Báo chí Đổi mới và thúc đẩy Đổi mới

Báo chí đổi mới và viết về đổi mới luôn là công việc hôm nay của mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí. Sự đổi mới trên nền tảng truyền thống báo chí, chức năng, vai trò báo chí trong xã hội mà chúng ta đang dày công xây dựng.

Nếu được nói một cách khái quát nhất, có thể khẳng định, công cuộc đổi mới đất nước đã mở ra nhiều cơ hội, dư địa rộng lớn và thách thức không nhỏ trong đổi mới báo chí.

Công cuộc đổi mới đất nước ta gần 40 năm qua đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Gần đây nhất, Đại hội lần thứ 13 của Đảng khẳng định: Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như hôm nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân.

Những mùa vàng no ấm do gần 100 triệu người dân đất Việt chung sức, chung lòng xây đắp nên. Nó thể hiện và làm giàu thêm sức dân, sức nước. Nó khẳng định vai trò lãnh đạo, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta. Các nhà báo Việt Nam, với hạnh phúc của những người làm sử đương đại, có niềm vui lớn là được tham gia đóng góp vào những mùa cầy, mùa cấy, trăn trở, thăng hoa cùng dân tộc trong suốt bốn thập niên qua.

Chúng tôi có may mắn không chỉ là những người chứng kiến mà còn trực tiếp tham gia vào guồng máy đổi mới báo chí ngay từ giai đoạn khởi đầu, cuối những năm 80, đầu những năm 90, thế kỷ XX, cho đến hôm nay. Cái ta hiểu biết là cái đã trải qua. Cái ta nhớ lâu là cái ta thành công và cả những sai lầm thất bại. Đúng như nhà sử học Anh E.H. Carr (1892-1982) đã nói: “Lịch sử là sự đối thoại không ngừng giữa hiện tại và quá khứ”. Hôm nay trong ngày vui, ngày “Hội làng”, kỷ niệm 99 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), xin được tri ân, dành tình cảm sâu nặng nhất nhớ về hoạt động báo chí những ngày đầu đổi mới.

Nếu được nói một cách khái quát nhất, có thể khẳng định, công cuộc đổi mới đất nước đã mở ra nhiều cơ hội, dư địa rộng lớn và thách thức không nhỏ trong đổi mới báo chí. Gần 40 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng, vì sự nghiệp đổi mới và hiện đại hóa đất nước. Thật ra, từ buổi ra đời báo chí Việt Nam, lấy mốc là ngày 15/4/1865, tờ báo quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo ra số 1 tại Sài Gòn, để rồi 60 năm sau, ngày 21/6/1925, báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập ra số đầu, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí nước ta luôn đi cùng dân tộc. Điều này thấy rõ nhất, minh chứng hào hùng nhất qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Còn trong công cuộc đổi mới, báo chí Việt Nam đã cùng lúc vươn lên, vừa làm tốt công việc tuyên truyền, cổ vũ sự nghiệp cách mạng, vừa đổi mới chính mình. Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế là mệnh lệnh của cuộc sống. Báo chí lúc này cần phải thay đổi hẳn cách thức tuyên truyền, đi thẳng vào đời sống, tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời có những tác phẩm nóng hổi tính thời sự, minh định cho đường lối đó. Cái mới của báo chí lúc này là được “cởi trói”, coi trọng cả hai mặt: tuyên truyền nhân tố mới, điển hình tiên tiến và đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực. “Cởi trói” được hiểu là tháo gỡ về cơ chế quản lý, tạo điều kiện để nhà báo tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, và chính mỗi người làm báo, làm văn nghệ “cởi trói” cho mình.

Tự cởi dây dợ vô hình để vượt thoát, sáng tạo, đây thật sự là một luồng gió mới trong những năm đầu đổi mới. Hàng loạt bài xã luận, chuyên luận, điều tra, đặc biệt là phóng sự (báo chí và văn học) ra đời trong những năm 1987-1993, được coi là tiếng sấm đầu mùa của sự phát triển báo chí đỉnh cao - những tác phẩm chuyên nghiệp, hiện đại, thấm mồ hôi, nước mắt của người viết.

Bài báo đầu tiên trong loạt bài "Những việc cần làm ngay" của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đăng trên báo Nhân Dân.

Bài báo đầu tiên trong loạt bài "Những việc cần làm ngay" của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đăng trên báo Nhân Dân.

Giờ đây, mỗi khi nhắc đến đổi mới và đổi mới báo chí, điều đầu tiên chúng tôi xin được nhắc đến là loạt bài “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Bài báo đầu tiên đăng trên Báo Nhân Dân vào ngày 25-5-1987. Tác giả ký tên N.V.L. Bài chưa tới 400 chữ, đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng lúc bấy giờ là tốc độ tăng giá chóng mặt, chúng ta nói tìm cách kiềm chế nhưng giá cứ tăng vùn vụt. Khi đọc những bài bình luận ngắn trên báo Đảng, bạn đọc rất thích thú và chờ đón. Người ta đoán bút danh NVL là “Nói và làm”, hay “Nhảy vào lửa” (!). Những bài báo ngắn gọn, văn phong giản dị của N.V.L đã nói thẳng, khơi dậy và dẫn dắt công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, lãng phí. Qua các bài viết ôn tồn, thuyết phục, không giống như những chỉ thị, răn dạy, đã thể hiện quyết tâm rất cao nhằm chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi cái xấu, không cho phép một ai, một tập thể nào “có quyền đứng ngoài vòng pháp luật và kỷ cương của chúng ta”.

Những phát “đại bác” rung chuyển trong giai đoạn này là những bài xã luận, bình luận kinh tế, điều tra về chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; về thực hiện tốt Ba chương trình mục tiêu phát triển lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát; về bước đột phá nhằm chuyển đổi cơ bản cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, giải phóng được lực lượng sản xuất, tạo ra động lực phát triển mới. Hấp dẫn nhất, sôi động nhất là những loạt bài về “Khoán 100” rồi đến “Khoán 10” theo Chỉ thị và Nghị quyết của Trung ương, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để giải phóng mọi năng lực sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp.

Những năm đầu đổi mới, báo chí đã coi trọng cả hai mặt xây và chống. Cùng với tuyên truyền điển hình là đấu tranh chống tiêu cực. Thế nhưng, khác với giai đoạn hiện tại (2024), những năm 80-90 báo chí tự phát hiện được nhiều sai lầm, khuyết tật, cùng những rơi rớt của cơ chế cũ quan liêu, bao cấp. Báo chí xông pha muôn mặt đời thường từ nông thôn, đến thành thị, từ chuyện có tác động lớn, nhức nhối xã hội đến những góc khuất đời thường, chỉ rõ nạn “cường hào mới” ở nông thôn đang lộng hành.

Dấu ấn cá nhân của nhiều nhà báo, bản sắc nhiều tờ báo được thể hiện trong giai đoạn này. Chẳng hạn, tờ Văn Nghệ, vốn là nơi giới thiệu các tác phẩm văn học, các sáng tác mới, thiên về cái hay, cái đẹp vĩnh hằng của đời sống, của nghệ thuật, sau năm 1986, bỗng sáng bừng lên, nội dung mới tự tìm đến hình thức mới. Tờ báo này trước đây thường ít có những bài phóng sự xông thẳng vào những vấn đề nhức nhối, nóng bỏng trong xã hội, cuối những năm 80 bỗng xuất hiện hàng loạt các bài viết “choáng váng” dư luận. Đó là: Vua lốp (Trần Huy Quang). Người đàn bà quỳ ( Lê Văn Ba), Cái đêm hôm ấy... đêm gì? (Phùng Gia Lộc), Thủ tục làm người còn sống (Minh Chuyên), Tiếng đất (Hoàng Hữu Các), Làng giáo có gì vui (Hoàng Minh Tường) ... và nhiều bút kí, phóng sự khác. Đây là khởi đầu một thời kỳ đổi mới phóng sự báo chí-văn học có sự giao thoa giữa văn học và phóng sự báo chí.

Sau giai đoạn xông pha cùng cả nước, kiên định chức năng, vai trò của báo chí là định hướng dư luận, là hướng về xây dựng cái mới, cái thật, cái điển hình, đồng thời tiến công vào dinh lũy của cái xấu, cái ác, cái bảo thủ, trì trệ, báo chí nước nhà tự tin và bình tĩnh đi tiếp con đường mới. Có thể tạm chia ra hai giai đoạn: giai đoạn 1986-1996; giai đoạn 1997 đến nay.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong báo chí

Lấy mốc năm 1997 là năm Internet chính thức được đưa vào khai thác sử dụng ở Việt Nam, với ứng dụng đầu tiên là hệ thống Email đầu tiên do nhóm các nhà khoa học của Viện Công nghệ thông tin thiết lập, rồi đến việc tên miền vn của Việt Nam chính thức được đăng ký và xuất hiện trên bản đồ Internet thế giới. Và bắt đầu từ năm 2013, “công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) bắt đầu được biết đến ở Đức. Đến nay, nó đã lan rộng sang các nước phát triển và khắp thế giới trong đó có Việt Nam. Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết khẳng định: Đây là cơ hội lớn, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Cụm từ “thúc đẩy chuyển đổi số trong báo chí” hình thành từ đây.

Các nhà báo tác nghiệp tại Trung tâm báo chí Đại hội Đảng lần thứ 13. Ảnh: Báo Nhân Dân

Các nhà báo tác nghiệp tại Trung tâm báo chí Đại hội Đảng lần thứ 13. Ảnh: Báo Nhân Dân

Hội Báo toàn quốc năm 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì Sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã nhấn mạnh tính chuyên nghiệp, hiện đại của báo chí. Diễn đàn này đã dành 10 phiên thảo luận về các chủ đề nóng, như: Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; Xây dựng môi trường văn hóa báo chí; Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội; Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn; Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI; Phóng sự điều tra – Hành trình làm điều có ích, v.v..

Báo chí Việt Nam tiếp tục làm tốt phần việc mà ở thời kỳ đầu đổi mới đã làm tốt - đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Lần này là phát hiện, điều tra, lên án những vụ tham nhũng cực lớn, không còn ở mức độ, quy mô “nhỏ” như trước đây. Các vụ án tham nhũng, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, hối lộ và ăn hối lộ lên đến hàng nghìn tỷ đồng không còn là chuyện hiếm. Và câu chuyện “đánh từ đầu trở xuống”, không có vùng cấm, không có ngoại lệ được Đảng, Nhà nước chủ trương, Nhân dân đồng tình ủng hộ. Chưa có bao giờ trong lịch sử Đảng ta, có trường hợp nhiều cán bộ cấp cao phải viết đơn xin thôi tất cả các chức vụ vì vi phạm quy định về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm.

Trong công cuộc “đốt lò”, báo chí đã vào cuộc kịp thời, sắc sảo, cung cấp nhiều thông tin cho cơ quan điều tra và tạo ra hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Đồng thời, với những lý lẽ thuyết phục, chứng cứ xác thực bác bỏ các thông tin xuyên tạc, sai trái của các báo “lề trái”, của thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị.

Ngày nay, chúng ta thường nói đến Báo chí trí tuệ. Đó là những tác phẩm có hàm lượng thông tin được cô đặc, như nước biển trên khoang tàu sẽ bay đi hết, đọng lại là những hạt muối. Cần tiếp cận cái mới một cách nhanh chóng, nhưng cái mới ấy phải được thẩm thấu qua cái màng lọc là truyền thống, là bản sắc dân tộc.

Báo chí đổi mới và viết về đổi mới luôn luôn là công việc hôm nay của mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí. Sự đổi mới có khởi đầu và không có kết thúc. Sự đổi mới trên nền tảng truyền thống báo chí, chức năng, vai trò báo chí trong xã hội mà chúng ta đang dày công xây dựng. Cố nhiên trong làng báo còn nhiều yếu kém, không ít chuyện buồn, điều mà chúng ta đã từng tự chỉ trích.

Vấn đề là sửa sai như thế nào?

Tôi nhớ lời khuyên của một nhà báo lớn: Mỗi khi viết một bài điều tra, một bài bình luận mỗi nhà báo luôn đặt mình ở tâm thế người trong cuộc. Nhà báo không chỉ đứng ở đầu nguồn tin tức mà ở trong lòng tin tức. Mỗi bài viết là sự cảnh tỉnh chứ không vùi dập; thông tin chứ không đe dọa; trò chuyện chứ không phán xét; làm mới những thông tin đã cũ bởi tri thức dẫn đường. Đó là đạo đức nghề nghiệp là lương năng con người.

Hải Đường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bao-chi-doi-moi-va-thuc-day-doi-moi-2292989.html