Báo chí phải nỗ lực nâng tầm, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về vai trò, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đặt ra cho nghề báo và người làm báo hiện nay.

Trong thời đại công nghệ số, người làm báo càng phải phát huy truyền thống báo chí cách mạng, nêu cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Ảnh tư liệu

Trong thời đại công nghệ số, người làm báo càng phải phát huy truyền thống báo chí cách mạng, nêu cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Ảnh tư liệu

PV: Trong sự phát triển như vũ bão của thông tin và công nghệ, mọi công dân đều có thể trở thành người đưa tin. Trong bối cảnh đó, với tư cách lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về vai trò, sứ mệnh, trách nhiệm của người làm báo hôm nay đối với sự phát triển của đất nước?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Việt Nam đang trên con đường phát triển mạnh mẽ, với những thành tựu to lớn, toàn diện được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng phong phú, sinh động, đây chính là nguồn chất liệu dồi dào để từ đó, các nhà báo sáng tạo tác phẩm.

Trong tiến trình này, có thể nói báo chí nước nhà vừa có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng đồng thời phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức.

Trước hết, nói về thuận lợi, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm đến hoạt động báo chí, truyền thông; xem báo chí như một công cụ hữu hiệu để chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, cũng như tâm tư nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng và Nhà nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm tạo điều kiện vật chất và tinh thần, môi trường thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển. Ngoài ra, hiện nay nhà báo không chỉ có ngòi bút, trang giấy để tác nghiệp, mà còn được hỗ trợ bởi sự phát triển của công nghệ.

Về thách thức, đó là sự đòi hỏi ngày càng cao của công chúng đối với các nhà báo và các sản phẩm báo chí; cách tiếp nhận thông tin từ báo chí của công chúng cũng thay đổi, đòi hỏi các cơ quan báo chí, người làm báo không những phải nâng cao chất lượng nội dung, mà còn phải cải tiến cách thức, phương thức cung cấp thông tin.

Thêm vào đó, cơ quan báo chí, người làm báo đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn không chỉ với các cơ quan báo chí với nhau, mà còn có sự cạnh tranh từ mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, do khó khăn của nền kinh tế nên nguồn lực của báo chí bị ảnh hưởng, nhất là nguồn lực tài chính thu từ quảng cáo…

PV: Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen như ông vừa nói thì vai trò, sứ mệnh, trách nhiệm của cơ quan báo chí, của người làm báo với Đảng, Nhà nước và nhân dân cần được tăng cường. Theo ông, báo chí nói chung và nhà báo nói riêng phải làm gì để thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình đối với đất nước?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Bác Hồ đã dạy nhà báo phải là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, có một thực tế là các thế lực phản động, chống phá đang sử dụng các phương thức ngày càng tinh vi, thâm độc. Chính vì vậy, trong cuộc đấu tranh này, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần phải luôn nỗ lực nâng tầm về bản lĩnh chính trị, về kỹ năng nghề nghiệp. Báo chí cách mạng phải luôn nắm thế chủ động trong cuộc đấu tranh này, không được rơi vào thế bị động, nhường trận địa cho các luồng thông tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt.

PV: Theo ông, các cơ quan báo chí, mà cụ thể những người làm báo cần hành động ra sao để thực hiện đúng mục đích tôn chỉ?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Các cơ quan báo chí, mà cụ thể là lãnh đạo cơ quan báo chí phải luôn coi trọng công tác giáo dục tư tưởng; phải xây dựng được một đội ngũ vững vàng về tư tưởng, chính trị, tinh thông nghề nghiệp và trong sạch về đạo đức. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần tránh xa rời mục đích, tôn chỉ của mình.

Nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách

Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến tuyên truyền, truyền thông về chính sách cả về mặt chính trị, kinh tế và xã hội, đấu tranh với luận điệu tiêu cực, lan tỏa tư tưởng chỉ đạo đến người dân trong và ngoài nước. Theo ông Nguyễn Đức Lợi, truyền thông chính sách rất quan trọng, trong đó có vai trò tích cực của báo chí. Sự tham gia của báo chí vào truyền thông chính sách là ở tất cả các công đoạn, từ quá trình xây dựng, hoàn thiện, ban hành cho đến thực thi chính sách. Báo chí phải góp phần “đưa cuộc sống vào chính sách và đưa chính sách vào cuộc sống”. Trong nhiệm vụ này, báo chí rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, từ việc cung cấp thông tin đến nguồn lực tài chính.

PV: Quay trở lại những thách thức đặt ra đối với các cơ quan báo chí hiện nay. Thời gian qua có hiện tượng một số tờ báo xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo xu hướng “ăn xổi” câu view, lợi dụng danh nghĩa nhà báo để trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan báo chí, phẩm chất người làm báo. Thực trạng này đã được chấn chỉnh ra sao, chúng ta cần tiếp tục đấu tranh thế nào để làm trong sạch lực lượng làm báo, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Có thể khẳng định, đa số đội ngũ làm báo chúng ta vững vàng về tư tưởng chính trị, có đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong tổ chức nào cũng khó tránh khỏi có những cá nhân thoái hóa, biến chất, không tuân thủ quy định, kỷ luật và làm đúng chức phận của mình. Điều đáng buồn là trong những năm gần đây, số người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm luật pháp khá cao, đã đến lúc cần phải báo động về tình trạng này.

Thực trạng này có nhiều nguyên nhân. Theo tôi, trước hết là do các nhà báo này chưa chịu tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày, “không tự dọn mình”, “không tự soi gương hàng ngày”, bị gục ngã trước những cám dỗ.

Thứ hai là có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí. Đặc biệt là buông lỏng quản lý đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, nhất là tại cơ quan thường trú ở địa phương.

Thứ ba là kinh tế báo chí hiện đang gặp nhiều khó khăn, nên đời sống của người làm báo bị ảnh hưởng, có trường hợp không giữ được mình dẫn đến những vi phạm. Chúng ta không lấy đây là lý do để biện minh cho những vi phạm, nhưng đây là thực tế mà các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, làm thế nào để những người làm báo đảm bảo được cuộc sống, yên tâm công tác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đảm bảo đời sống, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo

Luật Báo chí 2016 đến nay đã bộc lộ nhiều điểm lạc hậu với thực tiễn cuộc sống, thực tiễn hoạt động báo chí. Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại. Vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi đến các cơ quan dự thảo Luật, trong đó nhấn mạnh đến những thay đổi không chỉ liên quan đến báo chí, mà còn liên quan đến nhiều cơ quan, bộ, ngành. Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh đến vai trò của hội trong tình hình mới, đặc biệt trong việc tập hợp hội viên, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, tư tưởng chính trị, đạo đức người làm báo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người làm báo.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bao-chi-phai-no-luc-nang-tam-xung-dang-voi-niem-tin-cua-dang-va-nhan-dan-153242.html