Bánh thạch đen nhân đậu xanh – sự kết hợp 'lạ lùng' hấp dẫn

Mới đầu mọi người thấy sự kết hợp này hơi 'lạ lùng', nhưng khi thưởng thức sẽ thấy thích vị ngọt mát của vỏ thạch đen, phần nhân đậu xanh béo bùi.

Từ một món ăn bình dị của người dân vùng núi Cao Bằng, nay thạch đen đã nổi tiếng khắp nơi như một món đặc sản mà du khách có dịp đến đây không thể bỏ qua.

Đi qua thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), du khách sẽ thấy nhiều quầy hàng bày bán món đặc sản thạch đen được làm từ lá cây thạch đen (còn có tên gọi khác là cây sương sáo). Các quầy bán thạch đen luôn tập nập khách ghé vào mua, phần đông mang về làm quà khi có dịp đi qua Cao Bằng.

Bánh thạch đen nhân đậu xanh đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Cao Bằng. Ảnh báo caobang

Bánh thạch đen nhân đậu xanh đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Cao Bằng. Ảnh báo caobang

Du khách đến với Cao Bằng không chỉ ấn tượng bởi những món ăn đậm chất núi rừng như lạp sườn, thịt hun khói, bánh áp chao... còn hấp dẫn bởi đặc sản thạch đen. Với hương thơm dịu nhẹ, vị ngọt thanh mát, từng miếng thạch dai giòn được người thợ khéo léo sáng tạo thêm phần nhân đỗ xanh, tạo nên một món tráng miệng mới mẻ, hấp dẫn.

Cũng giống như thạch đen, bánh thạch đen được làm từ những nguyên liệu thủ công, dễ kiếm. Phần vỏ bánh được chế biến từ cây thạch đen tại các vùng nguyên liệu của huyện Thạch An, thu hoạch khi cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn, cắt sát gốc, thân và lá thu về rải đều, phơi nắng nhẹ, rửa sạch cành lá cây thạch khô, cho vào nồi nấu nhừ, bắc ra để nguội, đổ nước vào túi vải sạch, vắt lọc lấy nước bỏ bã, rồi đổ bột gạo hay bột sắn vào nấu cho sôi lại cho đến khi dung dịch đặc quánh lại thì đổ vào chậu, để nguội.

Để cho thạch nhanh đông và giòn, có thể cho thêm ít nước tro (tro rơm rạ rửa sạch, lọc sạch) vào cùng với nước thạch đã lọc và bột gạo hoặc bột sắn, bột năng trước khi nấu sôi lại.

Múc nốt phần thạch trong nồi vào lớp trên của khuôn.Ảnh 24h.com

Múc nốt phần thạch trong nồi vào lớp trên của khuôn.Ảnh 24h.com

Cách làm ở đâu cũng giống nhau, nhưng để làm ra những chiếc bánh thơm ngon, vị ngọt vừa phải, hương vị hòa quyện hài hòa cần phải kỹ càng từ khâu chọn lọc, chế biến nguyên liệu. Phần nhân bánh được làm từ đậu xanh và dừa sợi được nạo mỏng. Loại đỗ được chọn phải là đỗ xanh ngon, hạt căng mẩy, ruột vàng óng, khi chế biến có độ bở, thơm mịn. Sau khi đồ chín mềm, giã nhỏ hoặc xay nhuyễn, trộn với dừa nạo làm nhân bánh. Tùy theo khẩu vị mỗi người mà có thể gia giảm lượng đường để nhân có vị ngọt sao cho phù hợp.

Khác với thạch đen truyền thống, có thể bảo quản trong tủ lạnh lên tới hàng tuần, bánh thạch đen đậu xanh chỉ để được từ 2 - 3 ngày do phần nhân đỗ có thời gian bảo quản ngắn hơn, nếu không bảo quản lạnh sẽ dễ bị hỏng.

Khách hàng rất thích món thạch đen đậu xanh bởi ăn có phần mới mẻ mà vẫn giữ được hương vị truyền thống. Cơ sở duy trì số lượng xuất bán ra thị trường, những dịp lễ Tết, cuối tuần số lượng khách tăng cao, có những ngày phải từ chối một số đơn hàng để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Nhiều hộ gia đình sản xuất và bán bánh thạch đen đậu xanh được làm theo cách thủ công, truyền thống, không sử dụng chất phụ gia nhưng vẫn tạo được độ thơm ngon và dẻo dai cho sản phẩm. Mỗi hộp thạch gồm 10 miếng hình tròn, có đường kính khoảng 7cm, giá từ 35.000 - 40.000 đồng/hộp.

Thạch đen nhân đỗ xanh được làm truyền thống, tỉ mỉ hơn thạch đen thông thường. Ảnh baocaobang

Thạch đen nhân đỗ xanh được làm truyền thống, tỉ mỉ hơn thạch đen thông thường. Ảnh baocaobang

Với món bánh này, khi chế biến cần xay hoặc giã nhuyễn phần nhân cho giống với bánh đậu xanh để khi ăn có cảm giác tan trong miệng, cũng không nên thêm quá nhiều cốt dừa nếu không sẽ tạo cảm giác ngấy.

Những chiếc bánh trông có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong khâu đổ khuôn. Về mặt thời gian, yêu cầu gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần thời gian làm thạch đen truyền thống. Khâu đổ thạch và nhân cần phải làm liền tay, đổ một chút thạch ra khuôn tạo phần đáy bánh sau đó thêm nhân rồi mới đổ tiếp thạch, có vậy lớp nhân mới nằm gọn trong vỏ thạch. Nếu không làm liền tay thạch sẽ bị đông lại, khi thêm nhân sẽ không kết dính với nhau.

Thạch đen nhân đậu xanh không chỉ là món ăn tráng miệng mà còn là thực phẩm được làm từ thảo dược, tác dụng giải nhiệt, giúp hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp.

Món tráng miệng này có thể thưởng thức ngay khi vừa làm xong, tuy nhiên để ngăn mát tủ lạnh từ 2 - 4 tiếng trước khi ăn sẽ ngon hơn. Vị thanh mát của thạch đen, vị ngọt bùi của đỗ xanh, vị thơm ngậy của những sợi dừa, tất cả hòa quyện với nhau tạo nên hương vị độc đáo, thơm dịu mà không ngấy

Thạch đen Cao Bằng ngày càng được nhiều người biết đến và đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước, được nhiều khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Thưởng thức miếng thạch giòn, dai và cảm nhận vị ngọt dịu, thanh mát đặc trưng của thiên nhiên vùng cao luôn khiến du khách thích thú và thêm yêu món ăn bình dị của vùng non nước Cao Bằng.

Đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, năm 2022 món thạch đen Thạch An tiếp tục được vinh danh “Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam”. Tiếng lành đồn xa, du khách có dịp đi Thạch An đều muốn tìm mua ít hộp thạch đen về làm quà cho gia đình, bạn bè.

Lê Nguyệt

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/banh-thach-den-nhan-dau-xanh-su-ket-hop-la-lung-hap-dan-331292.html