Theo thông tin từ Reuters, tên lửa đạn đạo thuộc họ Fateh-110, có thể đạt tới tầm bắn từ 300 đến 700 km không phải là loại vũ khí Iran duy nhất mà Nga đã có trong tay.
Nguồn tin của Reuters lưu ý rằng việc chuyển giao tên lửa đạn đạo của Iran cho Liên bang Nga đã bắt đầu từ tháng 1/2024 sau nhiều vòng đàm phán được tổ chức tại Moskva và Tehran.
Thông tin còn cho hay, 4 đợt bàn giao tên lửa đã được thực hiện và trong vài tuần tới sẽ có thêm một số đợt giao hàng nữa.
Một số tên lửa đi qua Biển Caspian và một số bằng đường hàng không. Đồng thời, một quan chức Iran giấu tên bình luận với Reuters rằng "sẽ có nhiều đợt giao hàng hơn" và họ có quyền xuất khẩu vũ khí "đến bất kỳ quốc gia nào họ muốn".
Hiện tại chưa có bình luận chính thức nào từ các quan chức chính phủ Mỹ hoặc giới lãnh đạo chính trị - quân sự Ukraine về chủ đề Iran gửi tên lửa đạn đạo cho Nga. Vì vậy chỉ có thể đưa ra những giả định chung về tình trạng này.
Trước hết, cần nhấn mạnh rằng con số 400 tên lửa đạn đạo từ Iran thậm chí còn lớn hơn khối lượng sản xuất loại vũ khí này tại các cơ sở của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga.
Nếu chúng ta tiến hành so sánh từ dữ liệu hiện tại, thì Nga chỉ có khả năng sản xuất khoảng 30 tên lửa đạn đạo 9M723 cho tổ hợp Iskander-M mỗi tháng, tương đương khoảng 360 quả mỗi năm.
Trong bối cảnh đó, thật hợp lý khi cho rằng để đáp lễ, Nga sẽ bắt đầu giao vũ khí mới cho Iran, chưa kể đến khả năng thanh toán trực tiếp bằng vàng hoặc tiền mặt. Nhưng mặt khác, vẫn khó để nói loại vũ khí nào sẽ được Moskva cung cấp cho Tehran.
Kể từ tháng 11/2023, báo chí quốc tế đưa tin Nga đã bắt đầu cung cấp cho Iran không chỉ tiêm kích đa năng Su-35 và máy bay huấn luyện Yak-130 mà còn cả trực thăng tấn công Mi-28.
Ngoài ra Tehran còn bày tỏ sự quan tâm đến việc nhận các hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf và tổ hợp tên lửa chống hạm ven biển Bastion-P mới nhất từ Moskva.
Trước đó, Iran được cho là đã cung cấp đến Nga số lượng rất lớn máy bay không người lái cảm tử loại Shahed-136 và cả bản nâng cấp, đi kèm giấy phép để sản xuất tại chỗ dưới tên gọi Geran-2.
Thậm chí mới đây một nhóm hacker quốc tế còn đột nhập được vào máy chủ của một công ty bình phong có liên kết với Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và phát hiện ra thông tin rất thú vị.
Đó là giá trị mỗi chiếc Shahed-136 lên tới trên 200 nghìn USD chứ không phải chỉ có 20 nghìn USD như những gì truyền thông Nga đã đưa tin từ đầu cuộc chiến tới nay, ngoài ra vấn đề thanh toán cũng phải nhắc tới.
Nga được cho là đã phải trả cho Iran hơn 2 tấn vàng để nhận lại số máy bay không người lái nói trên, nguyên nhân là do hai nước không thể giao dịch với nhau bằng đồng USD hay các loại tiền tệ khác.
Bên cạnh tên lửa Iran, những mảnh vỡ được xác định là tên lửa KN-23 do Triều Tiên sản xuất cũng được tìm thấy ngày càng nhiều trên đất Ukraine, và 75% số linh kiện điện tử trong đó có xuất xứ từ Mỹ. Tuy nhiên tất cả những thông tin chắp nối trên đây chưa được các bên liên quan lên tiếng xác nhận, thậm chí Triều Tiên hay Iran vẫn luôn phủ định.