Báo chí kết nối dòng chảy phát triển qua ngòi bút

Trong thế giới nhiều chuyển động, báo chí cũng không ngừng vận động, thể hiện vai trò cầu nối trong truyền tải chính sách, cổ vũ và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, mở rộng thị trường... góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế.

Báo chí mang hơi thở Nghị trường đến cuộc sống

Tham gia vào các kỳ họp của Quốc hội từ khóa XIV đến nay, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã trở thành gương mặt quen thuộc với nhiều phóng viên Nghị trường. Sở dĩ nói vậy bởi ông là một trong những đại biểu rất tích cực trong các hoạt động ở Nghị trường, tham gia phát biểu, thảo luận, phản biện cũng như dành thời gian cho các phóng viên bên hành lang Quốc hội.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, báo chí luôn là kênh thông tin kịp thời, đa chiều mọi hoạt động của Quốc hội, là cầu nối quan trọng không thể thiếu giữa Quốc hội và người dân, mọi hoạt động của Quốc hội chỉ có thể đến được nhanh nhất, sớm nhất và đầy đủ kịp thời nhất với nhân dân và cử tri thông qua đội ngũ báo chí.

Đồng thời, báo chí cũng mang những tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của cử tri và nhân dân trở lại Nghị trường.

Thành công của mỗi kỳ họp Quốc hội nói riêng và hoạt động truyền thông chính sách nói chung chính là có sự đóng góp tích cực, chủ động, kịp thời của những người làm báo.

"Là người thường xuyên chia sẻ trên báo chí, tôi cũng thường xuyên theo dõi các kênh thông tin nhanh nhạy và hiệu quả này để cập nhật thông tin, cũng như lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và nhân dân," đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ.

Từ thực tiễn hoạt động của mình, đại biểu mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành cùng với hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, thông tin trung thực về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân.

Đặc biệt, tôi mong muốn báo chí phát huy tốt hơn vai trò quan trọng của mình trong phản biện chính sách, giúp cho các nhà hoạch định chính sách có góc nhìn đa chiều hơn khi xây dựng chính sách, pháp luật.

Đặc biệt, tôi mong muốn báo chí phát huy tốt hơn vai trò quan trọng của mình trong phản biện chính sách, giúp cho các nhà hoạch định chính sách có góc nhìn đa chiều hơn khi xây dựng chính sách, pháp luật.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Mặt khác, trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng, đa dạng của mạng xã hội với nhiều chiều thông tin làm cho cử tri và nhân dân phải rất cẩn trọng trong việc tiếp cận và lựa chọn các thông tin.

"Điều này đòi hỏi sự trung thực, tử tế, sáng tạo và đổi mới của những người làm báo, để báo chí thực sự trở thành cầu nối quan trọng giúp cho cử tri và nhân dân tiếp cận thông tin đầy đủ và chính xác," đại biểu Phạm Văn Hòa gửi gắm.

Báo chí, định vị thương hiệu - kết nối giao thương doanh nghiệp

Nhấn mạnh sự đồng hành của báo chí với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, báo chí có thể trở thành một thứ "vũ khí" truyền thông sắc bén.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc xây dựng thương hiệu, ‘làm’ hình ảnh trở thành một yêu cầu tất yếu đối với mỗi doanh nghiệp, quyết định nhiều phần trăm trong việc "mang hàng ra chợ bán", đưa sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng. Đây được coi là thế mạnh của báo chí, bất cứ doanh nghiệp nào biết tận dụng lợi thế này sẽ thành công.

Cũng nhờ báo chí, hình ảnh những doanh nghiệp thành công trong và ngoài nước càng ngày càng được lan tỏa, trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp non trẻ đang tìm đường vươn ra biển lớn.

Hơn hết, những câu chuyện về doanh nghiệp Việt được lan tỏa là kênh thông tin hữu ích để những nhà đầu tư, bạn hàng xa xôi cách nửa vòng trái đất tìm đến Việt Nam hợp tác, mở ra cơ hội cho các mặt hàng Việt xuất khẩu "lên kệ" khắp các siêu thị thế giới.

Nhưng báo chí không chỉ biết "khen", với cách tiếp cận nhiều chiều, báo chí cũng viết về những “điểm yếu” để doanh nghiệp vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, báo chí là cầu nối, là kênh thông tin quan trọng giúp mang đến những quy định, chính sách chính thống và phân tích sâu sắc hơn để doanh nghiệp thấy được cơ hội phát triển. Ngược lại, báo chí cũng là kênh phản hồi, tương tác của doanh nghiệp để các nhà hoạch định chính sách thấu hiểu những khó khăn, khúc mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhớ lại thời điểm dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt đối mặt với hàng loạt khó khăn, những câu chuyện ấy được phản ánh chân thực và đầy đủ trên các mặt báo. Ở thời điểm ấy, báo chí thực sự đã đứng song hành cùng doanh nghiệp, chính sách cũng theo đó hướng về doanh nghiệp. Những tháng đầu năm 2024, thật mừng khi báo chí đã mang nhiều thông tin phấn khởi về khu vực doanh nghiệp.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

Báo chí - Nhịp cầu không thể thay thế

Chia sẻ với Mekong ASEAN một góc nhìn về báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, hiện nay, không thể phủ nhận tác động của mạng xã hội đối với dư luận nhờ khả năng thông tin nhanh chóng và sự lan truyền mạnh mẽ. Do đó, không ít người nghĩ rằng vai trò của báo chí đang bị san sẻ với mạng xã hội.

Tuy nhiên, thông tin đưa ra trên môi trường mạng xã hội lại đầy hỗn tạp, tốt - xấu, thật - giả, không phải ai cũng đủ khả năng chọn lọc, kiểm chứng. Nguyên nhân là do ai cũng có thể đưa tin lên mạng mà không cần kiểm chứng.

Trong khi đó, báo chí sở hữu sức mạnh riêng và vẫn chứng minh được vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin chính xác, chính thống đến người đọc.

Trải nghiệm trong nhiều năm tư vấn chính sách của ông Nghĩa cho thấy, mạng xã hội không thể thay thế hay làm lu mờ vai trò của báo chí. Bởi, những thông tin chính thống, cần đưa đến bạn đọc bằng phương thức chính thống khách quan, trung thực và bài bản.

Vấn đề đặt ra là báo chí cần làm thế nào để phát huy được vai trò của mình, thể hiện tốt hơn nữa sức mạnh trong việc thông tin nhanh, chính xác đến bạn đọc, mang lại những tác động tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững?

Theo tôi, mỗi nhà báo phải xác định rõ vai trò của nghề, một vai trò thiêng liêng truyền tải thông tin đến cho cộng đồng, phải "nghe bằng hai tai", tiếp cận vấn đề một cách trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất, phân lượng thông tin bài bản đem đến bạn đọc góc nhìn đa chiều.

TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Mặt khác, các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng nên tận dụng mạng xã hội như một kênh hiệu quả, nhanh chóng để lan tỏa thông tin chính thức đến bạn đọc. Sự song hành giữa báo chí chính thống và mạng xã hội là định hướng cần thiết và đúng đắn, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Với riêng Mekong ASEAN, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong hành trình gây dựng tên tuổi, Tạp chí đã mang đến bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về kinh tế - văn hóa Việt Nam và khu vực ASEAN. Trong bối cảnh thế giới không ngừng chuyển động và hội nhập kinh tế là yêu cầu tất yếu, những thông tin được cập nhật hàng ngày, hàng giờ trên tạp chí là thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp về những chuyển động khu vực.

Bày tỏ ấn tượng với nhiều bài viết "thấu hiểu thị trường" đăng tải trên tạp chí, TS. Lê Xuân Nghĩa kỳ vọng Mekong ASEAN sẽ tiếp tục vai trò là kênh thông tin đa dạng, là cầu nối giao thương kinh tế Việt Nam - khu vực ASEAN và rộng ra là nhịp cầu từ Việt Nam đến nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bao-chi-ket-noi-dong-chay-phat-trien-qua-ngoi-but-post35911.html