Bánh mì baguette của Pháp được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể
Bánh mì baguette, hay còn gọi là bánh mì đũa, đã trở thành một biểu tượng trong cuộc sống thường ngày của người dân Pháp. Ngày 30/11, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đã công nhận bánh mì baguette của Pháp là di sản phi vật thể của nhân loại.
Mỗi ngày, những tiệm bánh mì trên mọi miền của nước Pháp phục vụ khoảng 12 triệu lượt khách và có tới hơn sáu tỷ chiếc bánh mì baguette được tiêu thụ mỗi năm. Với lớp vỏ ngoài giòn xốp, nhưng bên trong ruột lại thơm mềm, sau hơn hai thế kỷ, bánh mì baguette đã trở thành loại thực phẩm được tiêu thụ hàng đầu tại quốc gia châu Âu này. Bước vào những tiệm bánh mì dường như đã trở thành một thói quen thường nhật và bánh mì baguette cũng là loại thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Pháp, bất kể là tại bữa ăn trong gia đình, hay căng tin trường học, nơi làm việc và thậm chí cả trong những nhà hàng cao cấp sang trọng.
Tại kỳ họp lần thứ 17, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã nhất trí quyết định ghi danh nghề thủ công và văn hóa bánh mì baguette vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Thật sự là một niềm tự hào to lớn”, Chủ tịch Liên đoàn quốc gia bánh mì và bánh ngọt Pháp (CNBPF), ông Dominique Anract, không giấu được sự xúc động khi có mặt tại buổi làm việc của Ủy ban, diễn ra từ ngày 28/11 đến ngày 3/12 tại Maroc.
Thậm chí, trên mạng xã hội Twitter cá nhân, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã viết: “250 gam bột đầy mê hoặc và tinh tế trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đó là một lối sống phong cách Pháp. Chúng ta đã nỗ lực không ngừng trong nhiều năm, cùng những người thợ làm bánh và giới ẩm thực chuyên nghiệp vì điều này. Bánh mì baguette bây giờ đã là một di sản phi vật thể của UNESCO!”
Bà Priscilla Hayertz, một thợ làm bánh ở Paris vui mừng cho biết, bánh mì baguette vượt lên trên một món ăn thường nhật đơn thuần, mà nó còn trở thành biểu tượng bình đẳng của nước Pháp, bất kể ai dù ở lứa tuổi nào, lao động trong ngành nghề nào, địa vị xã hội ra sao, hay khả năng tài chính giàu nghèo đến đâu thì cũng luôn có một chiếc bánh mì trong mỗi bữa ăn.
Sự tôn vinh của UNESCO có ý nghĩa quan trọng ngay tại thời điểm này, khi mà nghề làm bánh mì baguette thủ công đang dần bị đe dọa trước sự công nghiệp hóa và sự suy giảm số lượng của những cửa hàng bánh mì, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Theo con số thống kê, năm 1970, có khoảng 55.000 tiệm bánh thủ công (trung bình mỗi tiệm bánh phục vụ cho 790 dân), nhưng đến này con số đó chỉ còn lại 35.000 tiệm (trung bình mỗi tiệm phục vụ cho 2.000 dân). Trong hơn nửa thế kỷ qua, cứ mỗi năm lại có 400 tiệm bánh đóng cửa.
Người Pháp có những chuẩn mực khắt khe, và đôi khi là khó tính, trong việc thưởng thức một chiếc bánh mì baguette. Độ ngon của một chiếc bánh mì baguette phải đáp ứng được hai tiêu chí, vỏ bên ngoài giòn cứng và có màu vàng, lớp ruột bánh bên mềm dẻo và có độ đàn hồi khi ấn ngón tay vào.
Quá trình làm một chiếc bánh mì baguette cũng nhiều công phu, phải cần tới 4 tiếng đồng hồ kể từ lúc nhào bột cho đến khi đóng khuôn và đưa vào lò nướng. Ngày nào cũng vậy, thường xuyên phải dậy từ sớm lúc trời còn tối mịt, để có thể kịp mở hàng vào buổi sáng, mà giá thành của một chiếc bánh mì lại vô cùng thấp và dễ tiếp cận, khiến cho những nghệ nhân làm bánh không ít lần trăn trở.
Ngoài những cái tên vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như Alheda'a - văn hóa truyền khẩu gọi lạc đà của nhóm cộng đồng ba nước Saudi Arabia, Oman và Các tiểu vương quốc Ả Rập, dàn nhạc dây truyền thống của Hungary, môn võ cổ truyền Kun lbokator của Campuchia, nghi thức nhảy cầu nguyện Furyu-odori của Nhật Bản,… UNESCO cũng đưa ra những cái tên thuộc nhóm Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào năm 2022, bao gồm công thức truyền thống làm món borscht (Ukraine), đồ gốm Quinchamalí và Santa Cruz de Cuca (Chile), những tác phẩm đá truyền thống của vùng Ahlat (Thổ Nhĩ Kỳ), nghệ thuật làm gốm cổ truyền của người Chăm (Việt Nam) và trang phục truyền thống Xhubleta (Albania).
Công ước Di sản văn hóa phi vật thể ra đời nhằm thúc đẩy việc bảo vệ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nghề thủ công truyền thống cũng như các thực hành văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chẳng hạn như văn hóa truyền thống truyền khẩu, nghệ thuật biểu diễn, tập quán xã hội, nghi lễ và sự kiện lễ hội, hoặc kiến thức và thực hành liên quan đến tự nhiên và vũ trụ.
Đến nay, danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cho đến nay đã có hơn 500 hạng mục được ghi nhận, nhằm mục đích công nhận và thúc đẩy sự đa dạng của các tập quán văn hóa và bí quyết truyền thống của các cộng đồng.
Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, cho đến nay đã có hơn 70 hạng mục được ghi nhận. Danh hiệu này cho phép các quốc gia thành viên của Công ước huy động sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để tăng cường việc truyền bá các tập quán văn hóa này.