Báo chí làm gì để thu được phí?

Câu chuyện chuyển đổi số tại những tờ báo nổi tiếng thế giới đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Theo ThS Trần Lệ Thùy, chuyên gia báo chí truyền thông, Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm này để bắt kịp xu thế.

Giảm lượng tăng chất

Rất nhiều tờ báo lớn trên thế giới chuyển đổi số thành công và họ đang gặt hái thành quả. Bà ấn tượng nhất với câu chuyện chuyển đổi số của tờ báo nào nhất?

Đó là The Financial Times. Họ đã chuyển đổi số và chuyển sang mô hình thu phí nội dung từ năm 2002, trước The New York Times. Tới nay, họ có khoảng 1,25 triệu bạn đọc trả tiền. Thành công của họ đến từ quy trình làm việc tập trung vào dữ liệu và người đọc.

ThS Trần Lệ Thùy.

ThS Trần Lệ Thùy.

Vậy The Financial Times đã thay đổi cách tiếp cận bạn đọc thế nào, thưa bà?

Họ thay đổi tư duy từ chính đội ngũ biên tập, coi họ như khách hàng và xây dựng các công cụ đáp ứng nhu cầu. Những nhà báo không rành về kỹ thuật sẽ rất khó chịu khi nghe hàng loạt từ ngữ chuyên ngành trong các phân tích dữ liệu bạn đọc.

The Financial Times tiên phong áp dụng mô hình đăng ký trả phí từ sớm và tập trung cung cấp nội dung độc quyền, chất lượng cao, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Đây là điều mà các tờ báo ở Việt Nam cần học hỏi, đặc biệt là các lĩnh vực chuyên sâu mà độc giả sẵn lòng trả phí để tiếp cận.

Bà Trần Lệ Thùy

Do đó, Financial Times bố trí các nhà phân tích vào làm việc cùng với nhà báo. Họ thay đổi Dashboard (trang tổng hợp dữ liệu) về độc giả sao cho không dùng biệt ngữ, sử dụng hình ảnh trực quan rõ ràng hơn và đưa ra hệ thống điểm chuẩn.

Những điểm chuẩn này cho phép các nhà báo và biên tập viên nhanh chóng xác định liệu nội dung có hiệu suất kém hay cao, đo lường mức độ hấp dẫn của bài viết.

Còn về quản trị tòa soạn và chiến lược dài hạn thì sao, thưa bà?

Financial Times sử dụng dữ liệu để thúc đẩy chiến lược tòa soạn dài hạn. Nhóm biên tập có mục tiêu tập trung vào giá trị hơn số lượng, giảm 15% lượng nội dung/năm, tập trung nhiều vào chất lượng.

Để đạt được mục tiêu này, tòa soạn đã so sánh "số lượt đọc chất lượng" với "Số lượt xem trang cao". Nhiều chỉ số được phân tích như: Hiệu suất cao (số lượt xem trang cao và số lượt đọc chất lượng cao); Đề tài ngách nhưng hấp dẫn (lượt xem trang thấp và lượt đọc chất lượng cao). Với những tin bài lượt xem thấp, câu hỏi liệu "có nên làm nội dung này?" sẽ được đặt ra.

Đầu tư đào tạo lại nhân lực

Theo bà, tại các tờ báo lớn trên thế giới, việc chuyển đổi số đã thay đổi cách lựa chọn đề tài và tác nghiệp ra sao?

Giao diện báo điện tử của Financial Times.

Giao diện báo điện tử của Financial Times.

Chuyển đổi số thay đổi sâu sắc cách làm việc của phóng viên và vận hành của các tòa soạn. Những thay đổi này bao gồm việc sử dụng dữ liệu để chọn đề tài, phát triển kỹ năng đa phương tiện, tạo nội dung tương tác và cá nhân hóa, cùng với việc áp dụng công nghệ AI.

Để đầu tư vào mô hình chuyển đổi số, các tòa soạn ở Việt Nam cần làm thế nào, thưa bà?

Có nhiều công cụ miễn phí, báo chí Việt Nam còn chưa tận dụng được. Vì thế, tôi nghĩ các tòa soạn cần đầu tư đào tạo lại nguồn nhân lực trước.

Từ những thành công của các tờ báo trên thế giới, theo bà nên nhìn nhận về chuyển đổi số báo chí như thế nào là đúng đắn?

Tôi thấy nhiều tòa soạn ở Việt Nam hiện đã nắm được xu hướng thế giới. Điều cần nhất là tư duy linh hoạt và thích ứng nhanh, học hỏi liên tục. Người làm báo cần liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng mới về công nghệ và xu hướng truyền thông kỹ thuật số, áp dụng vào công việc hằng ngày.

Hiểu rõ hơn về độc giả

Ngoài Financial Times, theo bà mô hình chuyển đổi số của tờ báo nào sẽ là kinh nghiệm để báo chí Việt Nam học hỏi?

New York Times đã thành công khi chuyển từ báo in sang mô hình số nhờ đầu tư mạnh vào công nghệ.

New York Times đã thành công khi chuyển từ báo in sang mô hình số nhờ đầu tư mạnh vào công nghệ.

Đó là New York Times. Trước đây, tờ báo hàng đầu của Mỹ chỉ quản lý hệ thống máy móc khá thô sơ, trình bày đơn giản. Nay, họ phân tích rất nhiều chỉ số như tần suất độc giả, mức độ tương tác với báo, hồ sơ độc giả, nội dung kéo độc giả quay lại… Từ đó, họ thuyết phục được độc giả quyết định đăng ký và trả phí. 67% doanh thu năm 2022 đến từ thu phí đọc báo điện tử.

Họ thành công trong việc chuyển từ báo in sang mô hình số bằng cách đầu tư mạnh vào công nghệ và phân tích dữ liệu để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Họ tập trung vào việc phát triển nội dung số chất lượng cao và tạo ra các gói đăng ký linh hoạt.

Các tòa soạn Việt Nam có thể học hỏi về cách sử dụng dữ liệu để hiểu rõ hơn về độc giả và phát triển các gói đăng ký trả phí phù hợp với nhu cầu thị trường nội địa.

Khuyến khích sáng tạo, thử nghiệm

Vậy theo bà, thách thức chuyển đổi số đối với các tòa soạn ở Việt Nam là gì?

Nhiều tòa soạn vẫn còn phụ thuộc vào công nghệ truyền thống và thiếu kỹ năng số cần thiết để triển khai các dự án chuyển đổi số. Các tòa soạn cũng chưa có chiến lược dài hạn rõ ràng, dẫn đến các dự án ngắn hạn không mang lại hiệu quả bền vững.

Giải pháp là đầu tư vào đào tạo nhân lực và nâng cấp hạ tầng công nghệ, đồng thời hợp tác với các công ty công nghệ để tiếp cận những giải pháp tiên tiến.

Tư duy và văn hóa làm việc truyền thống có thể gây ra tâm lý kháng cự khi tòa soạn thay đổi quy trình và công nghệ. Vì thế, lãnh đạo cao nhất cần xây dựng văn hóa cởi mở, khuyến khích sáng tạo và thử nghiệm, truyền thông rõ về lợi ích của chuyển đổi số đến toàn bộ nhân viên.

Nếu tham gia vai trò thúc đẩy chuyển đổi số ở một tòa soạn, bà sẽ bắt đầu như thế nào?

Tôi sẽ bắt đầu bằng việc đo lường thực trạng năng lực của tòa soạn, lập một chiến lược nội dung số mạnh mẽ. Trong đó bao gồm việc tối ưu hóa trang web, ứng dụng di động, các nền tảng mạng xã hội để tăng tương tác với độc giả. Đồng thời, xây dựng mô hình kinh doanh số, tổ chức các chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng số cho toàn bộ nhân viên, quản lý.

Cảm ơn bà!

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bao-chi-lam-gi-de-thu-duoc-phi-192240620112409952.htm