Báo chí phải thay đổi cách tiếp cận thông tin

Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của độc giả trong thời đại số, thông tin báo chí phải ngắn gọn, xúc tích, chính xác và kịp thời.

Trong ba ngày từ 11 đến 13-7, Hội nhà báo TP.HCM phối hợp với Ban tổ chức Cuộc thi viết về giáo dục năm 2024 và các đơn vị khác tổ chức chương trình về nguồn với chủ đề “Ngòi bút nhà báo, từ truyền thống đến tương lai số”.

Tham dự chuyến đi có các cán bộ phụ trách cơ quan quản lý báo chí trung ương và địa phương, lãnh đạo một số cơ quan báo chí, đại diện bộ ngành về GD&ĐT, doanh nghiệp và những nhà báo đạt giải Cuộc thi viết về giáo dục năm 2024.

3 định hướng với báo chí

Trong chuyến đi, đoàn đã thăm Trường Dục Thanh (Phan Thiết, tỉnh Lâm Đồng), tìm hiểu về không gian nơi Bác Hồ - Người thầy, nhà báo, nhà cách mạng lỗi lạc - từng sống và giảng dạy tại đây; giao lưu tìm hiểu về “Hành trình Người thầy vĩ đại”, “Theo dấu Người xưa soi sáng hôm nay”.

 Các cán bộ quản lý, nhà báo viết về giáo dục chụp hình lưu niệm tại Trường Dục Thanh. Ảnh: TP

Các cán bộ quản lý, nhà báo viết về giáo dục chụp hình lưu niệm tại Trường Dục Thanh. Ảnh: TP

Đặc biệt, tại Khánh Hòa, tọa đàm – giao lưu với chủ đề “Báo chí và giáo dục trong kỷ nguyên số” đã ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ thẳng thắn từ các đại biểu, nhà báo về những thách thức của nghề báo trong bối cảnh mới. Đồng thời, các đại biểu cũng gợi mở nhiều góp ý, giải pháp để báo chí phát huy thế mạnh thông tin hiệu quả, tăng cường sự phối hợp giữa báo chí và doanh nghiệp, các đơn vị GD&ĐT.

Tại đây, ông Phạm Quý Trọng, Phó vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương cho rằng, sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội đã làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng. Do đó, ông đề xuất ba định hướng với báo chí: Kiên định với đạo đức nghề nghiệp; đổi mới hình thức truyền tải; tăng cường kết nối giữa báo chí - nhà trường - người học.

 Ông Phạm Quý Trọng, Phó vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: TP

Ông Phạm Quý Trọng, Phó vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: TP

Ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM cho biết, bối cảnh chuyển đổi số đã tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng đem lại nhiều thời cơ hơn. Các cơ quan báo chí tùy theo nguồn lực đều đầu tư cho công tác chuyển đổi số khá là quy mô, phần nào đáp ứng yêu cầu tác nghiệp.

Ông cho biết Hội Nhà báo TP.HCM đang phối hợp mở các lớp tập huấn tác nghiệp số để nhà báo nâng cao năng lực làm nghề trong môi trường mới.

 Đại diện các nhà báo chia sẻ ý kiến, góp ý về những khó khăn của nghề báo trong thời đại số hiện nay. Ảnh: TP

Đại diện các nhà báo chia sẻ ý kiến, góp ý về những khó khăn của nghề báo trong thời đại số hiện nay. Ảnh: TP

Nhanh nhưng phải tuân thủ quy trình kiểm chứng và xuất bản

Chia sẻ với báo chí, ông Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM cho biết trong bối cảnh mới hiện nay, nhà báo phải hiểu đầy đủ, đúng đắn về nghề báo và vai trò của báo chí.

Đồng thời, ông Phong cho rằng để đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của độc giả, thông tin phải ngắn gọn, xúc tích, chính xác và kịp thời. Trong đó, kịp thời là điều ai cũng nói, nhưng không dễ làm vì quy trình sản xuất thông tin báo chí khác biệt với mạng xã hội. Do đó, bên cạnh phải nắm bắt chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, phóng viên cần ứng dụng khoa học – công nghệ, tận dụng lợi thế chuyển đổi số để tạo ra các hình thức thông tin phù hợp với nền tảng số, đáp ứng đối tượng bạn đọc mới.

Cũng theo ông Phong, một trong những thách thức lớn hiện nay với phóng viên nói chung là làm sao giữ được bản chất nghề nghiệp báo chí. Bởi mạng xã hội, công nghệ có phát triển đến đâu, làm thay đổi mọi thứ nhưng có một điều không thay đổi là “người dân cuối cùng vẫn muốn biết sự thật là gì?”.

“Để giải đáp được sự thật đó, phóng viên phải chuyên nghiệp, phải hiểu rõ mình đang làm gì, có nguồn tin chính thống, tuân thủ quy trình kiểm chứng và xuất bản tin/bài nghiêm ngặt chứ không thể "thấy gì đưa nấy". Một người bình thường có thể quay video vụ tai nạn và đưa lên mạng, nhưng phóng viên cần đặt câu hỏi sâu hơn, làm rõ bản chất sự việc. Đó là yêu cầu bắt buộc, dù có thể làm chậm quá trình đưa tin nhưng nhất định không được bỏ qua các bước kiểm chứng"– ông Phong nói.

Vì vậy, ông Phong khẳng định dù công nghệ có phát triển đến đâu, vai trò của báo chí chính thống vẫn không thể thay thế. Đó là nơi cuối cùng mà xã hội tìm đến để biết được sự thật là gì.

 Các đại biểu, nhà báo tham dự tọa đàm. Ảnh: TP

Các đại biểu, nhà báo tham dự tọa đàm. Ảnh: TP

Cùng với đó, theo ông Phong, kỹ năng tác nghiệp của phóng viên phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu nhanh và chính xác. Nếu trước đây, phóng viên mất nửa ngày để viết xong bản tin, thì nay có khi chỉ có 15–20 phút.

“Chất lượng tín và uy tín cá nhân của phóng viên quyết định độ tin cậy và tốc độ xử lý của tòa soạn. Phóng viên càng vững nghề, càng ít sai sót thì tin tức được xử lý và xuất bản càng nhanh” – ông Phong chia sẻ.

Thay đổi tư duy và cách làm việc

Trong bối cảnh chung của các nước về thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, TP.HCM được mở rộng thành một siêu đô thị rộng lớn khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, thách thức với báo chí càng lớn hơn.

TP.HCM bây giờ không chỉ là quận 1, quận 3… mà còn là Dầu Tiếng, Bà Rịa – Vũng Tàu. Phóng viên cần bao quát được đời sống người dân, doanh nghiệp ở tất cả các địa bàn, dù không thể có mặt thường trực ở mọi phường xã nhưng vẫn phải nắm được tình hình, không thể viện lý do "ở xa, không ai đưa tin" mà vấn đề là ở cách tổ chức thông tin phải thay đổi.

Thực tế này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải tổ chức lại lực lượng phóng viên, tổ chức lại nguồn tin, thay đổi tư duy và cách làm việc.

(Ông Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM)

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/bao-chi-phai-thay-doi-cach-tiep-can-thong-tin-post860100.html