Bánh ống - hương vị tuổi thơ
Những ai lớn lên ở làng quê khó mà quên được hương vị đặc trưng của bánh ống. Dù chỉ là món ăn vặt dân dã được chế biến không quá cầu kỳ, nhưng đủ làm bao người yêu thích nó.
Tiếng rao vang đến từng nhà, tận ngóc ngách vẫn nghe văng vẳng. Già trẻ trong xóm hồ hởi ra ngã ba, ngã tư đường, trên tay cầm theo thau gạo. Chẳng mấy chốc, quanh xe xay bánh đã có rất đông người, ai nấy chỉ mong đến lượt mình. Sự chờ đợi này chẳng ai thấy khó chịu, bởi ai cũng biết nhà mình sắp có món bánh ngon để dùng. Bánh ống được chế biến chỉ đơn giản từ gạo, thêm ít đường cho vừa dùng, tùy gia đình mà cho thêm mì tôm hoặc đậu xanh. Nguyên liệu nhà nào cũng có.
Những chiếc bánh ống nóng, thơm lựng, mùi thơm đặc trưng của gạo vừa mới rang xong. Từ xưa đến nay vẫn thế! Với chị Nguyễn Thị Hoa ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), hương vị bánh ống là cả một bầu trời tuổi thơ như một thức quà đặc biệt, thời kinh tế gia đình còn khó khăn. “Chỉ vài lon gạo, cho ra món bánh vừa tròn vừa dài như cái ống, dùng trong cả tháng, chẳng hề ngán. Chỉ cần để bánh ở chỗ kín gió sẽ giữ được độ ngon, giòn của bánh. Nên bây giờ dù đã lớn, hễ thấy có chỗ xay bánh là tôi có mặt ngay, bao ký ức lại ùa về”, chị Hoa thổ lộ.
Bánh ống chẳng có màu sắc bắt mắt hay bao bì nhãn mác cầu kỳ. Giá thành lại rẻ, chỉ với 5.000 đồng một lon gạo, làm bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. Tính ra chỉ vài chục ngàn là có cả túi bánh ống vừa thơm vừa ngon. Vì vậy, giữa bao sự lựa chọn, với những đứa trẻ ở làng, chúng vẫn thích ăn bánh ống. Dù chẳng thể lý giải vì sao, chỉ biết rằng ăn ngon là thích.
Em Đoàn Thảo Phương (huyện Tuy An) chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, hễ nghe tiếng rao xay bánh ống, em lại xách vài lon gạo, rồi hí hửng chạy thật nhanh ra để được xay trước. Giờ đây, đi học xa nhà, em lại nhớ cái cảnh chạy tất ta tất tưởi, nhớ mùi gạo thơm phức của bánh mới”.
Anh Nguyễn Quốc Dũng và vợ (xã An Nghiệp, huyện Tuy An) đã gắn bó nhiều năm với nghề xay bánh ống. Ngày ít thì vài chục ngàn, ngày nhiều thì kiếm được vài trăm ngàn đồng. Tuy không dư dả nhưng nghề này mang lại thu nhập giúp vợ chồng anh trang trải cuộc sống.
“Bây giờ chẳng nhiều người làm nghề này nữa nên hễ cứ quay lại những xóm làng từng đi qua, tôi lại nghe đâu đó câu hỏi “Sao lâu quá mới ghé lại”. Rồi tôi bỗng thấy vui trong lòng... đến lạ”, anh Dũng kể... Và cứ thế, nhiều người lại tiếp tục chờ đợi tiếng rao xay bánh ống, đợi để có được món bánh thơm lừng, giòn tan.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/250382/banh-ong-huong-vi-tuoi-tho-%C2%A0.html