Nguy cơ biến dạng di sản văn hóa
Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa có văn bản yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thực hành di sản văn hóa, sau khi một số nghệ nhân thực hiện nghi thức hầu đồng ngay trên sân khấu tại Liên hoan hát văn, hát chầu văn tỉnh Bắc Ninh lần thứ II, năm 2024. Việc này không chỉ làm sai lệch bản chất nghi lễ mà còn vi phạm tính thiêng, tập tục và kiêng kỵ vốn có của di sản văn hóa.
Tình trạng sân khấu hóa di sản, làm sai lệch ý nghĩa nguyên gốc của di sản thời gian qua đã xuất hiện tại nhiều địa phương. Tháng 2-2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho hay, một số nghệ nhân thực hành hầu đồng không đúng quy tắc, thậm chí lồng ghép yếu tố ngoại lai vào nghi thức.
Việc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ nhằm bảo vệ mà còn để nâng cao nhận thức đúng đắn về giá trị gốc của đạo Mẫu. Tuy nhiên, một số đơn vị, tổ chức và cá nhân thực hành không hiểu sâu sắc, thực hành lệch chuẩn dẫn đến biến tướng, như trang phục không phù hợp, hát sai lời, lợi dụng "bóng thánh" để truyền đạt những nội dung lệch lạc. Không những thế, một số người còn giữ quan điểm sân khấu hóa di sản, "bê nguyên" nghi lễ tâm linh lên sân khấu, làm suy giảm tính thiêng di sản... Họ biến di sản thành phương tiện để trục lợi. Những buổi biểu diễn và liên hoan thiếu chuẩn mực ấy đã làm mất đi hồn cốt, giá trị di sản.
Người thực hành cần hiểu rằng, di sản thờ Mẫu Tam phủ không chỉ là một biểu hiện văn hóa mà còn là một tín ngưỡng thiêng, đòi hỏi sự tôn trọng tuyệt đối các quy tắc và tập tục truyền thống. Việc thực hành tín ngưỡng này không chỉ cần kiến thức mà còn phải giữ gìn các phép tắc, lễ nghi của đạo Mẫu. Cục Di sản văn hóa cũng cảnh báo, nếu các vi phạm nghiêm trọng tiếp tục diễn ra, Việt Nam có thể bị UNESCO xem xét rút danh hiệu di sản. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và cộng đồng thực hành tín ngưỡng.
Làm sao để bảo tồn, quảng bá di sản phù hợp với đời sống đương đại mà không làm mất đi giá trị linh thiêng vốn có là điều trăn trở của các nhà quản lý văn hóa, chuyên gia và những người thực hành di sản. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà cần sự phối hợp từ cộng đồng chủ thể. Ý thức và hiểu biết về giá trị di sản trong cộng đồng cần được nâng cao. Việc khai thác và phát huy di sản văn hóa là việc nên làm và cần được khuyến khích. Tuy nhiên, quảng bá mà làm sai lệch di sản, suy giảm giá trị di sản, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về di sản thì cần phải chấn chỉnh kịp thời.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nguy-co-bien-dang-di-san-van-hoa-801300