làm bánh, kẹo, mứt... quá nhiều và trước Tết quá sớm, đồng thời lưu ý cất giữ, bảo quản trong các túi, hộp kín, đặt nơi khô ráo, thoáng mát.
Như vậy, khi mua đồ handmade, người tiêu dùng cần đặc biệt quan tâm đến nhãn mác, nguồn gốc và thương hiệu của sản phẩm. Đồng thời, nói không với những thực phẩm tự chế biến không rõ chất lượng, thành phần, nguyên liệu, không đủ tiêu chuẩn... Hãy là người tiêu dùng thông minh và đặt niềm tin đúng chỗ.