Bánh mì Việt chinh phục thế giới
Bánh mì là món ăn hết sức đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Vì vậy, bánh mì hiện hữu rất nhiều trong đời sống hàng ngày của người dân, trên hè phố hay đến các bữa tiệc sang trọng, là một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Việt lẫn du khách quốc tế.
Từ một “thân phận” bị hắt hủi…
Cách đây 150 năm, bánh mì theo chân người Pháp vào Việt Nam. Những ngày đầu tiên ấy, bánh mì từng bị tẩy chay vì nó là món ăn phương Tây. Những khách hàng đầu tiên mua bánh mì là học sinh trường Tây thời cũ, thông ngôn, bồi bàn... Rồi không biết từ khi nào, bánh mì gắn bó với đời sống sinh hoạt thường nhật của người Việt Nam, trở nên thân thuộc, gần gũi.
Theo thời gian, bánh mì tiếp tục được phát triển và biến tấu với nhiều hình thức và cách phối hợp nguyên liệu mới, đáp ứng nhu cầu ẩm thực và khẩu vị của người Việt. Ổ bánh mì Việt đi qua từng vùng miền lại được “mặc” thêm chiếc áo ẩm thực của vùng miền đó như: bánh mì chả cá Nha Trang, bánh mì thịt rim Hội An, bánh mì xíu mại Phan Thiết, bánh mì thịt kho hột vịt Quy Nhơn - Bình Định, bánh mì thịt nướng, bánh mì phá lấu... Người Việt xem bánh mì như một bữa ăn tiện lợi mang đi, có thể dùng làm bữa chính hoặc phụ bởi giá trị dinh dưỡng đầy đủ.
Cách đây không lâu, một cơ quan truyền thông tại Việt Nam, đã tiến hành cuộc khảo sát ngẫu nhiên với 260 người. Con số cho thấy độ tuổi trong khoảng từ 15 – 19 tuổi chiếm tỷ lệ nhiều nhất số lượng người dùng bánh mì làm bữa ăn (45,8%); từ 20 – 24 tuổi chiếm (35%), độ tuổi 25 – 29 chiếm (10,8%), độ tuổi trên 30 tuổi và dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ phần trăm tương ứng lần lượt là (5,8%) và (2,7%).
Bánh mì Việt Nam rất đa dạng và hầu hết đều ngon, hợp với khẩu vị nhiều vùng miền. Kết quả khảo sát trên cũng cho thấy, bánh mì thịt nướng được lựa chọn nhiều nhất với 152 người chọn (chiếm 58,5%), kế đó là bánh mì ốp la với 130 người (chiếm 50%), bánh mì heo quay (chiếm 45%), bánh mì chấm sữa (chiếm 40,8%), bánh mì chảo (chiếm 38,5%), bánh mì chả lụa (chiếm 34,2%). Ngoài ra, bánh mì pate chà bông và bánh mì xúc xích được lựa chọn gần bằng nhau, lần lượt là (chiếm 31,9%) và (chiếm 30,4%). Đa phần mọi người thích ăn bánh mì theo hương vị miền Trung (chiếm 63,8%), tiếp đó là miền Nam (chiếm 55%), và hương vị miền Bắc (chiếm 21,9%).
Ở Việt Nam, không quá khó để tìm một nơi bán bánh mì vào tất cả các giờ trong ngày. Do đó con số 67,7% người được hỏi lựa chọn bánh mì vỉa hè, 54,2% lựa chọn bánh mì xe đẩy chiếm cũng không có gì quá ngạc nhiên. Với các loại thương hiệu bánh mì khác nhau, số lựa chọn cũng phong phú. Bánh mì Sài Gòn có lượng người lựa chọn không ít với 20,4%, bánh mì Hà Nội chiếm 14,2%, bánh mì bò nướng bơ Campuchia chiếm 13,5%, bánh mì Như Lan 11,2%...
Nổi tiếng là vậy nên năm 2017 nhân chuyến tham dự Hội nghị APEC tại Đà Nẵng, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ngồi ăn và khen bánh mì kẹp thịt rất ngon ngay bên lề đường. Hình ảnh này ngay lập tức lên “cơn sốt” trong giới truyền thông không khác gì hình ảnh Tổng thống Mỹ Obama ngồi ăn bún chả Hà Nội năm 2016.
Sau sự kiện này, ngày 24/3/2020, kỷ niệm 9 năm ngày từ “banh mi” được đưa vào từ điển Oxford, Doodle Bánh mì Việt Nam xuất hiện trên trang chủ Google Tiếng Việt (Google.com.vn) cùng hơn 10 quốc gia khác bao gồm Mỹ, Canada, Singapore, Pháp, Úc, Thụy Sĩ... “Ổ bánh mì Việt Nam được sinh ra từ một cuộc giao thoa văn hóa Pháp - Việt. Một ổ baguette dài với thịt nguội và bơ hoặc phômai đã được thay đổi, thêm thắt, chuyển hóa thành ổ bánh mì nhỏ hơn, và thêm các nguyên liệu mang đầy đủ tâm hồn Việt: rau thơm, hành, ngò, patê, thịt heo hoặc gà, chút nước xốt từ thịt, rắc muối, tiêu và cả ớt miếng, mang đủ các vị” – giới thiệu của Google giới thiệu về món bánh mì.
Nghĩ về một Ngày bánh mì Việt Nam
Không chỉ nổi tiếng trong nước, bánh mì Việt còn nổi tiếng trên bản đồ ẩm thực thế giới và dành được nhiều lời ngợi khen từ các chuyên gia ẩm thực và truyền thông quốc tế. Tờ The Guardian khi xếp bánh mì Việt Nam ở vị trí thứ hai trong danh sách món ăn đường phố ngon nhất thế giới. David Farley, cây bút du lịch và ẩm thực của BBC, khen ngợi bánh mì Việt là “loại sandwich ngon nhất thế giới”. Cố đầu bếp Anthony Bourdain, một trong những chuyên gia ẩm thực có ảnh hưởng nhất thế giới, dành nhiều lời khen dành cho món bánh mì Việt trong chương trình No Reservation trên Đài CNN…
Nếu bạn đến những thành phố lớn của Australia vào giờ các công sở nghỉ ăn trưa, không khó để có thể thấy những quán ăn, hiệu bánh mì của người Việt khách đông tấp nập, người xếp hàng dài và nhân viên làm việc không ngơi tay. Ổ bánh mì nóng, nhân ngon hấp dẫn, giá chưa tới mười đô la Australia khiến cho bánh mì trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều thực khách cả người Việt và người bản địa. Các hàng quán lại tài tình nghĩ ra nhiều loại thịt khác nhau để tăng sự lựa chọn cho khách hàng: thịt quay, thịt quay giòn da, thịt nướng, bò xào, gà nướng... khiến cho nhiều khách hàng ăn bánh mì năm ngày một tuần vẫn không chán.
Mong muốn kinh doanh tiệm bánh mì Việt truyền thống chuẩn vị tại Sydney – Australia, vợ chồng chị Nguyễn Như Thanh Hải đã dành thời gian tìm hiểu về các trường dạy làm bánh mì chất lượng tại Việt Nam để học. Theo chị Thanh Hải, bánh mì Việt được xem là món ngon đường phố hấp dẫn nhất đối với thực khách Australia, chỉ đứng sau phở Việt. Bánh mì Việt đang dần khẳng định chỗ đứng trong nền ẩm thực năm châu. Thế nên rất nhiều người tìm đến Việt Nam để thưởng thức và mong học được bí quyết để kinh doanh món ăn truyền thống này.
“Ao dai”, “pho”, “banh mi” – nhắc đến Việt Nam du khách nào cũng biết đến những từ ngữ đã đi vào từ điển này. Vì thế, từ một “thân phận” đã từng bị hắt hủi nghĩ về một Ngày bánh mì Việt Nam cũng không có gì là quá hồ đồ.
Đề xuất này đã được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia” vừa được tổ chức trung tuần tháng 10 xoay quanh 4 chủ đề: Lịch sử bánh mì Việt, sự du nhập từ món ăn phương Tây trở thành ẩm thực bản địa; Sự giao thoa văn hóa và sáng tạo trong chế biến của bánh mì Việt; Bánh mì Việt hội nhập quốc tế và định vị thương hiệu; Sức hút, hấp dẫn của bánh mì Việt với thế giới, nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị ẩm thực của bánh mì Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực bánh mì Việt Nam qua các thời kỳ cũng như thúc đẩy kích cầu du lịch thành phố.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia ẩm thực, nhà nghiên cứu đề xuất lấy ngày 24/3 – ngày từ “banh mi” được thêm vào từ điển Oxford là Ngày bánh mì Việt Nam và sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm.
TS Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Văn Lang cho biết, hiện nay, bánh mì là món ăn hết sức đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Vì vậy, bánh mì hiện hữu rất nhiều trong đời sống hàng ngày của người dân, trên hè phố hay đến các bữa tiệc sang trọng, là một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Việt lẫn du khách quốc tế. Bánh mì dù có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng đã thể hiện sự tiếp nhận và cải biến ẩm thực của người Việt Nam. Đối với du khách quốc tế, mỗi khi đến Việt Nam đều có nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức bánh mì như để tìm hiểu rõ nét về nền văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Đối với người Việt, khi đi đâu xa cũng sẽ luôn nhớ về ẩm thực Việt Nam với món bánh mì...
Ở góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Vũ Thế Long - nhà nghiên cứu lịch sử ẩm thực và môi trường nhận định sự ra đời và phát triển của bánh mì mang sắc thái Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời, cho thấy sự gặp gỡ, giao thoa và phát triển đầy thú vị của hai nền văn minh lúa mì và lúa nước. Trong quá trình tìm hiểu về các loại bánh mì và nguyên liệu để làm nhân bánh, quá trình thao tác chế biến, pha trộn một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng chứng minh vì sao loại hình bánh mì Việt Nam lại trở nên nổi tiếng, không chỉ ngon, lạ mà còn lành tính.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, quyền Viện trưởng Viện Mekong, hành trình của bánh mì Việt Nam từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia là một hành trình “xoắn ốc”. Đó là hành trình một món “ngoại lai” được người Việt sáng tạo lại theo những cách độc đáo ngay tại Việt Nam, để rồi sau đó nó lại theo chân người Việt đi khắp thế giới và trở thành một trong những biểu tượng của ẩm thực đường phố Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.
“Những lần bánh mì Việt được vinh danh, quảng bá bởi các chuyên gia ẩm thực và truyền thông quốc tế lớn như: The Guardian, BBC, đầu bếp Anthony Bourdain… cho thấy sự giao thoa hoàn hảo giữa ẩm thực phương Tây và tinh túy của ẩm thực Việt. Hiện nay, bánh mì Việt rất gần với văn hóa sandwich phóng khoáng của phương Tây nhưng lại rất đỗi cầu kỳ, tinh tế và bí ẩn Á Đông nên vẫn nổi tiếng theo một cách riêng biệt. Thực tế, trong đời sống người Việt Nam hiện vẫn không ngừng sáng tạo, cải tiến và cho ra đời những biến tấu mới để tô đậm thêm sự định danh của món bánh mì dân dã trên bản đồ ẩm thực thế giới. Hành trình sau hơn 150 năm, kể từ khi bánh mì xuất hiện ở Việt Nam vẫn đang được tiếp nối” – bà Phượng nhấn mạnh.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/banh-mi-viet-chinh-phuc-the-gioi-post456061.html