Báo cáo: Mỹ lấy tiền đóng tàu chiến để xây tường biên giới

Việc chuyển mục đích sử dụng ngân sách sẽ làm tăng chi phí đóng tàu và tạo ra tiền lệ xấu, đe dọa cán cân quyền lực giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp Mỹ.

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) công bố báo cáo cho thấy Mỹ đã lấy ngân sách đóng tàu đổ bộ tấn công mới để trang trải chi phí xây dựng bức tường biên giới phía nam, hãng tin Sputnik đưa tin.

Báo cáo của CRS đánh giá tình trạng đóng mới các tàu chiến cho Hải quân Mỹ là tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio (mã hiệu LPD-31) và tàu đổ bộ tấn công lớp America (mã hiệu LHA-9).

Một đoạn tường biên giới Mỹ-Mexico ở TP San Diego (bang California). Ảnh: INEWS SOURCE

Một đoạn tường biên giới Mỹ-Mexico ở TP San Diego (bang California). Ảnh: INEWS SOURCE

Báo cáo chỉ ra rằng khoản tiền 650 triệu USD được Quốc hội Mỹ phê duyệt dùng để đóng tàu LHA-9 đã được chính quyền Tổng thống Donald Trump chi cho bức tường biên giới Mỹ-Mexico.

Việc này đã khiến quá trình đóng tàu bị trì hoãn, trong khi chi phí đóng các tàu chiến tương tự trong tương lai có thể tăng lên. Cùng với đó, hành động này của chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp ở Mỹ.

Quốc hội muốn đóng tàu sớm, Tổng thống muốn sớm xây tường biên giới

Theo báo cáo của CRS, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt ngân sách bổ sung 650 triệu USD (dù Lầu Năm Góc không yêu cầu) trong tài khóa 2020 để thúc đẩy Hải quân Mỹ sớm ký kết hợp đồng đóng tàu LHA-9.

Tuy nhiên, khi Nhà Trắng tuyên bố kéo dài lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico, Lầu Năm Góc hôm 13-2 đã chuyển 3,8 tỉ USD trong số tổng cộng 7,2 tỉ USD ngân sách của bộ này sang Bộ An ninh nội địa Mỹ để xây dựng bức tường biên giới.

Khoảng tiền được Lầu Năm Góc chuyển đi bao gồm cả 650 triệu USD ngân sách bổ sung kể trên.

Trên thực tế, kế hoạch ngân sách ban đầu cho tàu LHA-9 được xếp vào tài khóa 2024. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ coi tàu LHA-9 là một "sản phẩm có tầm quan trọng đặc biệt" và mong muốn chi tiền trước để tiết kiệm chi phí đóng tàu.

Tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6) (phía trước) - tàu đầu tiên thuộc lớp America - tham gia diễn tập ở Vịnh Ả Rập năm 2017. Ảnh: USNI

Tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6) (phía trước) - tàu đầu tiên thuộc lớp America - tham gia diễn tập ở Vịnh Ả Rập năm 2017. Ảnh: USNI

Với việc tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới bức tường biên giới còn hiệu lực, việc chuyển mục đích sử dụng ngân sách như vậy là đúng luật.

Để bù đắp ảnh hưởng của việc điều chỉnh mục đích sử dụng khoản tiền 650 triệu USD trên, Lầu Năm Góc đã quyết định đẩy kế hoạch ngân sách cho tàu LHA-9 về trước một năm (ngân sách mới thuộc tài khóa 2023).

Hệ quả pháp lý, thực tiễn hành pháp và ngân sách

Báo cáo đặt ra câu hỏi liệu hành động này của Lầu Năm Góc có phải là "coi thường hay phớt lờ các hành động của Quốc hội Mỹ" liên quan đến việc đóng mới các tàu chiến trên hay không.

CRS cho rằng đây là một mối nguy hiểm thực sự đối với "quyền lực ngân sách (của Quốc hội Mỹ - PV) theo quy định của Điều 1 Hiến pháp Mỹ" và việc "duy trì Quốc hội là một nhánh ngang bằng với nhánh hành pháp".

Báo cáo cho rằng Lầu Năm Góc có thể "thổi phồng" số lượng tàu mua trong năm 2021 và trong giai đoạn tài khóa 2021-2025", có nguy cơ "tạo ra tiền lệ cho Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác thuộc nhánh hành pháp" hành động tương tự trong tương lai, coi thường hoặc phớt lờ quyết định chi tiêu quân sự và chi tiêu ngân sách liên bang khác.

Ngoài ra, việc chuyển đổi mục đích sử dụng khoản tiền 650 triệu USD trên còn làm gia tăng chi phí đóng tàu LHA-9.

CRS dẫn báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho rằng nếu để đến năm 2024 mới đóng tàu LHA-9, Lầu Năm Góc sẽ không tận dụng được những kinh nghiệm từ việc đóng các tàu đầu tiên thuộc lớp America.

Máy bay lưỡng thể V-22 Osprey hạ cánh trên tàu đổ bộ tấn công USS America. Ảnh: USNI

Máy bay lưỡng thể V-22 Osprey hạ cánh trên tàu đổ bộ tấn công USS America. Ảnh: USNI

Điều này sẽ khiến cho chi phí do Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự tính sẽ tăng khoảng 500 triệu USD, lên mức 3,9 tỉ USD để đóng một chiếc tàu lớp America.

Hàng loạt dự án quân sự khác cũng bị cắt giảm ngân sách

Theo Sputnik, ngành đóng tàu không phải lĩnh vực duy nhất bị ảnh hưởng bởi các quyết định điều chỉnh mục đích sử dụng ngân sách của chính quyền Tổng thống Trump.

Cuối tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã tuyên bố khôi phục tổng ngân sách 545,5 triệu USD cho 22 dự án xây dựng bằng nguồn tiền được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Các dự án này bao gồm các hạng mục ở Học viện Quân đội Cực Tây (bang New York), ở một căn cứ hải quân tại bang Washington, xây mới một trường học ở bang Kentucky và nhiều dự án khác.

Nguồn ngân sách này được lấy từ 19 dự án thuộc Quỹ Hoạt động dự phòng ở nước ngoài (OCO) của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ. Các hoạt động bị cắt giảm ngân sách là các chương trình của Mỹ ở Đức, Nhật, Na Uy, Tây Ban Nha và Jordan.

"Điều này là đáng lưu tâm vì các nhà làm luật quy định trong đạo luật ngân sách hằng năm rằng quỹ OCO sẽ được gửi đến các dự án ở nước ngoài, còn bây giờ thì chúng được dùng cho bức tường trên đất Mỹ", tờ Politico viết.

Nghị sĩ Mac Thornberry, thành viên Ủy ban Dịch vụ vũ trang của Hạ viện Mỹ, chỉ trích các quyết định của ông Esper, cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang "thay đổi quyết định của Quốc hội bằng quyết định của chính quyền" Tổng thống Trump.

Ông Thornberry cho rằng việc này không nằm trong quyền hạn của người đứng đầu Lầu Năm Góc.

VĂN KIẾM

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/quan-su/bao-cao-my-lay-tien-dong-tau-chien-de-xay-tuong-bien-gioi-914016.html