Báo chí như 'kho thông tin dữ liệu' doanh nghiệp tin cậy sử dụng
Các ĐBQH nhìn nhận, báo chí cần tăng cường tính phản biện để từ đó các nhà hoạch định chính sách thấu cảm được khó khăn, bất cập, thách thức với doanh nghiệp.
Báo chí phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng DN
Là một doanh nhân đồng thời là đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, đại biểu đoàn Bình Dương nói rằng, bản thân ông luôn đánh giá cao mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trong thời gian qua.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Huân nhấn mạnh báo chí và doanh nghiệp phải bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển và hoàn thiện ở cả hai lĩnh vực.
Trước hết, về chính sách pháp luật, nếu theo chiều thuận báo chí sẽ phản ánh về những cơ chế chính sách nhưng không phải nội dung chung chung mà tập trung cụ thể vào những vấn đề mà doanh nghiệp đang cần được tháo gỡ.
“Tôi đánh giá cao những chính sách được phổ biến thông qua báo chí khi đem lại hiệu quả tích cực. Khi doanh nghiệp đọc những thông tin báo chí phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, doanh nghiệp sẽ cảm thấy được thấu hiểu, từ đó có thêm nguồn thông tin đáng tin cậy để tìm hiểu sâu hơn. Do đó, những thông tin ban đầu báo chí đưa ra là rất quan trọng”, ông Huân nói.
Ở chiều ngược lại, ông Huân cho rằng, khi các doanh nghiệp vướng thông tin, chính sách pháp luật cần có tiếng nói đến các cơ quan có thẩm quyền thì sẽ thông qua kênh báo chí, bởi đây là kênh nhanh nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất.
Vị Chủ tịch Halcom Việt Nam cho biết thêm, ngoài chính sách pháp luật, báo chí như là một “kho thông tin dữ liệu” để doanh nghiệp có thể tin cậy khi sử dụng, từ đó nắm bắt được tình hình kinh tế, định ra chiến lược kinh doanh phù hợp. “Chính báo chí là cơ quan hiệu quả nhất để truyền tải hình ảnh, quan điểm cũng như chính sách hoặc mong muốn của doanh nghiệp ra cộng đồng”, ông Huân nhấn mạnh.
Cầu nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội
Chia sẻ thêm về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Quang Huân nhìn nhận, trong kinh tế thị trường, báo chí cũng phải tự lo trang trải những hoạt động của mình, song cũng cần có doanh nghiệp hỗ trợ.
“Ví dụ như doanh nghiệp được hưởng lợi từ báo chí thì doanh nghiệp cần đóng góp cho báo chí như thế nào? Có thể qua cách thức hợp tác truyền thông hoặc quảng cáo, quảng bá. Tuy nhiên, hoạt động này cũng cần phải hết sức minh bạch, tránh tình trạng có cơ quan báo chí lợi dụng chức năng của mình “hành” doanh nghiệp. Hoặc một số doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả lại “né” báo chí”, ông Huân nói.
Cũng chia sẻ với Người Đưa Tin, đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, báo chí đóng vai trò rất quan trọng, truyền tải được hơi thở của cuộc sống đến với mọi người.
Theo bà Yến, với hệ thống pháp luật hiện hành, Chính phủ, Quốc hội đang rất nỗ lực, xem xét, thảo luận thông qua với số lượng văn bản pháp luật khá lớn, với mong muốn những quy định này được áp dụng trong xã hội sẽ thúc đẩy người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp phát triển theo.
Nữ đại biểu cũng phân tích, để xây dựng được một văn bản quy phạm pháp luật không hề đơn giản mà phải được thu thập từ nhiều nguồn, thậm chí có những cuộc khảo sát quy mô lớn. Những cuộc thảo luận đó phân tích được mọi khía cạnh để cộng đồng doanh nghiệp thấy được vấn đề.
“Tuy nhiên, phải thừa nhận khi những văn bản pháp luật được đưa vào cuộc sống thì luôn có độ trễ, và không phải lúc nào cũng đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp và người lao động”, bà Yến nói và cho rằng, trong quá trình phát sinh những vấn đề thì cần phải được sửa đổi, bổ sung, thay đổi bằng những văn bản khác cho phù hợp.
Theo đại biểu Trần Kim Yến, báo chí cần tăng cường tính phản biện để từ đó các nhà hoạch định chính sách thấu cảm được khó khăn, bất cập, thách thức với doanh nghiệp hiện nay.
Còn đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng đánh giá, báo chí là cầu nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, để từ đó có vai trò quan trọng trong phản biện chính sách của Nhà nước, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, kết nối cộng đồng xã hội nhằm kích cầu sản phẩm, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Cường, báo chí phát hiện và tôn vinh những điển hình, mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, quản trị tốt. Song song với đó, phát hiện, cảnh báo phê phán những việc làm sai trái vi phạm pháp luật, không vì cộng đồng của một số doanh nghiệp.
Ông Cường cho hay, trong bối cảnh hiện nay, sức cạnh tranh của các cơ quan báo chí đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội. Cũng chính vì vậy, người dân, doanh nghiệp đang rất cần những thông tin chính thống, ý kiến đủ độ tin cậy… được cung cấp từ chính các cơ quan báo chí uy tín.
“Nếu được độc giả tin tưởng thì báo chí chính thống hoàn toàn có thể tự tin thực hiện tốt các sứ mệnh của mình. Và điều đó cũng sẽ giúp tạo ra lợi thế cho báo chí, giúp báo chí biến những niềm tin của độc giả trở thành nguồn lực phát triển của mình”, ông Cường nhấn mạnh
.