Báo Công Thương mở chuyên mục 'Tiết kiệm điện - Mệnh lệnh cuộc sống'
Chuyên mục 'Tiết kiệm điện - Mệnh lệnh cuộc sống' của Báo Công Thương sẽ cập nhật nhanh, đầy đủ thông tin về chương trình tiết kiệm điện.
Nhằm thiết thực thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc nhanh chóng triển khai Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, Báo Công Thương mở chuyên mục "Tiết kiệm điện - Mệnh lệnh cuộc sống".
Chuyên mục nhằm tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về sử dụng năng lượng, điện năng tiết kiệm, hiệu quả; Các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương; chương trình kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương về tiết kiêm điện; Phản ánh, nêu bật những kết quả nổi bật, mô hình hay, kinh nghiệm quý báu, sáng kiến, đề xuất, góp ý của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về tiết kiệm điện; giải pháp công nghệ mới, sản phẩm tiết kiệm điện…Đồng thời phê phán những hiện tượng lãng phí, chưa thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả.
Báo Công Thương mong muốn nhận được sự cộng tác của các chuyên gia, cộng tác viên, bạn đọc, người dân cả nước tham gia viết tin bài; trao đổi, đóng góp ý kiến về lĩnh vực này qua hòm thư: baodientubct@gmail.com. Những bài viết được duyệt đăng sẽ nhận thù lao nhuận bút theo quy định.
Các bài viết, ý kiến có chất lượng tốt sẽ được tòa soạn gửi tham gia Giải thưởng Báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023 do Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam tổ chức.
Trong nhiều năm qua, việc cung ứng điện cho nền kinh tế luôn được đảm bảo, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội. Tuy nhiên, xét bối cảnh nguồn cung ứng điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo sẽ gặp nhiều thách thức do: (i) tình trạng thủy văn đảm bảo mức phát điện của các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông diễn biến theo chiều hướng bất lợi bởi biến đổi khí hậu; (ii) sự phụ thuộc ngày càng sâu rộng vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu; (iii) nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn còn hạn chế; (iv) nhiệt điện gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư, trong khi đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, bình quân khoảng 8,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được xem là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Ngày 8/6/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó đặt mục tiêu phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.
Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc, quyết liệt thực hiện triển khai việc tiết kiệm điện. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể - xã hội thực hiện một số giải pháp như: Thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở; Thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; Thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình; Thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ; Thực hiện tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất; Triển khai chương trình khuyến khích điện mặt trời.
Trên thực tế, với vai trò là cơ quan quản lý ngành, nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai nhiều chương trình, kế hoạch tiết kiệm điện nói riêng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả nói chung và đã đạt được kết quả nhất định.
Ngày 22/5 mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức phát phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc. Và đã nhận được sự hưởng ứng vào cuộc tích cực của các Bộ/ngành, địa phương.
Với ý thức trách nhiệm cao, tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt cùng các giải pháp, biện pháp cụ thể, tin rằng chương trình tiết kiệm điện sẽ tiếp tục lan tỏa, góp phần đạt được và vượt mục tiêu đề ra; đồng thời giúp giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, tiết kiệm tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và các cam kết quốc tế về môi trường, hướng tới một tương lai xanh và phát triển bền vững.
- Thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2013 và Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Bộ Công Thương đặt mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025, phấn đấu hằng năm, toàn quốc tiết kiệm tối thiểu từ 2,0% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia; Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; Giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa cạn năm 2023. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung Bộ được dự báo thấp hơn từ 15-35%, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15-40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn sẽ diễn ra nghiêm trọng.