Báo chí làm cho xã hội tốt đẹp hơn
Trong dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), vấn đề trách nhiệm xã hội của báo chí lại một lần nữa được đặt ra.
Điều đó không chỉ được thể hiện ở việc cung cấp kịp thời các thông tin chính xác, khách quan, chân thực, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi tự thân của xã hội hiện nay, mà còn là vai trò cầu nối, trực tiếp tham gia vào các hoạt động xã hội, có trách nhiệm trước các vấn đề xã hội.
Trách nhiệm xã hội của báo chí – câu chuyện không mới nhưng luôn thời sự. Có thể nói rằng, trong thời đại kỹ thuật số, báo chí đã nhanh chóng thể hiện vai trò xung kích, dẫn dắt, dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm...
Dù báo chí vẫn vướng những “điều tiếng” khi chạy theo xu hướng thương mại hóa, giật gân câu khách, thậm chí thông tin sai sự thật, nhưng đó chỉ là hiện tượng, báo chí đã và đang làm rất tốt trách nhiệm, giữ vững đạo đức nghề nghiệp của mình.
Trong 98 năm qua, báo chí và người làm báo luôn khẳng định vị thế quan trọng trong đời sống xã hội, bởi tinh thần dấn thân, tâm huyết và trách nhiệm. Thực tế đã cho thấy, nhờ có báo chí, nhiều nhà báo quả cảm mà không ít vụ việc tham nhũng lớn, những tiêu cực trong xã hội được đưa ra ánh sáng; công lý và lẽ phải được bảo vệ. Trước sự phát triển mạnh mẽ hơn của Internet, truyền thông xã hội và trong “mớ” thông tin với nhiều góc nhìn từ các trang mạng, thông tin từ báo chí vẫn sẽ được bạn đọc trông đợi.
Để phát huy lợi thế và giữ được độc giả, các cơ quan báo chí, nhà báo vẫn đang giữ vững tôn chỉ mục đích; căn chỉnh thước ngắm về trách nhiệm xã hội, xây dựng nội dung thông tin đủ sức cạnh tranh nhưng không lệch chuẩn. Ngoài đấu tranh phê phán những cái xấu, báo chí thể hiện trách nhiệm to lớn là hướng xã hội đến những điều tốt đẹp, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội.
Bên cạnh việc thể hiện trách nhiệm xã hội trong dòng thông tin cung cấp tới bạn đọc, với lợi thế của nghề đặc thù, các cơ quan báo chí và những người làm báo đã âm thầm, bền bỉ, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, vì cộng đồng. Với “cái đầu lạnh và trái tim ấm”, họ đã khiến xã hội thêm trân trọng nghề nghiệp của mình, đồng hành, là cầu nối để DN, các tấm lòng hảo tâm mang đến nhiều đóng góp, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội như cứu trợ đồng bào bị thiên tai, Tết vì người nghèo, Tiếp sức đến trường… Từ báo chí, nhờ báo chí, nhiều hoạt động xã hội đã được lan tỏa, trở thành phong trào thường xuyên được cộng đồng đón nhận, ủng hộ.
Nhiều tờ báo đã được nhắc đến cùng với những chương trình, hoạt động an sinh xã hội đã trở thành “thương hiệu”. Trong đó, Báo Kinh tế & Đô thị là một trong những tờ báo đã thể hiện trách nhiệm xã hội của mình với nhiều hoạt động an sinh. Chương trình “Tết Nghĩa tình” được báo duy trì thường niên trong 10 năm qua đã góp phần hỗ trợ cho hàng nghìn hộ gia đình khó khăn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành có được những cái Tết ấm cúng, nghĩa tình.
Cũng hơn 10 năm qua, đã trở thành thông lệ, vào tháng 7 hằng năm, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Báo Quảng Trị tổ chức chương trình “Nghĩa tình tháng 7”, với nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân các anh hùng liệt sĩ, xây dựng nhà tình nghĩa, thăm, tặng quà các gia đình chính sách…
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, báo chí vẫn đang tiếp tục thể hiện tốt hơn trách nhiệm đối với xã hội. Mỗi nhà báo bằng nhiệt huyết với nghề đang tiếp tục tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng, tham gia vào hoạt động xã hội bằng cái tâm và cái tầm của mình. Báo chí góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, cũng đang làm đẹp cho chính mình đối với xã hội.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-chi-lam-cho-xa-hoi-tot-dep-hon.html