Báo chí phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân

Hòa cùng dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam, những năm qua, báo chí trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước.

Đồng chí Bùi Thanh Toàn

Đồng chí Bùi Thanh Toàn

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2024), Báo Phú Yên phỏng vấn đồng chí Bùi Thanh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh.

* Xin đồng chí đánh giá những đóng góp của báo chí địa phương và trung ương đóng trên địa bàn tỉnh với sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh?

- Những năm qua, Phú Yên đã có những bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN, xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Những thành tựu trên là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm cao, tính năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và Nhân dân, trong đó có sự đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí của tỉnh và trung ương đóng trên địa bàn.

Báo chí đã đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, phản ánh đậm nét, kịp thời, toàn diện về đời sống chính trị, KT-XH của tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh Phú Yên đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Báo chí phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, lan tỏa những mô hình, cách làm hay, đưa nghị quyết của Đảng thấm sâu vào cuộc sống. Báo chí phản ánh sinh động về ý chí, tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội.

Nội dung báo chí có tính phản biện, đấu tranh cao, nhất là đối với các vấn đề tồn tại, khuyết điểm, bức xúc ở các địa phương, đơn vị, giúp cơ quan chức năng của tỉnh nắm bắt và xử lý kịp thời, góp phần ổn định dư luận xã hội...

Báo chí tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; phê phán kịp thời, đúng mức các hành vi vi phạm pháp luật, các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội; tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, sai sự thật, tích cực xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.

Trước các sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh hay trong các thời khắc đầy khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, cùng với hệ thống chính trị, đội ngũ những người làm báo đã không quản ngày đêm, bám sát hiện trường, dũng cảm đi vào tâm dịch, tâm bão để kịp thời chuyển tải những thông tin thời sự nóng hổi, chân thật về các sự kiện. Nhiều bài báo lay động con tim, tạo được sự đồng cảm, chia sẻ, truyền cảm hứng, mang lại niềm tin, sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với những mảnh đời bất hạnh, giúp họ tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã thể hiện trách nhiệm xã hội, sáng kiến tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo, tích cực kêu gọi nguồn lực ủng hộ, tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”… chung tay cùng tỉnh góp phần đảm bảo cuộc sống của Nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn.

* Trong thời đại công nghệ 4.0, đặc biệt là sự phát triển của mạng xã hội, các cơ quan báo chí địa phương và đội ngũ nhà báo của tỉnh cần thay đổi như thế nào để bắt kịp xu thế, tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh của mình, thưa đồng chí?

- Sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, sự phát triển nhanh của công nghệ số đã tạo áp lực lớn cho đội ngũ người làm báo. Ngày 8/4/2020, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, nêu rõ: “Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, gây ra nhiều tác hại”.

Báo chí đang phải đối diện với những vấn đề có tính chất bước ngoặt để bảo đảm thế chủ động trong định hướng, dẫn dắt thông tin trước sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội.

Do vậy, báo chí tỉnh cần thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, xuất bản; phát triển cơ quan báo chí theo mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng; thực hiện nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng.

Cần tăng cường tổ chức hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng làm báo hiện đại, phương thức tác nghiệp báo chí trong môi trường số; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp, cách thức ứng xử trên mạng xã hội đối với hội viên, những người làm báo.

Các cơ quan báo chí, người làm báo của tỉnh cần khai thác mạng xã hội làm trợ thủ để nắm bắt dư luận; đồng thời chủ động thông tin kịp thời, chính xác đến công chúng trên mạng xã hội, góp phần định hướng dư luận; chủ động phát hiện, đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc, xuyên tạc chống phá Ðảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân; “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “trồng hoa thơm để diệt cỏ dại”, khẳng định vai trò của báo chí cách mạng trên mặt trận chính trị tư tưởng.

* Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí mong muốn những gì đối với đội ngũ những người làm báo?

- Phát huy truyền thống 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam, tiếp tục những thành công của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, tôi mong muốn các cơ quan báo chí sẽ tập trung tuyên truyền tốt việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh năm 2024 và những năm tiếp theo; bám sát hơi thở cuộc sống để phản ánh, góp ý, kiến tạo, lan tỏa những giá trị tốt đẹp và nhân ái trong xã hội.

Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Chỉ thị 43 của Ban Bí thư; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, về Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các Quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

Mỗi người làm báo luôn tự ý thức học tập, nghiên cứu, tự rèn mình để có bản lĩnh chính trị, nền tảng văn hóa, kỹ năng công nghệ và tinh thần tận hiến, nhân văn vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phồn vinh, hạnh phúc của Nhân dân, để “báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ Nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; diễn đàn để Nhân dân tham gia các công việc của đất nước…” như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các cơ quan báo chí và những người làm báo trên địa bàn tỉnh. Chúc các nhà báo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, giữ vững ngọn lửa đam mê, tâm sáng với nghề, luôn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “xây dựng báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Những người làm báo Việt Nam có quyền tự hào về nền báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; tự hào về truyền thống vẻ vang, về những đóng góp xứng đáng của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tự hào về lớp lớp các thế hệ nhà báo, bằng tài năng, nhiệt huyết, sức sáng tạo và cả máu xương để gây dựng, gìn giữ và phát triển một nền báo chí cách mạng vì dân, vì nước, vì lợi ích tối thượng của dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

* Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HÀ MY (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/317662/bao-chi-phat-huy-vai-tro-cau-noi-giua-dang-nha-nuoc-voi-nhan-dan.html