Báo chí và doanh nghiệp: Chung một niềm tin!

Thuở chiến tranh, muốn biết cuộc chiến tranh thành hay bại, hãy nhìn vào đôi mắt của người mẹ tiễn con đi, còn bây giờ, thời hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, muốn biết chúng ta thành hay bại thì hãy nhìn vào thái độ của Nhà nước, của xã hội đối với doanh nhân.

Vào tháng 12 năm 1986, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI chính thức ghi vào trong Nghị quyết của mình chủ trương “phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước” để khởi động quá trình đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường và mở đường cho khung khổ thể chế để phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Từ chỗ không có doanh nghiệp tư nhân, đến nay đất nước ta đã có gần 1 triệu doanh nghiệp, 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Sự hình thành và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về chủ đề báo chí với doanh nghiệp để có thêm góc nhìn về những đóng góp và đồng hành của báo chí trong sự phát triển đi lên của doanh nghiệp Việt Nam.

“Chiếc tù và hàng tổng” của doanh nghiệp, doanh nhân

+ Thưa ông, với cương vị một người đã công tác trong lĩnh vực kinh tế nhiều năm qua, cũng là một đại biểu dân cử được gặp gỡ và trao đổi với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, nhân ngày Báo chí Cách mạng ông có thể chia sẻ một vài quan điểm về mối quan hệ giữa báo chí đối với doanh nghiệp được không?

- Hành trình mấy chục năm qua kể từ khi công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam được chính thức bắt đầu là một hành trình “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp”. Chúng ta đều nhớ, vào tháng 12 năm 1986, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI chính thức ghi vào trong Nghị quyết của mình chủ trương “phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước” để khởi động quá trình đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường và mở đường cho khung khổ thể chế để phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Và báo chí là “cánh chim báo tin vui” đưa thông điệp nức lòng người này tới toàn xã hội.

Với sự chuẩn bị tích cực của cả Chính phủ và Quốc hội, 4 năm sau đó, vào năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp Tư nhân ra đời, tạo nền tảng và bệ đỡ cho sự bừng nở của khu vực tư nhân ở Việt Nam. Từ chỗ không có doanh nghiệp tư nhân, đến nay đất nước ta đã có gần 1 triệu doanh nghiệp, 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Dù có những bước thăng trầm, nhưng sự hình thành và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sự hình thành phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam là một nỗ lực chung tay của của hệ thống chính trị: đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Chính phủ và chính quyền các cấp, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, của người lao động, sự phấn đấu kiên cường của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân và sự đồng hành của các nhà báo, cơ quan báo chí và các lực lượng xã hội khác. Trong đó các cơ quan báo chí và các nhà báo đóng một vai trò rất quan trọng.

Báo chí đã góp phần tuyên truyền đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với doanh nghiệp, doanh nhân. Báo chí góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội. Những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, qua báo chí được cổ vũ và lan tỏa. Báo chí là nơi các doanh nghiệp, doanh nhân “đánh trống, kêu oan” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Ngòi bút sắc sảo và thấm đẫm nhân tâm của báo chí đã cùng với doanh nghiệp, doanh nhân bảo vệ quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy việc thực thi Luật Doanh nghiệp, lên án và kiến nghị loại bỏ hàng ngàn giấy phép con và các thủ tục hành chính phiền hà để cởi trói cho doanh nghiệp. Cuộc vận động bãi bỏ các giấy phép “con, cháu, chắt, chút, chít…” trong lịch sử kinh tế của Việt Nam là một câu chuyện truyền cảm hứng về tinh thần cải cách và báo chí cùng với doanh nghiệp luôn là người trong cuộc.

Tôi không quên những kỷ niệm đẹp về sự sát cánh của anh, chị, em báo chí với Văn phòng Chính phủ, với VCCI và CIEM trong những chiến dịch cam go loại bỏ giấy phép con. Văn phòng Chính phủ sáng đèn, các cơ quan báo chí cũng sáng đèn thâu đêm cùng chúng tôi trong chiến dịch.

Rồi các cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với doanh nhân, các diễn đàn, đối thoại khác về chính sách phát triển doanh nghiệp được VCCI tổ chức ở mọi cấp, mọi ngành, chúng tôi rất cảm động khi thấy anh, chị, em báo chí đến dự đông như doanh nghiệp, cùng chúng tôi nói lên tiếng nói của thực tiễn cuộc sống thúc đẩy cho đổi mới. Nếu không có sự sắc sảo, dũng khí và sự sát cánh của anh, chị, em báo chí thì doanh nghiệp chắc chắn cũng không có được những bước phát triển thần kỳ như trong mấy chục năm qua.

Nhìn ra thế giới, báo chí kể chuyện về chuyện hội nhập, cung cấp cho doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ quan hữu trách những xu hướng dịch chuyển của nền kinh tế toàn cầu, những động thái lớn như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh có trách nhiệm… góp phần định hướng, định hình cho doanh nghiệp.

Báo chí quảng bá thương hiệu, sản phẩm cho doanh nghiệp tới mọi nơi. Báo chí tiếp sức cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để yểm trợ và cổ vũ cho tinh thần dân tộc trong kinh doanh vì chúng ta hiểu sâu sắc rằng: hội nhập và tự cường - phát huy tinh thần dân tộc luôn luôn là hai chiều cạnh phải song hành.

 Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Hãy bao dung và chắt chiu từng cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân

Chúng ta rất cần báo chí không vô tình, vô cảm khi phản ánh những vấn đề của doanh nghiệp, doanh nhân. Bởi sau các doanh nghiệp, doanh nhân là cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế, là số phận của hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người lao động và gia đình của họ. Một thông tin vô tình đăng tải trên báo chí có thể giết chết một doanh nghiệp và cướp đi cơ hội tăng trưởng của đất nước và sinh kế của các gia đình. Hãy bao dung với doanh nghiệp, doanh nhân. Doanh nghiệp lành mạnh là tài sản quốc gia, doanh nhân chân chính là hiền tài của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp, doanh nhân đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy báo chí có trách nhiệm hãy đồng hành giúp họ chắt chiu từng cơ hội kinh doanh để có thể trụ vững và phát triển. Bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ nền kinh tế.

+ Được biết, ông cũng từng là Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, vậy ông có thể chia sẻ thêm về mối quan hệ đặc biệt giữa báo chí và doanh nghiệp được không?

- Mấy chục năm qua, là lãnh đạo VCCI và làm lãnh đạo cơ quan báo chí, gắn bó với cả báo chí và doanh nghiệp, tôi có nhiều kỷ niệm về sự gắn bó “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” của chúng ta trong những cuộc đối thoại nhiều khi “nảy lửa” với các cơ quan công quyền về chính sách. Báo chí như “chiếc tù và hàng tổng” mang tiếng nói của doanh nghiệp, doanh nhân đến khắp mọi nơi.

Với rất nhiều những thành quả của công cuộc vận động chính sách, tôi thiết nghĩ doanh nghiệp sẽ không thể thành công nếu thiếu sự đồng thanh và chia sẻ của các anh, chị, em nhà báo.

Báo chí cũng nghiêm khắc với những biểu hiện tiêu cực trong doanh nghiệp. Báo chí phát hiện, phân tích và cảnh tỉnh doanh nhân về những sai phạm. Ngoại trừ một số ít “con sâu bỏ rầu nồi canh” - nhà báo trục lợi gây khó khăn cho doanh nghiệp, còn phần lớn việc đưa tin của báo chí, tôi nghĩ, là chuẩn mực, bao dung, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân rút kinh nghiệm và khắc phục để kinh doanh có hiệu quả hơn và có trách nhiệm hơn.

Báo chí góp phần neo giữ niềm tin của xã hội với doanh nghiệp, doanh nhân và ở chiều ngược lại, nuôi dưỡng niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân vào xã hội và thị trường, nhất là mỗi khi nền kinh tế gặp buổi gian nan. Và tôi cho rằng, đây là điều hệ trọng.

“Ngọn hải đăng” định hướng thông tin

+ Trong bối cảnh hiện nay, theo ông vấn đề nào của doanh nghiệp, doanh nhân mà báo chí cần thấu hiểu, chia sẻ?

- Hiện nay, doanh nghiệp, doanh nhân Việt đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn bậc nhất kể từ khi đổi mới. Sau một thời gian phải gồng mình chống chịu với đại dịch COVID-19 sức lực của các doanh nghiệp đã bị bào mòn. Nhưng “họa vô đơn chí”, COVID-19 chưa qua thì nền kinh tế toàn cầu đã phải đương đầu với những căng thẳng về địa chính trị - chiến tranh, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng thêm trầm trọng, giá cả nguyên, vật liệu leo thang, áp lực lạm phát lớn, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm v.v...

Là một nền kinh tế có độ mở cao, nhưng năng lực hội nhập chưa tương xứng, như một cơ thể có nhiều “bệnh nền”, như sức chống chịu còn hạn chế, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp… thì những áp lực to lớn như vậy từ bên ngoài đã ảnh hưởng trực tiếp với cường độ lớn tới nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Thị trường đang co lại, hàng tồn kho gia tăng, khả năng thanh khoản suy yếu… là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp. Có ngành hàng và doanh nghiệp, đơn hàng giảm đến 19% - 20% thậm chí đến 50%, ảnh hưởng tới quy mô sản xuất và công ăn việc làm của người lao động. Đơn hàng giảm bao nhiêu % thì cũng đồng nghĩa với nguy cơ công ăn việc làm của người lao động cũng giảm đi ngần ấy. Đó là áp lực vô cùng lớn. Giữ được công ăn việc làm cho người lao động là mệnh lệnh của trái tim, nhưng nhiều doanh nghiệp, cực chẳng đã, phải sa thải công nhân, bán tống, bán tháo các tài sản …

Sức sống của doanh nghiệp Việt đã suy kiệt lại càng suy kiệt và năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế đang đứng trước những thách thức. Bốn tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đã đạt tới con số kỷ lục. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Rất nhiều doanh nghiệp đang còn hoạt động, nhưng đã phải thu hẹp đáng kể quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng, có doanh nghiệp đã chết lâm sàng… Khu vực tư nhân - một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới ở nước ta đang suy yếu.

Nhiều doanh nghiệp và thương hiệu lớn đã không còn khả năng theo đuổi mục tiêu lợi nhuận mà đang vật lộn với những khó khăn thường nhật: lo việc làm và trả lương cho người lao động, lo trả lãi cho ngân hàng, lo thanh toán nợ đối với bạn hàng, đối tác… Có những doanh nghiệp, doanh nhân có một thời là “sao vàng”, “sao đỏ” thì nay lại vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý.

Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin chúc cho anh, chị, em nhà báo và các cơ quan báo chí:

Sắc bút, sáng lòng vì doanh nghiệp!

Bao dung, nhân ái với doanh nhân!

Vì nước, vì dân cùng cố gắng

Chung tay xây dựng nước non nhà!

Vũ Tiến Lộc

Quốc hội, Chính phủ đang triển khai những giải pháp tích cực để tiếp sức cho doanh nghiệp. Tuy vậy, các giải pháp thực thi còn chậm, hiệu quả chưa cao. Việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn đang khó khăn, lãi suất còn cao và các thủ tục hành chính còn phiền hà, và ở đâu đó, trong việc triển khai những chính sách về môi trường, về phòng cháy chữa cháy v.v... đang có những điều bất cập, phát sinh thêm chi phí và đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhưng nhìn sâu vào bức tranh của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta không chỉ thấy toàn màu xám, mà đã thấy le lói những sắc hồng. Kinh tế vĩ mô vẫn được giữ ổn định, tình hình doanh nghiệp đã cải thiện chút ít vào cuối tháng 3 và tháng 4, các biện pháp giãn, hoãn, giảm thuế đang được tiếp tục, tín dụng được nới lỏng, đầu tư công được đẩy mạnh…

Sắp tới, việc giảm thuế GTGT đồng loạt 2% cũng hy vọng giúp giảm khó khăn cho người tiêu dùng, và sẽ góp phần kích cầu trên thị trường nội địa. Lĩnh vực kinh doanh du lịch cũng đã bước đầu khởi sắc. Sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu và dòng vốn FDI vẫn đang chọn Việt Nam làm điểm đến. Xu hướng chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế xanh và nhân văn… cũng đang tạo ra những động lực cho phát triển mới cho nền kinh tế việt Nam. Các doanh nghiệp có nền tảng phát triển bền vững thì luôn tìm ra cơ hội.

Và điều đặc biệt quan trọng là, phần lớn các doanh nghiệp trong gần 1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, và 5,6 triệu hộ kinh doanh đang có những nỗ lực phi thường chống đỡ với nghịch cảnh, tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Họ thực sự là những dũng sĩ, những anh hùng. GDP của nền kinh tế những tháng đầu năm và cả năm nay có thể sẽ không đạt được mục tiêu như kỳ vọng, nhưng vẫn ở mức cao trong mối tương quan so sánh với kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới theo đánh giá của cộng đồng quốc tế.

Chúng ta kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm nay và những năm sau đó tình hình kinh tế và doanh nghiệp sẽ được cải thiện khi tình hình kinh tế thế giới được kỳ vọng tốt hơn và ở trong nước các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tác dụng, đặc biệt là những động thái về việc cơ cấu lại các khoản nợ tín dụng, hạ nhiệt lãi suất, đẩy nhanh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản… và những nỗ lực theo hướng khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo từ cấp độ doanh nghiệp.

Giữ “lửa” niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp

+ Vậy thưa ông, điều gì mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân kỳ vọng nhiều ở các cơ quan báo chí?

- Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất vẫn là niềm tin và chúng tôi mong báo chí hãy góp phần giữ lửa niềm tin cho thị trường và cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn, tinh thần khởi nghiệp quốc gia cần phải được tiếp tục khơi dậy, chắt chiu.

Đất nước ta cần phải có thêm nhiều doanh nghiệp mới, con cháu chúng ta lớn lên sẽ tiếp tục chọn con đường khởi nghiệp, và các doanh nghiệp đang hoạt động sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo, nâng cấp được hoạt động để kinh doanh có hiệu quả cao hơn và có trách nhiệm hơn. “Mãi mãi là khởi nghiệp” phải là tâm thế của thế hệ trẻ và các doanh nhân Việt trong tình hình mới. Và báo chí hãy lan tỏa điều này.

Báo chí hãy là “ngọn hải đăng” để định hướng thông tin trong một biển cả thông tin có nhiều nhiễu loạn như hiện nay. Hãy cảnh báo cho doanh nghiệp những điều cần tránh và góp ý cho doanh nghiệp những việc cần làm. Chúng tôi rất mong chờ những thông tin được kiểm định, có tính dự báo và định hướng có chất lượng hơn từ báo chí.

Thuở chiến tranh, muốn biết cuộc chiến tranh thành hay bại, hãy nhìn vào đôi mắt của người mẹ tiễn con đi, còn bây giờ, thời hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, muốn biết chúng ta thành hay bại hãy nhìn vào thái độ của Nhà nước, của xã hội đối với doanh nhân. Đất nước sẽ không thể giàu mạnh nếu chúng ta không có một đội ngũ doanh nhân mạnh.

“người lính thời bình”, những “anh bộ đội Cụ Hồ” trong lĩnh vực kinh tế không thể mạnh nếu không có một hậu phương che chở, bao dung, là đồng bào ta, là Nhà nước của ta. Chúng tôi cũng mong báo chí tiếp tục giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay, những mô hình mới, cổ vũ sự phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm một điều rằng: thế giới đã giàu có hơn, nhưng thế giới cũng trở nên mong manh hơn trước những xu hướng khó lường về địa chính trị và công nghệ. Và trong một thế giới có nhiều bất an, bất ổn thì việc nâng cao tính tự chủ, tự cường của đất nước là vô cùng quan trọng. Và tính tự chủ, tự cường về kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của đội ngũ doanh nhân dân tộc.

Thị trường nội địa của một đất nước trên 100 triệu dân, với tầng lớp trung lưu bùng nổ, là một điểm tựa vô cùng vững chắc cho sự phát triển bằng sức mạnh nội sinh của đội ngũ doanh nhân Việt. Thời điểm hiện nay, trong bối cảnh suy giảm của thị trường thế giới, của xuất khẩu… gánh nặng tăng trưởng đang đặt lên vai người tiêu dùng nội và thị trường trong nước.

Và vì vậy, các biện pháp kích cầu tiêu dùng thông qua việc giảm thuế, tăng tín dụng tiêu dùng… là giải pháp phù hợp để cứu các ngành sản xuất của chúng ta. Tôi mong tinh thần này cần được lan tỏa và báo chí hãy đồng hành với chúng tôi.

Về việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể hồi phục và phát triển trong bối cảnh khó khăn này, tôi nghĩ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế và thủ tục hành chính để giải phóng cho doanh nghiệp vẫn là giải pháp có vai trò quan trọng hàng đầu, và trong quá trình này chỉ nên cắt giảm chứ không nên đẻ thêm ra bất cứ loại chi phí và thủ tục hành chính mới nào để gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Các sáng kiến và đề án chính sách như lập quỹ, tăng thu, nâng cao tiêu chuẩn (đặc biệt trong lĩnh vực lao động, môi trường…) dù là cần thiết, cũng nên trì hoãn lại cho đến khi cộng đồng doanh nghiệp có thể phục hồi lại và trở lại quỹ đạo phát triển bình thường.

Đó chính là cách mà chúng ta tiếp sức cho doanh nghiệp - tạo việc làm, lo sinh kế cho dân. Tiếp theo các quy định chưa thật hợp lý về phòng cháy chữa cháy, về tiêu chuẩn lao động và môi trường, những ngày qua, doanh nghiệp kêu ca nhiều về đề xuất tăng thuế với đồ uống có đường và định mức thu phí tái chế Fs cao bất hợp lý đối với các ngành sản xuất…

Trong bối cảnh sinh tử hiện nay của nhiều doanh nghiệp, báo chí hãy đồng thanh với chúng tôi để bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ nền kinh tế, chắt chiu từng cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp chúng ta.Riêng với các doanh nghiệp, doanh nhân, tôi đề nghị anh, chị, em hãy cởi mở và minh bạch với nhà báo và các cơ quan báo chí. Hãy chọn cho mình những ân nhân trong đội ngũ này.

Các cơ quan báo chí chính thống và những nhà báo có tâm và có tầm luôn là những nhà tư vấn tuyệt vời và những người bạn đồng hành chung thủy của chúng ta. Truyền thông là một sức mạnh trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời hiện đại. Để có năng lực truyền thông tốt cần có sự hợp tác đồng hành của các nhà báo và cơ quan báo chí.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-chi-va-doanh-nghiep-chung-mot-niem-tin-post252472.html