Báo chí cần tận dụng nền tảng nhiều công chúng để lan tỏa mạnh hơn

Đó là ý kiến của PGS-TS-GVCC Vũ Quang Hào, Trưởng khoa Truyền thông sáng tạo Trường đại học Nguyễn Tất Thành, khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đồng Nai cuối tuần. Theo ông, nhu cầu xem, nghe, đọc của công chúng báo chí, cũng như nền tảng kỹ thuật công nghệ chở tải thông tin báo chí đã có nhiều thay đổi. Điều này là động lực thúc đẩy các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo đầu tư, tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm báo chí có cách thể hiện hiện đại, mới mẻ hơn.

PGS-TS Vũ Quang Hào. Ảnh: Nhà báo TS THANG ĐỨC THẮNG, nguyên Tổng biên tập VNExpress

PGS-TS Vũ Quang Hào. Ảnh: Nhà báo TS THANG ĐỨC THẮNG, nguyên Tổng biên tập VNExpress

Khó khăn, thách thức không quá lớn

Những thay đổi của công nghệ làm báo đặt báo chí truyền thông trong những cơ hội và thách thức như thế nào, thưa ông?

- Từ trước đến nay, báo chí luôn gắn liền với kỹ thuật công nghệ, trong một chừng mực nào đấy thì đi sau công nghệ. Khi công nghệ phát triển, báo chí có cơ hội, có thêm công cụ và phương tiện tốt để phát triển nội dung tư tưởng. Cho nên mỗi lần chuyển công nghệ là một lần tạm gọi là khó khăn, thách thức đối với giới báo chí, nhưng đồng thời cũng lại là cơ hội tốt cho bước trưởng thành của báo chí.

Tôi lấy ví dụ, khi chuyển từ báo in sang báo online, nhiều cơ quan báo chí gặp một số khó khăn nhất định, nhưng sau đó, tất cả đều vượt qua tốt và các tòa soạn đều sản xuất “1 tòa soạn - 2 phiên bản” , hai phiên bản đều rất tốt, phụng sự nhu cầu của công chúng, thực thi tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền.

Giờ đây, việc chuyển công nghệ làm báo đang gặp khó khăn ở truyền hình - phát thanh nhiều hơn, chủ yếu là ở vấn đề sáng tạo nội dung cho nền tảng số. Bấy lâu nay, các đài đang sản xuất theo kiểu truyền thống và kênh phát chủ yếu trên tivi truyền thống và radio. Tuy nhiên, vài năm gần đây, các đài phát thanh - truyền hình từ trung ương đến địa phương đã bứt phá, cùng lúc sản xuất các sản phẩm cho tivi, radio truyền thống và cho các nền tảng số.

“Theo tôi, chất liệu đời sống hiện thực của Đồng Nai rất phong phú, vừa mạnh về công nghiệp, vừa mạnh về nông nghiệp, vị trí địa lý thuận lợi, công chúng báo chí địa phương đông đảo với hơn 3 triệu… Đây là chất liệu báo chí và công chúng báo chí sinh động, rất thuận lợi cho Báo Đồng Nai phát triển hơn nữa”.

Với tư cách là công chúng, nhà giảng dạy báo chí - truyền thông và nhà nghiên cứu, chúng tôi cho rằng các sản phẩm của các đài phát thanh - truyền hình những năm qua sản xuất cho đa nền tảng rất tốt, đặc biệt là trên nền tảng số, họ đã cạnh tranh được với thông tin trên mạng xã hội.

Tất cả những điều đó chứng tỏ rằng những khó khăn, thách thức không quá lớn. Trên thực tế, các đài, các báo đều đã và đang vượt qua, đã và đang thành công với những sản phẩm dù trên nền tảng nào, và đều được công chúng đón nhận với sức lan tỏa, sức tuyên truyền, sức ảnh hưởng rất tốt.

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, việc trau dồi, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với mỗi người làm báo có vai trò rất quan trọng. Ông có thể chia sẻ thêm quan điểm về vấn đề này?

- Ở các nước phát triển, như các nước ở châu Âu, hàng năm, mỗi nhà báo phải đến viện đào tạo nâng cao để đào tạo lại, đào tạo nâng cao một lần, thời gian từ 2-3 tuần và có đóng phí.

“Thực ra sự chuyển đổi công nghệ là không quá khó khăn, vấn đề là tư duy, nhận thức của người làm báo, và cần chịu khó cập nhật bằng cách học hỏi thêm qua đồng nghiệp, qua các lớp tập huấn”.

Việc đào tạo lại và đào tạo nâng cao là phải thường xuyên, chứ không phải cứ nhận bằng cử nhân báo chí - truyền thông rồi đi làm nghề suốt cuộc đời.

Đặc biệt là nhu cầu và thị hiếu của công chúng báo chí giờ đây đã thay đổi cho nên khâu sản xuất phải thay đổi, nhất là về cách thể hiện. Nếu chúng ta tiếp tục sản xuất sản phẩm báo chí như cách làm cách viết của 5-10 năm trước thì sẽ khó thu hút được nhiều công chúng, nhất là công chúng số.

Giờ đây, ngoài việc dựa vào những sự kiện đơn thuần, thực hiện tốt chức năng và sứ mệnh tuyên truyền thì khi sản xuất sản phẩm cho phiên bản điện tử, cần chú ý khai thác nhiều hơn sản phẩm có nội dung tạo xu hướng, khuynh hướng, trào lưu theo cách nhìn tích cực, bởi đây là mảng nội dung giới trẻ rất quan tâm; hoặc loại nội dung cân bằng thông tin và tư vấn chỉ dẫn; những câu chuyện cảm xúc, nhân văn nhân ái, đời thường có sức lan tỏa…

Nhu cầu và thị hiếu của công chúng thay đổi nên khâu sản xuất nội dung phải thay đổi

Là nhà nghiên cứu, giảng dạy báo chí - truyền thông, ông đánh giá như thế nào về Báo Đồng Nai hiện nay?

- Với báo địa phương, sứ mệnh của báo, trước hết và chủ yếu là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Trong khuôn khổ tiếp cận của chúng tôi với tờ Đồng Nai - tốp 5 của tờ báo Đảng địa phương - tôi cho rằng đó là thành công rất lớn, trước hết là của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương tỉnh Đồng Nai; tiếp đến là của ban lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên của báo. Bởi vào được tốp 5 không phải là đơn giản.

Bằng quan sát với tư cách công chúng quan tâm đến báo chí, tôi cho rằng cách tổ chức 2 phiên bản hiện nay của Báo Đồng Nai đang tốt, đặc biệt là phiên bản online với hệ thống chuyên trang, chuyên mục đa dạng, phong phú, gắn chặt với những vấn đề nóng bỏng và thiết thực của đời sống địa phương. Công nghệ và kỹ thuật làm báo của Báo Đồng Nai đã thể hiện trên trang online rất rõ ràng, xem là nhận ra ngay.

Thưa ông, trong xu thế báo chí chuyển đổi số, Báo Đồng Nai cần làm gì để vừa thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền, vừa đáp ứng nhiều hơn nhu cầu thông tin của bạn đọc?

PGS-TS Vũ Quang Hào cùng sinh viên Khoa Truyền thông sáng tạo, Trường đại học Nguyễn Tất Thành tham gia chương trình tham quan thực tế tại VTV9 (Đài Truyền hình Việt Nam). Ảnh: Nhân vật cung cấp

PGS-TS Vũ Quang Hào cùng sinh viên Khoa Truyền thông sáng tạo, Trường đại học Nguyễn Tất Thành tham gia chương trình tham quan thực tế tại VTV9 (Đài Truyền hình Việt Nam). Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Nếu được phép góp ý, tôi cho rằng, đối với phiên bản báo giấy, vẫn nên duy trì một số lượng bản nhất định để thích hợp với một số đối tượng công chúng nhất định ở địa phương nhưng phải sản xuất bài vở phù hợp hơn nữa với nhu cầu thị hiếu của công chúng báo in hiện nay. Theo đó, nhu cầu thị hiếu của công chúng báo in giờ đây không lớn nữa nhưng có những nét riêng. Họ ít bằng lòng với những con số mang tính thông báo mà cần sự phân tích dữ liệu. Đằng sau dữ liệu là những vấn đề. Nhóm công chúng đọc báo in Đồng Nai là những người cần tìm hiểu sâu, đầy đủ hơn những phương án triển khai chủ trương, chính sách và đề án của địa phương. Hay nói cách khác, truyền thông chính sách của Báo Đồng Nai đang tốt rồi, giờ cần cách thể hiện phù hợp hơn chút nữa, để thu hút công chúng mạnh hơn nữa.

Với phiên bản Báo Đồng Nai online, ngoài hệ thống chuyên trang, chuyên mục rất đa dạng hiện tại, cần sản xuất sản phẩm cho báo online triệt để hơn theo quy luật và nguyên tắc công nghệ. Cụ thể là khi lên nền tảng số thì không còn là chuyên trang, chuyên mục nữa, với các clip thì không còn khung thời lượng, khung chương trình, mà là những sản phẩm riêng rẽ, rời rạc nhưng chứa đựng nội dung chính thống, tin cậy và được thể hiện phù hợp nhất với công chúng số.

Điều quan trọng là các clip phải luôn nổi bật logo của báo để công chúng nhận diện, phải đưa được thông tin nhanh nhưng đúng, chính thống, có sức thuyết phục, có sức lan tỏa. Các clip thuyết phục về độ tin cậy, thuyết phục về cách thể hiện hiện đại, khách quan nhưng không giật gân. Những sản phẩm như vậy, dù rất nhỏ nhưng tác động lớn, thu hút được công chúng.

Báo onine và báo giấy là 2 phiên bản, phục vụ 2 dạng công chúng khác nhau, với cùng chung 1 mục tiêu và sứ mệnh là cung cấp thông tin, là diễn đàn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương… nên chúng ta cần hướng đến nền tảng nhiều công chúng, để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Xin cảm ơn ông!

THÙY TRANG

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202406/bao-chi-can-tan-dung-nen-tang-nhieu-cong-chung-de-lan-toa-manh-hon-9f718ba/