Báo Cao Bằng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH, giai đoạn 1964 - 1975 (phần 1)
Ngày 1/4/1964, số báo đầu tiên của Báo Cao Bằng được ấn hành đúng dịp kỷ niệm 34 năm Ngày thành lập Chi bộ Nặm Lìn - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh. Báo Cao Bằng số 1, ra 6 trang với chủ đề đậm nét: Kỷ niệm 34 năm Ngày thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh, chào mừng Báo Cao Bằng ra số đầu tiên. Trên trang nhất đăng thư của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gửi 'Toàn thể các đồng chí đảng viên, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh' và các bài: 'Chào mừng Báo Cao Bằng ra đời', 'Ba mươi tư năm trưởng thành và lớn mạnh của Đảng bộ ta'.

Cán bộ, phóng viên Báo Cao Bằng dâng hoa tại Khu di tích lịch sử Nặm Lìn - nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh.
Thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao theo Nghị quyết số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: “Báo Cao Bằng là cơ quan tuyên truyền giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc đoàn kết thi đua thực hiện mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và các nhiệm vụ công tác trung tâm từng thời gian của tỉnh chủ yếu là phục vụ nông thôn, phục vụ hợp tác hóa và sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh...”. Về nội dung, Báo cần phải: “Bám sát các nhiệm vụ trung tâm của tỉnh, chương trình và chủ trương công tác trong từng thời gian, đồng thời chú ý thích đáng đến toàn diện các công tác khác của Đảng bộ”. Ngay số đầu tiên, Báo đã chú trọng thông tin toàn diện với nội dung khá phong phú trên các lĩnh vực: Thời sự, Công tác xây dựng Đảng, Chính trị - xã hội, Kinh tế - đời sống..., trong tỉnh. Đồng thời, Báo đã dành dung lượng thỏa đáng cho chủ đề tuyên truyền giáo dục, cổ vũ ý chí chống Mỹ, cứu nước của quân, dân ta qua mục “Miền Nam anh hùng và bất khuất, thông tin về chiến thắng của quân dân ta qua các tin: “Bến Tre: Diệt 1.225 địch, bắn rơi và bắn hỏng 9 máy bay Mỹ trong tháng 2”; “Cần Thơ: Ba ngày diệt 144 tên địch, bắn rơi một máy bay Mỹ”; “Miền Nam Trung Bộ: Diệt 32 tên Mỹ, bắn rơi và bắn hỏng 35 máy bay”.
Cũng ngay trong số báo này, Báo Cao Bằng nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh, đón nhận và góp ý xây dựng của độc giả. Báo đã trích đăng bài phát biểu của đồng chí Hoàng Như - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng (1930 -1934), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (1937-1938), Bí thư Hải Phòng (tháng 3/8/1940) - nhân dịp Báo Cao Bằng ra mắt và kỷ niệm 34 năm Ngày thành lập Chi bộ đầu tiên của tỉnh với đầu đề “Báo Cao Bằng phải làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền cổ động nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội như trước đây Báo Cờ Đỏ đã làm tốt công tác tuyên truyền nhân dân làm cuộc cách mạng phản đế, phản phong” và các ý kiến của độc giả “Báo đã giúp Tỉnh đoàn chúng tôi phát hiện cái mới”, “Phụ nữ chúng tôi sẽ cộng tác chặt chẽ với Tòa soạn Báo hơn nữa”, “Nhờ làm theo Báo mà hợp tác chúng tôi đỡ lúng túng”, “Báo đã giúp chúng tôi kinh nghiệm thiết thực về chống hạn và làm phân”.
Từ năm 1964, các đồng chí Hoàng Nghiệp, Phi Phong, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được Tỉnh ủy phân công kiêm nhiệm Chủ nhiệm Báo Cao Bằng, cho đến khi có Quy chế báo chí Trung ương và Luật Báo chí sửa đổi thì không còn duy trì chế độ chủ nhiệm.
Năm 1964, Báo xuất bản 5 ngày một kỳ, 4 trang, khổ 30 x 40 cm. Một năm sau đó, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, Báo chuyển từ thời kỳ hòa bình sang thời kỳ cả nước có chiến tranh. Theo chủ trương chung của cả nước, công tác thông tin, tuyên truyền trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước cần được tăng cường, có thời gian Báo ra tuần hai kỳ, 4 trang, số lượng in từ 3.500 tờ tăng lên 7.000 tờ mỗi kỳ. Báo cũng trải qua nhiều lần thay đổi khuôn khổ: 30 x 40 cm; 27 x 37 cm; 29 x 42 cm. Việc thay đổi khổ báo, kỳ xuất bản đều thuộc vào số lượng giấy được cung cấp theo kế hoạch hằng quý trong thời chiến; phụ thuộc vào máy in, do máy móc cũ, nếu một máy hỏng phải dừng sửa chữa thì phải chuyển sang in cỡ máy khác, nên phải thay đổi khổ báo cho phù hợp. Nhiều khi còn phải tận dụng khổ giấy được cấp để tiết kiệm, không phải xén bỏ đi nhiều.
Báo Cao Bằng từ khi ra đời thuộc hệ thống báo chí của Đảng ngày càng phát triển và hoàn thiện về quy mô, tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động nghề nghiệp và đã khắc phục được phần nào khó khăn trước đây. Thời gian đầu, tòa soạn chỉ có 7 cán bộ, lúc cao nhất có 12 cán bộ. Từ năm 1971, sau khi có quy chế chung cho báo chí do Nhà nước ban hành, cơ cấu tổ chức cơ quan Báo dần thay đổi, có một Ban Biên tập gồm: Tổng Biên tập, một Phó Tổng Biên tập, Thư ký tòa soạn, với 4 phòng: Trị sự; Thư ký Xuất bản - Bạn đọc; Phóng viên; Ảnh và tư liệu. Số cán bộ, phóng viên liên tục được gửi đi bồi dưỡng, đào tạo tại Trường Tuyên huấn Trung ương.
Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trên quy mô lớn, Báo Cao Bằng đã làm tốt nhiệm vụ hàng đầu là tích cực tuyên truyền, động viên quân và dân trong tỉnh thi đua: “Mỗi người làm việc bằng hai” trong sản xuất và công tác để chi viện sức người, sức của cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam ruột thịt. Bằng nhiều hình thức thể hiện khác nhau, Báo đã đảm bảo được chủ đề trung tâm: Giáo dục, cổ vũ ý chí chống Mỹ, cứu nước, tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược và tinh thần cách mạnh tiến công trong xây dựng hậu phương; thể hiện tư tưởng lớn của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Thông qua tin, bài, tranh cổ động, Báo đã tập trung tuyên truyền góp phần tạo nên sức mạnh của phong trào quần chúng trong sản xuất, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và thực hiện khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, cổ vũ phong trào tòng quân giết giặc. Báo vừa giáo dục nâng cao nhận thức về hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng quyết tâm góp phần cùng cả nước đánh thắng Mỹ, ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vừa chú trọng đi sâu vào các phong trào “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, phát hiện những điển hình tiên tiến, kịp thời nêu gương, biểu dương những tập thể, cá nhân trong chiến đấu, sản xuất, như: Các dũng sĩ diệt Mỹ người Cao Bằng vào Nam chiến đấu, được cử ra báo cáo thành tích với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tiểu đội dân quân tỉnh nhà tham gia săn máy bay bằng súng bộ binh tại xã Quang Lang (Chi Lăng, Lạng Sơn); gương thanh niên học sinh Hoàng Sa (Trường phổ thông trung học thị xã Cao Bằng, nay là thành phố Cao Bằng) viết đơn bằng máu xin đi đánh Mỹ; xã Vĩnh Quang, huyện Hòa An (nay thuộc thành phố Cao Bằng) đạt 5 tấn thóc/hécta, lá cờ đầu thâm canh tăng năng suất trong phong trào thi đua của các hợp tác xã nông nghiệp. Thường xuyên trên mặt báo có những tin, bài biểu dương kịp thời những điển hình xuất hiện trong phong trào thi đua vượt qua khó khăn, thử thách, tổ chức lại sản xuất, khắc phục độc canh, phát triển nghề rừng, sản xuất thủ công nghiệp, nông thôn, tạo cuộc sống mới cho nông dân và hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Các điển hình trong thời kỳ này bao gồm: Hợp tác xã Lũng Ỉn của đồng bào Dao Đỏ (vùng cao núi đá) xã Thái Học, huyện Nguyên Bình; Hợp tác xã Phúc Sen (Quảng Uyên); Hợp tác xã Bản Chang của đồng bào Dao Tiền, Dao Đỏ xã Thành Công, Nguyên Bình; Hợp tác xã Cao Thượng của đồng bào Mông trên đỉnh đèo Mã Quỷnh (Thông Nông) và các hợp tác xã tiên tiến vùng đồng: Hồng Quang, Đề Thám (Hòa An); Hợp tác xã Thanh Xuân, xã Cao Thăng (Trùng Khánh); Hợp tác xã Bản Giới (Hà Quảng),...
Báo luôn luôn nắm bắt và kịp thời biểu dương, phát huy những gương người tốt, việc tốt trong thực tế lao động sản xuất, làm nghĩa vụ và sẵn sàng chiến đấu ở vùng các dân tộc khác nhau như: Phong trào quần chúng làm thủy lợi phục vụ sản xuất; thi đua làm đường nông thôn, tiêu biểu là các xóm, xã thuộc huyện Quảng Uyên trở thành lá cờ đầu trong phong trào làm giao thông nông thôn. Đây là huyện đầu tiên trong tỉnh có đường nông thôn vào đến xóm, xã vùng núi đá mà hầu như nguồn vố làm đường đều do dân và hợp tác xã tự lo. Trong phong trào thi đua đó, Báo Cao Bằng đã phát hiện, biểu dương, xây dựng được nhiều điển hình. Trong những gương điển hình đó có hai cá nhân sau này được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động là Bàn Thượng Đức và Hoàng Thị Miên.
Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc 1930 - 1945, các tờ báo: Cờ Đỏ, Thông tin - Tuyên truyền, Tin Nội bộ từ thời bí mật đã tích cực vận động nhân dân tham gia cách mạng đến khi Đảng nắm chính quyền, cán bộ, công nhân trực tiếp làm báo chỉ có 3 đến 6 người (chủ yếu là người viết ngược trên đá và in), còn người viết tin, bài đều là cán bộ không chuyên kiêm nhiệm, đóng góp vào việc ra báo. Từ những hoạt động tích cực đó đã làm cho tờ báo ngày càng phát triển cả số lượng và chất lượng.
Thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc, Báo Cao Bằng có 12 cán bộ, công nhân viên, phóng viên. Hoạt động trên địa bàn một tỉnh miền núi, nhiều địa bàn xa xôi, hẻo lánh, đường đi lại khó khăn, phương tiện đi lại chỉ bằng đôi chân, nhưng Báo Cao Bằng đã làm tốt được nhiệm vụ thông tin, phát hiện, biểu dương hàng nghìn điển hình tiên tiến và gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực hoạt động: kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, từ vùng cao núi đá, vùng cao núi đất, vùng lưng chừng, vùng thấp, trên mặt báo luôn nuôi dưỡng, duy trì, thúc đẩy phong trào thi đua rộng lớn sôi động và hiệu quả.
Trong chiến tranh, Báo còn cử phóng viên đến bám sát các đơn vị dân quân, với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, luôn thường trực có lệnh là lên đường truy tìm biệt kích do Mỹ - ngụy thả xuống tỉnh Cao Bằng. Khi về sinh hoạt với các đơn vị như vậy, phóng viên của Báo đã nâng cao được hiểu biết và viết bài một cách rất chân thực về chiến tranh nhân dân, chụp được ảnh thời sự có chất lượng hơn.
Để hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, Ban Biên tập đã xây dựng chương trình đi thực tế, nghiên cứu, tổng kết những bài học của các điển hình tiên tiến, những bí thư chi bộ, đảng bộ sáng tạo trong lãnh đạo, các chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp quản lý giỏi. Báo còn định kỳ mời các nhà khoa học, các nhà chuyên môn làm cố vấn cho những bài viết chuyên sâu trong từng lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh để đưa ra được những bài báo thuyết phục được bạn đọc và nhiều đơn vị, địa phương đã đến thăm, học hỏi và vận dụng làm theo.
(Còn tiếp)