Báo chí Việt Nam trước thách thức 'chuyển đổi số'

Theo các chuyên gia, trước sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các nền tảng công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT),... và nhất là các loại hình mạng xã hội, báo chí toàn cầu hiện nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Thách thức từ chuyển đổi số

Dựa trên, những thành tựu từ việc phát triển, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã và đang tạo ra dư địa lớn cho phát triển số hóa các ngành nghề, lĩnh vực như: kinh tế số, xã hội số, chính phủ số… Tuy nhiên, cùng với xu hướng số hóa, sự phát triển nhanh, rộng rãi của hệ sinh thái truyền thông số, bên cạnh những thuận lợi, báo chí ngày nay phải đối diện với rất nhiều khó khăn thách thức trong việc cạnh tranh thông tin nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng, chiếm lĩnh thị phần hay tìm mô hình phát triển kinh tế mới…

Thực tế cho thấy, sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng, phổ biến và rộng khắp của các nền tảng số (Facebook, Google, YouTube, WhatsApp, Instagram…) cùng với khả năng bứt phá đáng kinh ngạc của công nghệ thông tin đã làm thay đổi phương thức, thói quen người dùng, người đọc, cách tiếp cận thông tin thay đổi. Với sự bùng nổ, các ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là AI, Big data, IoT... báo chí truyền thông hiện đại xuất hiện nhiều diện mạo mới, như báo chí truyền thông đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di động... Nhưng các mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông truyền thống đã từng đem lại thành công trong nhiều năm qua, bị thách thức nghiêm trọng.

Trong phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022; còn tổng nguồn thu năm 2023 của các đài phát thanh, truyền hình giảm 23% so với năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống… Trong khi đó, hiện nay hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước; chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước.

Trưởng Ban Quản lý khoa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) TS. Nguyễn Thúy Hà cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 với những đặc trưng hoàn toàn mới của nó đã tạo ra những tác động sâu sắc, toàn diện, chưa từng có đối với đời sống xã hội mà một trong những lĩnh vực thay đổi với tốc độ nhanh chóng nhất chính là báo chí truyền thông. Sự hình thành cái gọi là hệ sinh thái thông tin xã hội kỹ thuật số (Socio - digital ecosystem of information) hiện nay chính là một biểu hiện rõ nét nhất của xu hướng biến đổi này, tạo ra sự khác biệt hoàn toàn với mô hình thông tin truyền thống.

Hàng loạt ứng dụng mới liên tiếp ra đời, hoàn toàn miễn phí tạo ra một mạng lưới liên kết rộng lớn chưa từng có trong lịch sử, bất kể vị trí địa lý, ngôn ngữ. Mạng lưới kết nối này cung cấp khối lượng thông tin khổng lồ, với tốc độ lan truyền chóng mặt. Không thể phủ nhận, hiện nay, mạng xã hội là một thách thức lớn với báo chí, truyền thông chính thức. Một trong những thách thức lớn nhất đối với người làm báo chí truyền thông chính là tính cập nhật thông tin trong bối cảnh hệ sinh thái thông tin đã có rất nhiều thay đổi so với trước đây.

“Bên cạnh đó, yêu cầu đổi mới trước bối cảnh cách mạng 4.0 rõ ràng là tất yếu nhưng dù là một cơ sở đào tạo, giảng dạy hay một cơ quan báo chí hiện nay, để có thể theo kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển vũ bão, đều cần sự đầu tư lớn về kinh phí cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có. Đây là thách thức đối với hầu hết các cơ quan báo chí, đặc biệt trong việc thay đổi nhận thức và phương thức làm báo của cả đội ngũ từ quản lý đến phóng viên, biên tập viên…” TS. Nguyễn Thúy Hà nêu rõ.

Phát huy điểm mạnh của các cơ quan báo chí

Theo các chuyên gia, trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung. Để phát triển thì mỗi cơ quan báo chí cần tìm ra phân khúc riêng, thế mạnh của mình để tạo ra những mô hình hoạt động, phát triển phù hợp.

Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang nhận định, với tư cách là một ngành năng động, bám sát sự phát triển của thời cuộc, báo chí, truyền thông đang chuyển đổi mình, tích hợp công nghệ số, thay đổi toàn diện từ nội dung đến cách thức thực hiện nhằm góp phần thay đổi thói quen và đáp ứng nhu cầu của công chúng mục tiêu.

“Từ thực tiễn sinh động trên thế giới, cơ quan báo chí, truyền thông nào hiểu đúng bản chất thời cuộc, sớm có những định hướng bài bản và giữ được bản sắc của mình trong quá trình chuyển đổi số thì sẽ có cơ hội đi trước đón đầu, tăng sự phủ sóng trong thị trường và chiếm được lượng công chúng của mình trong tương lai.”, PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang nhấn mạnh.

Nhìn từ góc độ đào tạo, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) PGS.TS. Hà Huy Phượng cho rằng, để có được một đội ngũ nhà báo, người làm truyền thông chuyên nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay thì phải bắt đầu từ tuyển chọn, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí - truyền thông.

Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) PGS. TS. Hà Huy Phượng

Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) PGS. TS. Hà Huy Phượng

Để phát huy tính đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thời cuộc và khẳng định được vị thế của mình, TS. Nguyễn Thúy Hà cho rằng, muốn khẳng định được ưu thế, báo chí truyền thông chính thống phải thể hiện được tính cập nhật và dần dần phải thay đổi quan niệm và cách thức làm tin so với trước đây. Bên cạnh đó, báo chí không được chạy theo mạng xã hội mà phải vượt lên ở độ chính xác và phải trả lời, giải thích, làm rõ những vấn đề mạng xã hội đưa ra. Trách nhiệm của báo chí là xác lập độ tin cậy của thông tin. Điều đó đòi hỏi đội ngũ người làm báo phải chuẩn mực, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội. Nếu không có sự thay đổi thể theo kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nơi đề cao sự kết nối, báo chí chính thống sẽ ngày càng bị lấn át các làn sóng mới trên môi trường không gian mạng trong cuộc cách mạng này.

Đức Hiệp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khoa-hoc-moi-truong/bao-chi-viet-nam-truoc-thach-thuc-chuyen-doi-so-i375764/