Báo cáo đánh giá tác động môi trường: Có nên giao cho các Bộ thẩm định?

Trong chương trình phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đây là Dự luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9.

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, về đánh giá tác động môi trường sơ bộ và phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường, một số ý kiến đề nghị rà soát quy định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.

Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo 2 phương án. Phương án 1 là phương án Chính phủ trình: Tại Dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội kỳ họp thứ 9 có bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, với những dự án có tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện, trong khi đó Luật BVMT năm 2014 chưa có quy định này.

Phương án 2 tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội: dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện .

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hiện cũng có 2 nhóm ý kiến: Nhóm ý kiến thứ nhất nhất trí với phương án tại Tờ trình số 252/TTr-CP của Chính phủ giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình nhằm thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo tại phiên thảo luận. (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo tại phiên thảo luận. (Ảnh: Quochoi.vn)

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng không nên giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo ĐTM mà chỉ giao cho Bộ Tài nguyên – Môi trường và UBND cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Tài nguyên – môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), UBND cấp tỉnh phải phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM.

Về giấy phép môi trường, một số ý kiến đề nghị giải trình, làm rõ việc tích hợp các giấy phép về môi trường, trong đó bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Qua thẩm tra, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường trình 2 phương án: Phương án 1 theo Chính phủ trình: Chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường.

Phương án 2: Vẫn có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được quy định trong Luật Thủy lợi mới được thông qua năm 2017 và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi. Tuy nhiên, quy định về vấn đề này cần phải điều chỉnh cách thể hiện để không ảnh hưởng tới công tác quản lý Nhà nước mà Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên – môi trường.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định tính cần thiết của vấn đề này để xem xét báo cáo tiền khả thi trước khi có quyết định đầu tư hay cấp phép đầu tư của dự án.

Tuy nhiên đề tránh xung đột trong hệ thống pháp luật nhất là đối với Luật Đầu tư công quy định tất cả những công trình đầu tư công đều phải đánh giá sơ bộ và Luật Đầu tư quy định phải có đánh giá sơ bộ đối với các dự án thuộc nhóm 1 là nhóm dự án có tác động môi trường ở mức độ cao.

Do đó, cần phải được rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, có thể đưa ra 2 phương án để tiếp tục thảo luận kĩ hơn.

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, hiện còn hai nhóm ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là vấn đề cần tiếp tục cân nhắc và có thể thể hiện theo hai phương án. Tương tự, về giấy phép môi trường cũng có hai nhóm ý kiến, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phải thận trọng, có thể đưa ra 2 phương án để tiếp tục thảo luận, phân tích kỹ thêm…

Về ý kiến đề nghị cần cân nhắc nội dung nguyên tắc “coi chất thải là tài nguyên” để tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng nguyên tắc này khi thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý chất thải, Dự thảo Luật đã chỉnh lý, quy định “bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải để khai thác tối đa giá trị tài nguyên của chất thải”.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bao-cao-danh-gia-tac-dong-moi-truong-co-nen-giao-cho-cac-bo-tham-dinh-206178.html