Thượng tướng Vũ Lăng từ chiến sĩ đọc lời thề quyết tử đến vị tướng anh hùng - Bài 2: Từ vị tư lệnh đầu tiên Quân đoàn 3 đến dấu ấn Giám đốc Học viện Lục quân

Sau chiến thắng mang tính quyết định bước ngoặt chiến trường của Chiến dịch Tây Nguyên, so sánh lực lượng, thế trận của quân ta đã hoàn toàn ở thế chủ động, thế tiến công đúng như nhận định của Bộ Chính trị từ trước đó 'Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền Nam - Bắc, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam, tiến tới tổng công kích - tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước'.

Trước tình hình đó, trước khát vọng thống nhất đất nước cháy bỏng, từ những chiến công của bộ đội ta trên khắp các chiến trường, tại Mặt trận Tây Nguyên, ngày 26 tháng 3 năm 1975, Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên được thành lập gồm 3 Sư đoàn: Sư 10, Sư 320, Sư 316 và các đơn vị binh chủng. Đồng chí Thiếu tướng Vũ Lăng làm Tư lệnh, đồng chí Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 3 lập tức nhận mệnh lệnh hành quân đánh địch. Mục tiêu lớn là giải phóng Sài Gòn.

Thượng tướng Vũ Lăng và vợ con trước khi đi Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu

Thượng tướng Vũ Lăng và vợ con trước khi đi Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu

Quân đoàn 3 với đội hình mạnh nhất dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Vũ Lăng nhằm thẳng tới miền Đông Nam Bộ vừa đánh địch vừa mở đường đến khu vực Dầu Tiếng chiếm lĩnh bàn đạp tiến công Sài Gòn theo hướng Tây Bắc, một trong năm hướng tiến công chủ yếu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Mục tiêu chính của Quân đoàn 3 là đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy. Nói đến Tư lệnh Quân đoàn 3 Vũ Lăng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, người ta thường nói đến một vị tướng chỉ huy binh chủng hợp thành xuất sắc, có cách đánh nhanh, thọc sâu, táo bạo, dùng pháo mở đường. Trong suốt 4 ngày bắn phá các trận địa pháo của địch ở Đồng Dù, Củ Chi, Trảng Bàng, Gò Dầu, 11 trong số 18 trận địa pháo của địch đã bị đánh tê liệt, thế phòng ngự của Sư đoàn 25 ngụy hướng Tây Bắc Sài Gòn suy giảm hẳn. 14 giờ chiều ngày 29 tháng 4, Quân đoàn 3 là quân đoàn đầu tiên tiến vào Hóc Môn, cửa ngõ Sài Gòn. Sau một ngày tiến công vào nội đô, Quân đoàn 3 đã đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của định ở phía Tây Bắc Sài Gòn với chiều dài 40km. Đúng 5 giờ 25 phút ngày 30 tháng 4, từ Sở Chỉ huy Sư đoàn 10, Tư lệnh Vũ Lăng ra lệnh tiến công. Toàn bộ các trận địa pháo của Quân đoàn và Sư đoàn 10 đồng loạt nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy ở Sài Gòn, tất cả chìm ngập trong khói lửa.

 Chân dung Thượng tướng Vũ Lăng. Ảnh tư liệu

Chân dung Thượng tướng Vũ Lăng. Ảnh tư liệu

Tư lệnh Vũ Lăng, trong giây phút thiêng liêng của mùa Xuân đại thắng, những người mà ông nhớ nhất chính là những đồng đội đã hy sinh từ những ngày Toàn quốc kháng chiến bảo vệ Thủ đô Hà Nội mùa đông năm 1946, tới những thời khắc chiến đấu hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, và hôm nay đây, vẫn có những người chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên hy sinh ngay nơi cửa ngõ Sài Gòn, cách giờ khắc toàn thắng chỉ dăm mười phút. Vị Tư lệnh lặng đi. Phút giây này mãi mãi sẽ đi vào lịch sử.

Đất nước sau chiến tranh bộn bề công việc, với tài năng và trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm, từ sự đánh giá, nhìn nhận sâu sắc và lâu dài của cấp trên, năm 1977, Vũ Lăng được bổ nhiệm làm Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Lục quân Đà Lạt. Đây là một chức vụ hết sức quan trọng, nhất là việc đào tạo một đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong Quân đội không chỉ có phẩm chất, năng lực toàn diện mà còn phải có tư duy, tri thức hiện đại, nắm bắt và sử dụng thuần thục phương thức chỉ huy mới, phù hợp với sự phát triển và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới. Điều đó đòi hỏi tư duy chiến lược sâu rộng của người đứng đầu của Học viện lớn trong Quân đội. Từ vị tướng chiến trường, nay trở thành nhà giáo đều là nhiệm vụ mà Đảng và Quân đội giao cho Vũ Lăng. Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt Vũ Lăng là một trong những người đầu tiên được phong hàm Giáo sư Khoa học Quân sự ở Việt Nam.

Cũng từ đó, năm 1985, lần đầu tiên trong Quân đội, Giáo sư Vũ Lăng đã đề xuất vấn đề đào tạo nghiên cứu sinh Khoa học Quân sự. Cũng lần đầu tiên, Học viện Lục quân Đà Lạt đã tiến hành tổ chức bảo vệ luận án Phó tiến sĩ Khoa học Quân sự, nay gọi là Tiến sĩ cấp quốc gia cho 8 chuyên ngành, một cơ sở khoa học lớn để cơ bản đội ngũ giáo viên trong toàn quân phát triển trưởng thành đến hôm nay. Là người có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong tác chiến chiến thuật, chiến dịch và rất am hiểu về chiến lược, lại được đào tạo cơ bản về nghệ thuật quân sự ở nước ngoài, Giám đốc Vũ Lăng đã vận dụng sâu sắc trong việc nghiên cứu Khoa học quân sự, giáo dục bồi dưỡng giáo viên, đào tạo học viên. Ngoài ra, ông còn luôn tranh thủ sự giúp đỡ của các cố vấn chuyên gia nước ngoài, bởi vậy, hệ thống tài liệu với khối lượng lớn do Giám đốc Vũ Lăng trực tiếp chỉ đạo biên soạn đến hôm nay vẫn còn giá trị sâu sắc, không chỉ dùng để nghiên cứu giảng dạy trong Học viện, mà còn được sử dụng rộng rãi trong các nhà trường, đơn vị của toàn quân.

Ngày 14-9-2018 tại Quân đoàn 3 (Gia Lai) đã diễn ra Lễ tiếp nhận kỷ vật của đồng chí Thượng tướng Vũ Lăng, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (6-1974/3-1975), nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 (3-1975/3-1977). Ảnh: Vũ Duy Hiển

Ngày 14-9-2018 tại Quân đoàn 3 (Gia Lai) đã diễn ra Lễ tiếp nhận kỷ vật của đồng chí Thượng tướng Vũ Lăng, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (6-1974/3-1975), nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 (3-1975/3-1977). Ảnh: Vũ Duy Hiển

Bây giờ nhìn lại, có những chặng đường đã qua rồi mà chúng ta không dám nghĩ mình đã vượt được qua. Những năm 1980, đầu những năm 1990, trước sự bao vây cấm vận ngặt nghèo của Mỹ và phương Tây, chúng ta đã gặp phải những khó khăn rất lớn. Cả nước thiếu đói. Bộ đội cũng không ngoại lệ. Cán bộ, giảng viên, học viên của Học viên Lục quân Đà Lạt thời kỳ Vũ Lăng làm Giám đốc cũng ở trong tình trạng đó. Với tư duy và kinh nghiệm của một vị tướng chiến trường lừng danh, ông hiểu rằng, không thể huấn luyện, nghiên cứu khoa học, thực hiện các nhiệm vụ với cái bụng đói và gia đình nheo nhóc. Giám đốc Vũ Lăng đã sử dụng tất cả các biện pháp để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống từng hộ gia đình trong Học viện. Ông thậm chí còn quyết định cấp cho mỗi cán bộ, công nhân viên thêm 2 tháng lương cơ bản trong một năm. Đã có lúc có ì xèo lên cấp trên, song Vũ Lăng đã mạnh mẽ đứng ra phân tích, mổ xẻ, thậm chí nhận hết trách nhiệm về mình. Đã có câu chuyện, trong một buổi giao ban, có vị chủ nhiệm khoa do bức xúc đã nói 100% cán bộ ở đây không ai muốn ở Học viện Lục quân Đà Lạt. Giám đốc Học viện Vũ Lăng lập tức đứng lên nói dõng dạc: “Anh hãy trừ tôi ra”. Mọi người lặng đi. Nhiều người đã rơi nước mắt. Đã có một thời chúng ta là như vậy.

Chúng tôi, thế hệ đi sau luôn rất xúc động, thậm chí là cảm thấy xấu hổ với thế hệ đi trước, với những vị tướng vào sinh ra tử, đã dành toàn bộ thời gian và tâm huyết của mình để phục vụ Đảng, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân mà không dành cho sự riêng tư của mình những điều cấp thiết. Chúng tôi đã rơi nước mắt trước tâm sự của bà Hoàng Thị Việt Hoa, người vợ của Thượng tướng Vũ Lăng trong bộ phim tài liệu về ông: “Tôi chỉ mơ ước có một điều là hôm nào đó hai vợ chồng cùng được nghỉ phép. Trong Quân đội sĩ quan như chúng tôi được nghỉ phép phải chờ lâu lắm. Một tháng nghỉ phép không kể ngày đi ngày về, chỉ mong rằng là anh Lăng sẽ đưa tôi bằng ô tô đi lại thăm chiến trường xưa của anh Lăng ở Tây Nguyên, Buôn Mê Thuột rồi ra Hà Nội, ngược lên Việt Bắc là nơi chúng tôi gặp gỡ nhau đầu tiên. Anh hứa với tôi nhiều lắm mà nhiều năm rồi đều hẹn đến sang năm, đến sang năm nữa cho đến lúc anh ra đi vĩnh viễn chúng tôi cũng không thực hiện được chuyến đi”.

Gia đình Thượng tướng Vũ Lăng dịp Tết năm 1985. Ảnh tư liệu

Gia đình Thượng tướng Vũ Lăng dịp Tết năm 1985. Ảnh tư liệu

Cuộc đời Thượng tướng Vũ Lăng, từ chiến sĩ đọc lời thề quyết tử đến vị tướng anh hùng với những dấu ấn Quyết tử quân Hà Nội, chiến sĩ Điện Biên 56 ngày đêm máu trộn bùn non, vị tướng chỉ huy điểm huyệt Buôn Mê Thuột, vị tướng dẫn đầu đội hình Binh đoàn Tây Nguyên xốc tới Sài Gòn, đến Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt quả là một cuộc đời huyền thoại. Ngày 8 tháng 12 năm 2023, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên đã tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với Thượng tướng Vũ Lăng cùng Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp và Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Đây cũng là sự tri ân rất lớn với các vị tướng lừng danh ở Tây Nguyên.

Thượng tướng Vũ Lăng luôn để lại niềm tin sâu sắc với cấp trên, đồng cấp và các đồng chí cấp dưới. Ông không chỉ biết lắng nghe, thấu hiểu mà còn rất thẳng thắn trong các nhận định, đánh giá về từng con người cụ thể, từng công việc cụ thể. Ở ông không có sự nửa vời, càng không có sự tắc trách vì bất cứ lý do gì, hoàn cảnh nào cũng đều tuyệt đối thực hành chính xác mọi mệnh lệnh đã đặt ra. Thực tiễn chiến tranh, thực tiễn chiến trường đã rèn luyện lên một con người Vũ Lăng mưu lược, trí tuệ, khoa học nhưng cũng hết sức nhân văn. Chính ông cùng với các vị tướng lĩnh lừng danh của Quân đội nhân dân Việt Nam đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình để có được những chiến công vĩ đại.

Khi tiến hành các hoạt động Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng ta càng nhớ đến biết bao nhiêu máu xương của anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để có ngày toàn thắng, rất nhiều trí tuệ, công lao của các vị tướng góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang mà bây giờ các ông đã về với thế giới của người hiền. Thượng tướng Vũ Lăng, với thế hệ chúng tôi hôm nay, ông mãi là một trong những tượng đài chiến sĩ vinh quang.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thuong-tuong-vu-lang-tu-chien-si-doc-loi-the-quyet-tu-den-vi-tuong-anh-hung-bai-2-tu-vi-tu-lenh-dau-tien-quan-doan-3-den-dau-an-giam-doc-hoc-vien-luc-quan-822303