Báo chí đồng hành cùng đất nước

Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ tầm quan trọng của báo chí trong việc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng. Năm 1925, Người cho xuất bản Báo Thanh Niên để tuyên truyền phong trào cách mạng trong nước, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. 99 năm đồng hành cùng dân tộc, báo chí tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa, xứng đáng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của Nhân dân.

Tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên

Tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên

99 năm đầy tự hào

Suốt gần 1 thế kỷ qua, báo chí đã phản ánh kịp thời, toàn diện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đã đạt được, nhất là sau 38 năm đổi mới; phản ánh chân thực thực tiễn sinh động đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước.

Đồng thời, tuyên truyền, truyền bá giá trị đạo đức, văn hóa, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam, những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến theo tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Báo chí là tuyến đầu tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, cơ hội có tính bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết trong Đảng và xã hội.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nêu rõ: “Nhìn lại chặng đường 99 năm qua, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những đóng góp quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Báo chí luôn là lực lượng xung kích, đi đầu và ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò chủ lực trong thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với truyền thống vẻ vang 99 năm, báo chí cách mạng Việt Nam phát triển nhanh chóng, vượt bậc. Đội ngũ người làm báo cũng tăng nhanh về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng cao, làm chủ được công nghệ làm báo hiện đại. Chặng đường tiếp theo của công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước; 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) đang đặt ra cho báo chí cách mạng nước ta sứ mệnh vẻ vang và cao cả”.

Hiện nay, cả nước có khoảng 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí; 20.508 trường hợp được cấp thẻ nhà báo. Toàn quốc có 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh - truyền hình. Để xây dựng được “nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định, báo chí phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh thúc đẩy, góp phần tạo nên sự đồng tâm, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp to lớn cho cách mạng.

Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang do thế hệ các nhà báo cách mạng Việt Nam bồi đắp suốt 99 năm qua, xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, lòng mong đợi của Nhân dân.

Những bước tiến số

Tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bày tỏ: “Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là sự kiện rất ý nghĩa, quan trọng của đội ngũ những người làm báo. Theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, báo chí đang trong giai đoạn chuyển đổi, từng bước đi cần phải thận trọng. Ngoài trách nhiệm từ phía Chính phủ, các cơ quan báo chí phải vượt qua khó khăn. Nếu thực sự quyết tâm, chúng ta sẽ làm được”.

Báo chí luôn bắt kịp công nghệ của thời đại, là một trong những lực lượng tiên phong chuyển đổi khoa học - công nghệ. Vì vậy, hiện nay báo chí không nằm ngoài trục xoay của công cuộc chuyển đổi số toàn diện. Chuyển đổi số được xem là sự tiếp cận bắt buộc để thay đổi theo luồng vận động mới của thời cuộc, là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả hoạt động của báo chí, từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ nội dung.

Chuyển đổi số báo chí bao gồm việc sử dụng công nghệ số để sản xuất nội dung, phân phối trên các nền tảng (website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại), tạo ra mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số báo chí là quá trình khó khăn, đầy thách thức, nhưng là xu hướng tất yếu cần phải thực hiện để tồn tại, phát triển trong kỷ nguyên số.

Quyết định 348/QĐ-TTg, ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đề ra mục tiêu đưa các cơ quan báo chí trở nên chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Ngoài sứ mệnh tuyên truyền, báo chí còn có khả năng dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội; chủ quyền trên không gian mạng; tạo nguồn thu mới, thúc đẩy nội dung mới.

Tầm nhìn đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan tăng doanh thu tối thiểu 20%...

PGS.TS Trần Quan Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh lạc quan rằng: “Báo chí vẫn luôn giữ được vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Có thể các nền tảng mạng xã hội phát triển rất nhanh, đôi lúc báo chí không theo kịp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau khi tiếp cận với quá nhiều thông tin trôi nổi trên Internet, người dùng mạng xã hội, công chúng vẫn luôn có xu hướng kiểm chứng lại nguồn tin xác thực từ báo chí. Do đó, báo chí cần giữ vững, phát huy tối đa vai trò định hướng dư luận, thông tin tuyên truyền chính thống, bằng cách tiếp cận ngày càng rộng rãi hơn đến công chúng, thông qua các bước chuyển đổi số mạnh mẽ”.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/bao-chi-dong-hanh-cung-dat-nuoc-a398340.html