Báo chí cách mạng Cao Bằng thời kỳ 1945 - 1964 (phần 2)
Song song với tờ Việt Nam Độc lập, cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Liên Việt tỉnh còn có tờ 'Thông tin - Tuyên truyền' do Ty Thông tin (sau này còn có tên gọi khác nhau: Ty Thông tin - Tuyên truyền; Ty Tuyên truyền - Văn nghệ; Ty Thông tin - Văn hóa; Ty Văn hóa - Thông tin...) xuất bản với danh nghĩa của Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh, mỗi tháng ra 4 kỳ, số lượng in năm 1947 là 500 tờ mỗi kỳ, các năm 1948 - 1950 số lượng in tăng tới 1.000 tờ mỗi kỳ.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, khó khăn, thiếu thốn mọi thứ, để ra được một kỳ báo và duy trì đều đặn việc ra báo hằng tháng đã khó, tăng số lượng in càng khó hơn bội phần. Tất cả những vật tư cần thiết như: giấy, mực in, mực viết, công tác phát hành tới các cơ sở thông tin xóm, xã đều do cơ quan thông tin tự lo. Nhưng nhờ biết dựa vào nhân dân các địa phương, các gia đình sản xuất giấy thủ công mà tờ báo đã vượt qua được tất cả. Anh chị em được giao nhiệm vụ làm tờ tin chỉ có vài ba người lo bài vở, in ấn, song ai cũng làm việc say sưa, suy nghĩ, phát huy sáng kiến chế ra mực viết litô, nâng chất lượng mực in; nghiên cứu, hướng dẫn các gia đình đồng bào Tày, Nùng cải tiến cách làm giấy thủ công theo yêu cầu của tờ báo, bảo đảm cung cấp đủ giấy in báo tại chỗ, không phải đi mua gom tại các phiên chợ như thời kỳ đầu mới ra báo. Nhờ vậy, tờ Thông tin - Tuyên truyền ra được đều kỳ, phát hành rộng đến thôn, xóm. Các tổ thông tin lấy đó làm nội dung phát loa trên các chòi thông tin được xây dựng rộng khắp trong các xóm, làng, các chợ và nơi tập trung đông người.

Số đầu tiên Báo Việt Nam Độc Lập trưng bày tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Tờ Thông tin - Tuyên truyền rất phong phú về thể loại, thông tin nhiều lĩnh vực, bài viết ngắn gọn, dễ hiểu. Trong mỗi số phát hành của của tờ Thông tin - Tuyên truyền thường xuyên có bài vạch tội ác của thực dân Pháp xâm lược gây ra tại các địa phương trong cả nước và trong tỉnh. Giải thích cho nhân dân các dân tộc thiểu số trong tỉnh hiểu đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Chính phủ về cuộc kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi; xây dựng lòng tin trong nhân dân, động viên nhân dân các dân tộc đoàn kết, hăng hái tòng quân giết giặc, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, thực hiện tốt các chính sách thời chiến, ủng hộ quân lương, nghĩa vụ dân quân hỏa tuyến, thực hiện chính sách hậu phương đối với thương binh, giúp đỡ gia đình liệt sĩ, đón thương binh về làng, xây dựng mái ấm gia đình cho các thương, bệnh binh. Tờ báo còn rất chú trọng phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt trong sản xuất, chiến đấu, đóng góp của cải, sức người cho kháng chiến, giữ gìn bí mật thực hiện “ba không” (Không biết, không nói, không nghe); thấy người lạ đến làng, xã là cảnh giác khai báo... Đặc biệt số báo nào cũng đưa tin chiến thắng của quân dân ta ở khắp các chiến trường Bắc, Trung, Nam; tin, nhân dân các dân tộc hướng ra các tiền tuyến, quyên góp ủng hộ bộ đội bằng vật chất như: gạo, lợn, vải lau súng và tổ chức những tổ phụ nữ, các bà mẹ vá quần áo cho bộ đội khi qua địa phương mình. Những tấm gương tốt đẹp ấy lan rộng đã thành phong trào rất sôi động, rộng khắp toàn tỉnh, đi tới đâu cũng gặp nhiều người tốt, việc tốt như vậy. Trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, thiếu thốn thuốc men, Báo đã có mục: “Y học thường thức” phổ biến những điều cần biết về phòng bệnh, đăng kinh nghiệm dân gian, khuyên nhân dân giữ gìn sức khỏe, vệ sinh nhà ở, làng xóm, ăn chín, uống sôi, bảo vệ sức khỏe để kháng chiến lâu dài.
Lực lượng làm tờ Thông tin - Tuyên truyền rất hùng hậu, hầu hết là cán bộ cốt cán của Ty Thông tin; cán bộ viết, biên tập đều có trình độ học vấn và thực tiễn cuộc sống, thường xuyên gắn với cơ sở từ vùng đồng bằng, vùng núi đến những vùng cao hẻo lánh chỉ có đường mòn, đường ngựa thồ, đi lại chỉ bằng đôi chân cùng đôi dép lốp cao su. Song, anh chị em lại không phải chuyên làm báo (vì không có biên chế riêng), mà chỉ là cán bộ thông tin cổ động, cán bộ tuyên truyền, cán bộ nghiên cứu, cán bộ thời sự, họa sĩ, Mặc dù ở lĩnh vực nào nhưng nếu đã đi cơ sở về đều viết tin, bài cho tờ tin. Trong lực lượng làm tờ tin chỉ có tổ tin ấn là chuyên nghiệp, có rất nhiều đồng chí lành nghề viết đá, in đá (phương pháp viết, in litô). Những chiếc “máy in đá” này, cần in nhiều hay ít đều phải lặp đi lặp lại các công đoạn: Mài đá bằng các loại đá mài khác nhau, làm cho mặt đá thật phẳng, bóng mịn. Thường mỗi lần mài một phiến đá phải mất tới nửa ngày, nếu phiến to phải mất cả ngày. Thường phải mài và viết lại mỗi lần in sang tài kiệu khác. Công nhân viết chữ ngược trên mặt phiến đá rất điêu luyện, không phải ai cũng có thể làm được, ngoài chữ đẹp, viết chữ nghiêng, chữ đứng đều được, còn phải luyện kỹ thuật viết, trình bày cột báo, các tít bài báo và mỗi trang báo khác nhau mà chỉ bằng đôi tay chứ không có máy móc. Kỹ thuật in litô còn phải kể đến những vật tư đơn giản như: chanh quả, mực viết tự chế, mực in của máy in Rônêô quay tay. Khi hết mùa chanh quả, phải dự trữ nước chanh. Có những lúc hết chanh, anh em đã có sáng kiến dùng khế, bưởi chua thay thế.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các tờ báo không có chính sách nhuật bút. Các nguồn tài chính do các cơ sở thông tin xóm, xã cung cấp; các nhà thơ, nhà văn, cán bộ các ngành của tỉnh nhiệt tình tham gia viết bài cho Báo... Mỗi kỳ báo đều có mục hoan nghênh và cảm ơn nhiệt tình của các cộng tác viên dành cho Báo. Chỉ đơn giản như vậy mà đã động viên được rất nhiều người cung cấp tin, bài cho Báo. Có các đồng chí lão thành cách mạng như: Nhà thơ dân tộc An Định, nhà giáo Thanh Giang (Hòa An) đã rất nhiệt tình viết bài, làm thơ gửi cho Báo Việt Nam Độc lập và tờ Thông tin - Tuyên truyền. Nhiều cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên cơ sở còn gửi tiền ủng hộ Báo. Nhờ sự góp sức lớn lao này mà các tờ báo, tờ tin tồn tại được, mở rộng được thông tin. Ngoài ra, hằng ngày cơ quan thông tin còn cử người chuyên trách nhận tin đọc chậm của Thông tấn xã Việt Nam bằng tín hiệu moóc. Tuy thiếu phương tiện kỹ thuật, hầu hết máy móc cũ kỹ, chắp vá, song anh em đã rất cố gắng khắc phục để cung cấp đều đặn tin chiến thắng ở khắp chiến trường Trung - Nam - Bắc cho chuyên mục trên Báo. Chỉ một bàn máy truyền, nhận bằng moóc, một máy phát điện quay tay (môtơ) nhỏ, một bình ắc quy, trước giờ nhận tin, anh em thanh niên khỏe mạnh trong cơ quan thay nhau quay máy để nạp điện vào ắc quy dự phòng và quay trực tiếp cung cấp cho bàn moóc hoạt động liên tục nhận tin cho đến khi kết thúc, thường từ nửa tiếng đến một tiếng. Trong hoàn cảnh chiến tranh, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện nghe nhìn hầu như trong dân không có, tờ báo đã cung cấp tin thắng trận ở mọi miền đất nước, có sức cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các dân tộc trong tỉnh vì tiền tuyến, phấn khởi thi đua sản xuất, tiết kiệm, làm việc hết sức mình để góp phần đánh thắng giặc Pháp xâm lược.
Một đặc điểm nữa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là cơ quan Báo Việt Nam Độc lập và cơ quan thông tin phải di chuyển nhiều nơi để giữ bí mật và phòng tránh máy bay địch bắn phá, lúc ở Nà Việt, rồi Lũng Quang, Cốc Chia (Háng Tháng, Thông Nông), sau đó lại chuyển xuống Mỏ Sắt, Nà Đán, Nà Hoàng (Hòa An), trở lên Đào Ngạn (Hà Quảng) cho tới khi toàn cơ quan thông tin đi phục vụ Chiến dịch Biên giới từ tháng 7 đến hết tháng 11/1950.
Hầu hết cán bộ làm báo tại Ty Thông tin đều được điều chuyển ra mặt trận phương tiện in, giấy mực đều dành cho in, kẻ vẽ khẩu hiệu động viên quân dân toàn tỉnh phục vụ Chiến dịch, với ý chí quyết chiến, quyết thắng và in nhanh những tờ bướm để nhanh chóng thông tin chiến thắng đến mọi nơi trong tỉnh. Sau Chiến dịch, tờ Thông tin - Tuyên truyền ngừng xuất bản.
Mặc dù Báo Việt Nam Độc lập và tờ Thông tin - Tuyên truyền đã có một vị trí, vai trò quan trọng về thông tin, tuyên truyền mọi mặt về sản xuất, chiến đấu và đời sống trong toàn tỉnh tới đông đảo bạn đọc, song một mảng công tác quan trọng khác là vấn đề xây dựng Đảng chưa được nêu trên báo một cách đều đặn và sâu sắc. Đặc biệt là cuộc trường kỳ kháng chiến đang chuyển giai đoạn, chiến thắng dồn dập cũng gây lạc quan quá mức, tính chất gian khổ, ác liệt tăng lên, đòi hỏi chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến ngày một nhiều, những biểu hiện mệt mỏi, dao động ở một bộ phận cán bộ, đảng viên xuất hiện, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng đặt ra một cách khẩn trương, cấp thiết. Từ yêu cầu đó, Tỉnh ủy quyết định ra tờ Tin Nội bộ, giao cho Ban Tuyên truyền 372 (mật danh của Ban Tuyên huấn Đảng thời chống Pháp, nay là Ban Tuyên giáo) phụ trách. Đồng chí Nguyễn Đống, Trưởng Ban trực tiếp chỉ đạo việc xuất bản. Bộ phận tòa soạn chỉ có biên chế công nhân viết litô, công nhân in, mài đá khoảng 5 người, còn biên tập viên là những cán bộ và lãnh đạo Ban kiêm nhiệm, không có phóng viên. Tờ Tin Nội bộ thực chất là tờ báo “Xây dựng Đảng” lúc bấy giờ. Tờ Tin Nội bộ cũng in đá, dùng giấy bản sản xuất tại địa phương. Tỉnh ủy còn cho xây dựng xưởng giấy thủ công - Xưởng giấy Tân An, để sản xuất giấy phục vụ in báo và các nhu cầu in khác trong tỉnh. Tin Nội bộ có thể coi là tờ báo kế tiếp Báo Cờ Đỏ của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng. Tin Nội bộ ra đều kỳ hằng tháng, mỗi số 4 trang khổ 20 x 30 cm nhỏ gọn. Khi có yêu cầu mới hoặc đột xuất mới ấn hành một tháng hai kỳ. Số lượng in 300 tờ mỗi kỳ, báo ghi rõ: “Chỉ lưu hành nội bộ”. Đối tượng của Tin Nội bộ là các chi bộ, đảng bộ cơ sở nông thôn và đảng viên cơ sở. Nội dung Tin Nội bộ đề cập đến nhiều mặt công tác Đảng trong tình hình lúc bấy giờ. Vừa thông tin về các hoạt động của các chi bộ, đảng bộ cơ sở, Tin Nội bộ còn có mục hướng dẫn công tác Đảng, công tác tư tưởng, công tác và nội dung sinh hoạt Đảng ở cơ sở, có bài phân tích những biểu hiện lệch lạc về nhận thức của cán bộ, đảng viên về thời cuộc và nêu hướng khắc phục. Tin Nội bộ còn luôn luôn chú trọng nêu gương tốt, biểu dương tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, kinh nghiệm công tác Đảng; phê bình những biểu hiện không lành mạnh về lối sống, tác phong quan liêu, thiếu dân chủ, những lệnh lạc về nhận thức thời cuộc... Nhiều bài viết loại này mang tính nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng rất sâu sắc, dễ hiểu.
Khi mở Chiến dịch Biên giới, cơ quan Tuyên truyền 372 đi chiến dịch và ở đó, theo chủ trương của Bộ Chỉ huy hiến dịch và Tỉnh ủy Cao Bằng, Ban Tuyên truyền sáp nhập vào Ban Tuyên huấn mặt trận cùng tham gia điều hành xuất bản các tài liệu cần hằng ngày phục vụ chiến dịch, động viên dân công, chiến sĩ tham gia chiến dịch và động viên đồng bào các dân tộc gửi thư, thực phẩm, quà bánh thăm hỏi thương binh từ mặt trận chuyển về hậu phương. Những tờ áp phích, tranh vẽ, khẩu hiệu, tin bướm về chiến thắng từng trận đánh được in, dán khắp các thôn, xóm, chợ phiên và phát loa ở các chòi thông tin. Tuy không ra báo chiến dịch, nhưng các hoạt động truyền thông kể trên đã góp phần tạo nên không khí hồ hởi, phấn khởi ở hầu khắp các huyện, xã trong tỉnh. Sau Chiến thắng Biên giới cuối năm 1950, Cao Bằng chỉ còn lại duy nhất tờ Việt Nam Độc lập. Tháng 10-1951, Tỉnh ủy quyết định chuyển Báo Việt Nam Độc lập sang Ty Thông tin quản lý xuất bản và xác định rõ đây là tờ báo Đảng, song về danh nghĩa công khai vẫn là: Cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Liên Việt tỉnh và kéo dài chức năng tờ báo tỉnh đến ngày 15/7/1956, song vẫn xuất bản kỳ cuối cùng vào ngày 20/7/1956, do đã chuẩn bị nội dung kỳ báo trước khi nhận được thông báo của tỉnh.
Đặc biệt từ tháng 5/1951, Nhà in Tipô được thành lập mang tên Xí nghiệp In Việt Lập, nhờ sự giúp đỡ của Nhà in Tô Hiệu. Nhà in có một máy in 8 trang và 1 máy 2 trang với hơn 200 kg chữ chì, 7 công nhân người Kinh từ bậc 2 đến bậc 3/7 từ miền xuôi lên giúp xây dựng cơ sở in trực thuộc Tỉnh ủy quản lý. Tháng 12/1951, Xí nghiệp In Việt Lập chính thức đi vào sản xuất và ấn phẩm đầu tiên là Báo Việt Nam Độc lập. Từ đây, Báo Việt Nam Độc lập không phải in đá nữa, nội dung và hình thức đều được cải tiến, in đẹp, rõ, sáng sủa, dễ đọc, được bạn đọc rất khen và số lượng có thể in theo yêu cầu.

Báo Cao Bằng hiện in tại Công ty cổ phần In Việt Lập Cao Bằng.
Từ năm 1953 đến năm 1955, còn có thêm hai ấn phẩm quan trọng nữa phục vụ nhiệm vụ lớn thời kỳ đó là: Cải cách ruộng đất (đợt làm thử) ở 12 đơn vị (10 xã thuộc huyện Hòa An, thị xã Cao Bằng và xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình) và tờ Nội san Sản xuất phục vụ kế hoạch phục hồi kinh tế, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp. Hai tờ nội san kể trên chỉ hoạt động trong một năm, sau đó toàn bộ nội dung thông tin về các mặt hoạt động trong tỉnh lại chuyển tập trung vào Báo Việt Nam Độc lập, đến tháng 7/1956, tờ báo Việt Nam Độc lập được chuyển về Khu tự trị Việt Bắc, trở thành cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Liên Việt Khu tự trị Việt Bắc.
Đặc điểm của thời kỳ làm báo bí mật, sau Cách mạng Tháng Tám 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là không có tòa soạn riêng, không có phóng viên hay biên tập viên, chỉ có một người lo toan mọi việc của tờ báo, một người viết trên đá, người mài đá, in đá là chuyên. Tất thảy mọi cán bộ, nhân viên cơ quan đều tự nguyện đóng góp tin, bài; sáng tác thơ ca cho tờ báo. Chi phí để xuất bản tờ báo hết sức ít ỏi. Ngoài tiền mua giấy mực in, việc gửi báo do văn phòng cơ quan chịu tránh nhiệm. Không có nhuận bút, mọi người sống và làm việc theo phụ cấp định mức và tiền thực phẩm hằng ngày. Còn nếu đi cơ sở thì dựa vào dân. Đặc biệt các tờ báo xuất bản thời kỳ trên đều không có ảnh, chỉ có tranh vẽ trực tiếp lên bàn đá (như ký họa), sau này có thêm tranh khắc gỗ.
Do trong một thời gian ngắn, tổ chức của ngành tư tưởng, thông tin, văn hóa thay đổi liên tục, nên việc xuất bản báo chí của tỉnh cũng phụ thuộc vào các tổ chức thay đổi. Tờ Việt Nam Độc lập khi thì thuộc Ty Thông tin, rồi Ty Thông tin - Tuyên truyền (bao gồm một bộ phận của Ban Tuyên truyền 372 chuyển sáng), đến Ty Tuyên truyền - Văn nghệ... Đến khi thành lập Ty Văn hóa - Thông tin, tờ Việt Nam Độc lập chuyển sang trực thuộc Phòng Tuyên truyền Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Tờ báo hoạt động cho đến khi ngừng xuất bản chuyển giao cho Khu tự trị Việt Bắc.
Trong khi chờ chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xuất bản báo chí trong nước, do yêu cầu của công tác tuyên truyền, thông tin những nhiệm vụ trọng tâm Đại hội Đảng bộ đề ra, trong đó có nhiệm vụ phục hồi kinh tế sau chiến tranh, Tỉnh ủy quyết định ra tờ Tin Cao Bằng và xuất bản số đầu vào ngày 21/7/1956. Thời gian đầu từ Tin Cao Bằng do Phòng Tuyên truyền (Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy) quản lý xuất bản. Sau đó, công tác thông tin tách khỏi Ty Văn hóa, thành lập Phòng Thông tin trực thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh, do Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Đồng thời, cùng thời điểm được nhận hệ thống truyền thanh do Trung Quốc viện trợ, nên Phòng Thông tin chuyển thành Phòng Thông tin - Truyền thanh, đảm đương thêm nhiệm vụ xây dựng Đài Truyền thanh tỉnh, hằng ngày tiếp sóng Đài Trung ương và phát thanh chương trình thông tin mọi mặt hoạt động trong tỉnh, trở thành tờ báo nói đầu tiên của tỉnh Cao Bằng. Từ lúc này trở đi, Phòng Thông tin - Truyền thanh tỉnh Cao Bằng đảm đương nhiệm vụ: Quản lý xuất bản tin Cao Bằng, truyền phát trên đài nhiều nội dung phong phú về sản xuất, an ninh trật tự, quốc phòng, văn hóa, xã hội, xây dựng nếp sống mới... Hai loại hình này có tác dụng tuyên truyền, động viên, giáo dục rất mạnh, cho nhân dân toàn tỉnh, bởi ngoài nó, không còn phương tiện nghe, đọc nào khác. Ngoài ra, Phòng Thông tin - Truyền thanh còn có nhiệm vụ cung cấp phương tiện thông tin bằng nguồn viện trợ và ngân sách cho cơ sở xã như: máy thu thanh, đèn dầu hỏa, loa, đài (gồm cả loa thủ công), trang bị máy nói (tăng âm) cho nơi nào có yêu cầu. Đáng chú ý là có một thời gian Đài Truyền thanh được chuyển giao cho Ty Bưu điện quản lý, nhưng sau một thời gian ngắn, do chức năng của hai phương tiện khác nhau nên sau khi Chính phủ quyết định thành lập Ty Thông tin tỉnh thì Đài Truyền thanh lại chuyển về Ty Thông tin quản lý, cho đến khi có quyết định thành lập Đài Phát thanh tỉnh và sau này có thêm truyền hình. Tờ báo nói và báo hình đã trở thành Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng, tiếng nói của chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Tờ tin Cao Bằng thời kỳ đầu (1956 - 1958) ra hai trang khổ lớn (bằng nửa tờ Nhân Dân). Sau này rút gọn lại bốn trang khổ 27 x 37 cm.
Khi cả nước bước vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, các đảng bộ cần có một công cụ mạnh chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền đến đông đảo quần chúng, Ban Bí thư Đảng Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 5-NQ/TW ngày 19/1/1961 về công tác báo chí năm 1961. Nghị quyết nêu rõ: “Hợp nhất các báo, bản tin và tập san xuất bản trong địa phương lại, tập trung khả năng cán bộ và phương tiện, tài chính, để xây dựng cho đảng bộ mỗi khu, tỉnh, thành phố và các trung tâm công nghiệp trực thuộc Trung ương một tờ báo hoặc một tờ tin tốt, làm công cụ tốt cho cấp ủy đảng chỉ đạo công tác và liên hệ mật thiết hơn nữa với quần chúng địa phương...”[1].
Nghị quyết còn chỉ rõ: “... Cần chuẩn bị điều kiện cho một số tỉnh và khu trung tâm công nghiệp trực thuộc Trung ương quản lý có đủ ba điều kiện (vị trí quan trọng và dân số tập trung; nhu cầu thực sụ của lãnh đạo, của quần chúng và khả năng đọc, mua của quần chúng; khả năng chủ quan tương đối đủ về cán bộ lãnh đạo, phương tiện) chuyển bản tin thành tờ báo của địa phương”[2].
Thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư, để chuẩn bị cho Báo Cao Bằng ra đời, Ban Tuyên huấn tỉnh (nay là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) đã cử một số đồng chí từ các ngành, các địa phương đủ tiêu chuẩn văn hóa đi học lớp đào tạo phóng viên ngắn ngày (6 tháng, 12 tháng) và cử một đồng chí dự hai lớp bồi dưỡng biên tập viên do Ban Tuyên huấn Trung ương mở (mỗi lớp 5 tháng) để về tham gia chuẩn bị chuyển tờ Tin Cao Bằng thành Báo Cao Bằng.
Thời gian này, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy cũng đang đi xác minh ngày tháng thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh. Đồng chí Thân Văn Lư, Phó Ban Thường trực Ban Đảng sử tỉnh cùng Ban Tuyên huấn tỉnh thống nhất: Nếu tìm được ngày thành lập Đảng bộ thì đề nghị Tỉnh ủy lấy ngày đó để ra số Báo Cao Bằng đầu tiên.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ VI, đồng chí Hoàng Nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công làm Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh, một cán bộ phụ trách tờ Tin Cao Bằng được điều chuyển từ Phòng Thông tin - Truyền thanh tỉnh sang giúp việc chuẩn bị cho Báo Cao Bằng ra đời. Sau khi đã xác minh được ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 01-NQ/TU “Chuyển tờ Tin Cao Bằng thành Báo Cao Bằng”. Tại Điều 1 của Nghị quyết ghi: “Chuyển “TỜ TIN CAO BẰNG” thành “Báo Cao Bằng” - Cơ quan tuyên truyền trực thuộc Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Cao Bằng kể từ tháng 3 năm 1964. Bãi bỏ hẳn chế độ cung cấp báo và chuyển sang chế độ bán 3 xu (ba xu) theo quy định của Trung ương để phục vụ nhân dân được rộng rãi hơn”.Nghị quyết cũng quy định rõ:“Báo Cao Bằng là cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy Cao Bằng do Ban Thường vụ trực tiếp lãnh đạo. Ban Tuyên giáo tỉnh có trách nhiệm giúp Ban Thường vụ chỉ đạo Báo”. Về tổ chức “Cơ quan “Báo Cao Bằng” tổ chức theo chế độ thủ trưởng. Ban Tổ chức và Ban Tuyên giáo có trách nhiệm nghiên cứu tăng cường cán bộ cho báo cả về số lượng và chất lượng, trước hết là chất lượng, đồng thời tích cực đào tạo bối dưỡng cán bộ cho báo”.Cùng với việc quy định rõ tính chất nhiệm vụ, vị trí, nội dung và hình thức, tổ chức phát hành, Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành đối với tờ báo của Đảng bộ tỉnh“Các ngành, các cấp cần phải giúp đỡ xây dựng một cách thiết thực cho Báo của Đảng bộ tỉnh về mọi mặt từ việc cung cấp bài vở, tin tức, tuyên truyền cổ động thêm độc giả mua báo đến tổ chức đọc và làm theo báo và nhận xét về báo...”.
Trong thời gian xuất bản, tờ Tin Cao Bằng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. Tờ Tin Cao Bằng chính thức xuất bản được 169 số, số 169 ra ngày 27/3/1964 là số xuất bản cuối cùng, để thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xuất bản báo chí trong nước và Nghị quyết số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa VI về việc chuyển tờ Tin Cao Bằng thành báo của Đảng bộ tỉnh.
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 22, tr. 146.
2.. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tr. 146.