Báo chí kiến tạo – nâng cao công tác truyền thông cho đơn vị, doanh nghiệp
Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) và hướng đến kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2024), tạp chí Người Làm Báo phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Truyền thông và Thông tin kinh tế (VCCI) tổ chức Diễn đàn: 'Báo chí kiến tạo - nâng cao công tác truyền thông cho đơn vị/doanh nghiệp', chiều ngày 18/6, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng chia sẻ: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với các mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để chinh phục mục tiêu lớn này, nước ta cần phải xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, mang đậm giá trị văn hóa, đạo đức của dân tộc. Nghị quyết 41-NQ-TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới có nêu nội dung “Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân Việt Nam”. Điều này khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò của báo chí trong phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế đất nước.
“Báo chí là người bạn đồng hành của doanh nghiệp, là diễn đàn, cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ và người dân. Báo chí truyền thông như chiếc đòn bẩy đưa thương hiệu doanh nghiệp tới rộng khắp công chúng, là thành tố thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh, chân chính…” – Ông Phòng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã cùng luận bàn về công tác truyền thông thương hiệu/sản phẩm và quản trị thương hiệu trong các đơn vị/ doanh nghiệp ở thời kỳ công nghệ số hiện nay. Song song với đó là vai trò phối hợp giữa các cơ quan báo chí truyền thông và các đơn vị/ doanh nghiệp trong xử lý khủng hoảng truyền thông; trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác thông tin báo chí và xử lý khủng hoảng cho đơn vị/ doanh nghiệp. Ngoài ra, diễn đàn cũng đề cập tới những kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới trong công tác truyền thông để tăng thêm gợi ý cho các đơn vị, doanh nghiệp trong nước hiện nay.
Tại Diễn đàn, một trong những vấn đề được quan tâm là “xử lý khủng hoảng”. TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia Kinh tế, nguyên Phó Vụ truởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân chia sẻ 2 câu chuyện mà ông từng tham gia xử lý trong đó có câu chuyện về bài báo ngắn nhưng đã xử lý “rất êm” về một “va chạm” giữa doanh nghiệp và người dân, câu chuyện giải quyết vấn đề từ thông cáo báo chí như thế nào khi chính quyền gặp “sự cố” và cách giải quyết minh bạch, thỏa đáng thông tin như thế nào để người dân hiểu, thông cảm…
Với vấn đề “nóng” này, ông Lê Quốc Vinh, chuyên gia truyền thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê Bros cũng có một bài thuyết trình khá ấn tượng, chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng với câu chuyện “khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông”, về 3 nguyên lý trong xử lý khủng hoảng là minh bạch, chính trực và nhân văn…
Bàn về tác động của công tác báo chí đối với truyền thông và sự phát triển của doanh nghiệp, GS.TS. Đinh Văn Hiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty DKNEC đưa ra một số phương pháp để xây dựng chiến lược báo chí hiệu quả cho doanh nghiệp, với việc thực hiện các bước, cụ thể đó là: Xác định mục tiêu truyền thông và những gì bạn muốn đạt được. Hiểu rõ đối tượng, nắm bắt thông tin và nhu cầu của đối tượng mục tiêu. Tạo nội dung chất lượng thông qua việc phát triển thông điệp và câu chuyện hấp dẫn, có giá trị cho độc giả. Xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với các nhà báo và biên tập viên. Phản ứng linh hoạt, sẵn sàng thay đổi chiến lược dựa trên phản hồi và tình hình thực tế.
Điều hành Diễn đàn, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Diễn đàn là nơi trao đổi về lý luận và thực tiễn trong công tác truyền thông tại các đơn vị, doanh nghiệp, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế và truyền thông giàu kinh nghiệm, các doanh nhân là lãnh đạo của công ty, tập đoàn lớn. Với tiếng nói chân thực, khách quan và có tính xây dựng, báo chí góp phần xây dựng môi trường kinh doanh công bằng để các doanh nghiệp cùng hoạt động, tạo ra giá trị và đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Thông qua báo chí, doanh nghiệp có cơ hội cập nhật kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, báo chí càng cần phát huy hơn nữa vai trò cầu nối, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
“Những chia sẻ từ các chuyên gia kinh tế, chuyên gia truyền thông cùng đại diện các cơ quan báo chí truyền thông cùng các đơn vị, doanh nghiệp đã đem đến góc nhìn thực tế về mối quan hệ cộng tác giữa báo chí và doanh nghiệp, đưa ra một số gợi mở sáng tạo về công tác truyền thông thương hiệu trong hoạt động kinh doanh. Điều đó càng khẳng định vai trò của báo chí trong quá trình đồng hành cùng các đơn vị, doanh nghiệp. Góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, vị trí xã hội của đơn vị, doanh nghiệp thông qua công tác truyền thông…” - Ông Hồ Quang Lợi cũng nhấn mạnh.
Buổi tọa đàm nhận được rất nhiều chia sẻ, các chuyên gia, đại biểu tham dự đều khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong quá trình đồng hành cùng các đơn vị, doanh nghiệp đã góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, vị trí xã hội của đơn vị, doanh nghiệp qua công tác truyền thông. Năng lực truyền thông là yếu tố quyết định sự phát triển cho một đơn vị, doanh nghiệp. Bằng sự phân tích, trao đổi, chia sẻ của các chuyên gia, đại biểu tại diễn đàn cho thấy công tác truyền thông là vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Diễn đàn cũng đã xoay quanh các vấn đề hết sức cần thiết cho các đơn vị, doanh nghiệp trong nâng cao năng lực truyền thông thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm gắn liền với xây dựng một môi trường văn hóa doanh nghiệp/doanh nhân, cùng với việc chỉ ra phương thức xử lý khủng hoảng truyền thông trong bối cảnh hiện nay. Từ đó góp phần giúp các đơn vị, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn về công tác truyền thông, góp phần phát huy hơn nữa vai trò của công tác truyền thông trong phát triển đơn vị, doanh nghiệp.