Báo chí phản biện, giám sát nhưng đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp

Sự đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp là một mối quan hệ tương hỗ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Báo chí không chỉ là kênh truyền thông giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp, quảng bá sản phẩm, dịch vụ mà còn đóng vai trò giám sát, phản ánh ý kiến của khách hàng, người tiêu dùng, từ đó giúp doanh nghiệp cải thiện và phát triển bền vững.

Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Doanh nhân và Công lý đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Thái Lai, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI về mối quan hệ đặc biệt giữa Báo chí và doanh nghiệp.

Chặng đường dài chung tay phát triển

PV: Ông nhận định sao về vai trò của Báo chí và Truyền thông với sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay? Để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả có cần truyền thông không thưa ông?

Ông Phạm Thái Lai: Báo chí không chỉ là kênh truyền thông hiệu quả để quảng bá, cung cấp thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm đến với cộng đồng, mà còn tôn vinh và khích lệ những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển đất nước. Đồng thời, báo chí cũng thực hiện vai trò giám sát, phát hiện và cảnh báo những hành vi sai trái của một số doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, hoạt động báo chí đã đóng góp quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp. Những đổi mới về cơ chế và chính sách liên quan đến hoạt động doanh nghiệp đều có sự ảnh hưởng tích cực từ báo chí.

Tại Nghị quyết 41-NQ-TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới cũng nêu rõ “Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân Việt Nam”. Điều này khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò quan trọng của báo chí trong phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế đất nước.

Báo chí là kênh truyền thông hiệu quả giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách rộng rãi và nhanh chóng. Thông qua các bài viết, tin tức, phóng sự, doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới, chia sẻ câu chuyện thương hiệu, xây dựng hình ảnh tích cực trong lòng công chúng. Ở chiều ngược lại, báo chí cung cấp cho doanh nghiệp thông tin về thị trường, xu hướng tiêu dùng. Những thông tin này giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các cơ hội và thách thức, từ đó đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp.

Từ những bài viết, phóng sự khách quan báo chí đã có vai trò quan trọng trong việc xây dựng uy tín và niềm tin cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng, đây lại là kênh truyền thông hiệu quả giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp, giải thích và xử lý tình huống một cách chuyên nghiệp. Sự hỗ trợ này giúp doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, lấy lại uy tín và niềm tin từ công chúng.

Báo chí còn rất nhiều hình thức truyền thông khác như quảng cáo, PR, truyền thông qua sự kiện,... tham gia cùng doanh nghiệp ở nhiều công đoạn. Đây là bệ phóng đưa thương hiệu doanh nghiệp đến với người tiêu dùng; là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ công lý, đề cao trách nhiệm xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính tồn tại và phát triển.

Ông Phạm Thái Lai, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI.

Ông Phạm Thái Lai, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI.

PV: Với vai trò là nhà quản lý, ông có chia sẻ về góc nhìn, đánh giá của các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay với truyền thông, báo chí?

Ông Phạm Thái Lai: Chúng tôi nhận thấy các đơn vị thực hiện chức năng thông tin, truyền thông, các cơ quan báo chí chính thống ở Việt Nam ngày càng phát triển về quy mô số lượng, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả vai trò là những kênh thông tin đóng vai trò trụ cột, có tính kiến tạo quan trọng trong thực hiện công tác lan về hoạt động sản xuất, kinh doanh, những đóng góp ý nghĩa của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, báo chí truyền thông cũng tham gia phản ánh, phê phán chân thực những tiêu cực, góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn, bình đẳng. Các đơn vị truyền thông báo chí đã và đang chủ động phối hợp thông tin với cách thức ngày càng đa dạng, hình thức truyền tải hấp dẫn, chuyển đổi số mạnh mẽ.

Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thấy một số thách thức mà nhà báo, người làm truyền thông phải đối mặt trong giai đoạn chuyển đổi số như các vấn đề về công nghệ, sự cạnh tranh từ các kênh truyền thông không chính thống, vấn nạn tin giả,... Dẫu vậy, tôi tin tưởng doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng tích cực đồng hành, hợp tác cùng với báo chí truyền thông trên quá trình khắc phục khó khăn, hướng đến một nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Môi trường cho tương lai

PV: Ông nhận định những thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín, làm ăn hiệu quả hiện nay đã được truyền thông đầy đủ chưa? Dưới góc độ truyền thông VCCI có những hoạt động gì để hỗ trợ doanh nghiệp hay không thưa ông?

Ông Phạm Thái Lai: Trung tâm Truyền thông và Thông tin kinh tế- VCCI là đơn vị có chức năng truyền thông thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp. VCCI nhận thấy nhiều dấu hiệu đáng mừng trong công tác truyền thông của những thương hiệu uy tín hiện nay. Các doanh nghiệp chủ động, cởi mở về thông tin với báo chí, tận dụng hiệu quả các kênh truyền thông trực tuyến, trực tiếp để tiếp cận đối tác, khách hàng. Những doanh nghiệp ấy tích cực thực hiện vai trò nguồn tin để phản ánh chân thực về đời sống; là cảm hứng, là chất liệu cho quá trình sáng tạo nội dung của báo chí truyền thông; vừa là đối tác, là khách hàng và cũng là động lực của sự phát triển.

Dưới bối cảnh hội nhập kinh tế, tình hình trong nước và quốc tế có cả thuận lợi lẫn thách thức đan xen, việc tăng cường quan hệ hợp tác báo chí truyền thông và doanh nghiệp, xây dựng môi trường truyền thông báo chí thúc đẩy phát triển doanh nghiệp lớn mạnh trở thành nòng cốt của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII là hết sức quan trọng. Trước yêu cầu thực tiễn, thời gian qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam luôn chú trọng phát huy vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với giới báo chí truyền thông để củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác lành mạnh, hỗ trợ nhau cùng phát triển giữa báo chí truyền thông và doanh nghiệp.

VCCI đang triển khai nhiều nội dung quan trọng như: Truyền thông chính sách; xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin báo chí về kinh tế; bình chọn các tác giả, tác phẩm báo chí viết về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh; truyền thông lan tỏa tinh thần văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung; hỗ trợ các cơ quan báo chí bồi dưỡng đào tạo kiến thức cho các phóng viên, nhà báo trong các lĩnh vực kinh tế, phát triển doanh nghiệp bền vững…

VCCI tin rằng để có nước Việt Nam phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, chúng ta cần cả đội ngũ báo chí truyền thông và đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp quân đều phát triển tốt và cùng phối hợp hiệu quả. VCCI sẽ luôn là cầu nối tin cậy để hai lực lượng này gắn kết, hợp tác phát triển hơn nữa.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/bao-chi-phan-bien-giam-sat-nhung-dong-hanh-va-ho-tro-doanh-nghiep-437085.html