Sửa luật để di sản sống mãi với thời gian

Quốc hội vừa thảo luận phiên toàn thể về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đây là một trong những vấn đề được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm.

Dự án luật trước đó đã được ĐBQH thảo luận ở tổ với gần 100 lượt ý kiến, cho thấy “sức nóng” yêu cầu giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm không kém gì nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Trong phiên thảo luận tại hội trường, hầu hết đại biểu tán thành cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa; đồng thời nhấn mạnh, trong lần sửa đổi này cần rà soát tổng thể và nghiên cứu để thể chế hóa nhiều nhất có thể về những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, những hiến định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Một vấn đề được đề xuất là hiện nay hệ thống bảo tàng ở nước ta đã phát triển với con số lên tới gần 200, trong đó có khoảng 70 bảo tàng ngoài công lập. Sự góp mặt của các bảo tàng tư nhân đang làm thay đổi nhận thức về loại hình bảo tàng và mở ra xu thế mới, tạo sự đa dạng cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa, hạn chế tình trạng “chảy máu” cổ vật. Tuy nhiên, khó khăn của các bảo tàng tư nhân là những hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ và đội ngũ nhân sự làm công tác bảo tàng chuyên nghiệp. Những vấn đề này cần được đề cập và hiến định rõ ràng, để khi luật đi vào cuộc sống phát huy được giá trị cao nhất cũng như bảo quản tốt nhất, an toàn nhất cho hiện vật. Luật cũng cần quy định rõ ràng hơn, tạo thuận lợi cho tư nhân mở bảo tàng, nhưng đồng thời cũng giúp cơ quan chức năng dễ dàng trong quản lý hoạt động của bảo tàng ngoài công lập.

Một vấn đề khác là trên cả nước hiện có tới hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố được xếp hạng, trong đó có 3.614 di tích quốc gia và 128 di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với đó là khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, với 498 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn không ít di sản đang bị “ứng xử” chưa đúng mức, gây lãng phí nguồn lực...

Là một trong những địa phương có nhiều bảo tàng, với 1 bảo tàng công lập, 2 bảo tàng tư nhân, cũng đang đặt ra cho Thanh Hóa những khó khăn nhất định trong việc quản lý, phát huy giá trị của khối hiện vật đồ sộ và giá trị mà các bảo tàng đang quản lý, nhất là ở những bảo tàng tư nhân. Bên cạnh đó, Thanh Hóa có tới hơn 1.500 di tích, nhiều di sản văn hóa phi vật thể giá trị, nhưng trên thực tế việc bảo quản, phát huy tác dụng khối di sản này thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề. Một số di tích bị xâm hại tới mức nghiêm trọng như chùa Quan Thánh ở TP Thanh Hóa, động Hồ Công ở huyện Vĩnh Lộc, đền Nưa ở huyện Triệu Sơn, nghè Đông Kinh ở huyện Nga Sơn... Có những di tích, di sản văn hóa đứng trước nguy cơ bị quên lãng.

Việc ĐBQH thảo luận, thống nhất cao sửa đổi Luật Di sản văn hóa sẽ từng bước góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về một lĩnh vực hết sức quan trọng, từ đó giúp đồng bộ giữa quy định của Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan, làm cơ sở để ban hành những quy định, cơ chế, chính sách bảo vệ, phát huy tốt nhất giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Cùng với cả nước, những người làm công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ở Thanh Hóa chờ đợi luật sẽ sớm được thông qua, tạo thêm động lực bảo vệ tốt hơn nguồn di sản, di sản sống cùng thời gian và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tuệ Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/sua-luat-de-di-san-song-mai-voi-thoi-gian-217894.htm