Bảo đảm an toàn đê điều ngay từ cơ sở
Dù đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp nhưng trên các tuyến đê của thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều vị trí trọng điểm, xung yếu tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân.
Trước thực tế này, thành phố Hà Nội luôn chú trọng tới công tác tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng hộ đê cho lực lượng phòng, chống thiên tai ở cơ sở để bảo đảm an toàn các tuyến đê.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có gần 627km đê được phân cấp; trong đó có gần 38km đê cấp đặc biệt, gần 250km đê cấp I, hơn 45km đê cấp II, hơn 72km đê cấp III, 160km đê cấp IV, 62km đê cấp V. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 43 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng, với tổng chiều dài hơn 144km. Dọc các tuyến đê có 177 kè lát mái hộ bờ, với tổng chiều dài gần 220km, 206 cống qua đê, 240 cửa khẩu qua đê...
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, những năm qua, thành phố Hà Nội và Bộ NN&PTNT đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, kinh phí tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều. Vì vậy, các tuyến đê lớn đi qua địa phận thành phố Hà Nội cơ bản bảo đảm cao trình chống lũ theo thiết kế. Tuy nhiên, do nhiều năm nay các tuyến sông lớn của thành phố Hà Nội chưa xảy ra lũ, một số tuyến đê chưa trải qua thử thách chống lũ nên hệ thống đê tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn...
Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa lũ năm 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội xác định, trên các tuyến đê thành phố còn 5 vị trí trọng điểm cấp thành phố, gồm: Khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu nằm trên tuyến đê tả Đuống (huyện Đông Anh); công trình cống Liên Mạc nằm trên tuyến đê hữu Hồng (quận Bắc Từ Liêm); khu vực đê, kè, cống thuộc xã Tân Hưng - Bắc Phú, đê hữu sông Cầu (huyện Sóc Sơn); cống Cẩm Đình nằm trên đê Vân Cốc (huyện Phúc Thọ); kè Liên Trì nằm trên đê hữu Hồng (huyện Đan Phượng). Bên cạnh đó, các tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng, tả Hồng, hữu Đuống, tả Đuống còn 16 vị trí trọng điểm xung yếu cấp huyện thuộc địa phận các quận, huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm.
Cụ thể, trên các tuyến đê của thành phố Hà Nội còn 146 vị trí trên 31,6km đê có khả năng xuất hiện mạch đùn, mạch sủi; 201 vị trí trên 38,4km đê có khả năng xuất hiện hiện tượng thẩm lậu, rò rỉ, sạt trượt; 63,6km đê còn ao, đầm nằm sát chân đê chưa được lấp; 34 khu vực trên 196,6km đê có khả năng xuất hiện tổ mối; 29,8km đê nằm sát sông, cần theo dõi diễn biến sạt lở... Đặc biệt, trên các tuyến đê có 37 cống nằm dưới đê đang bị xuống cấp...
Nâng cao kỹ năng hộ đê
Để bảo đảm an toàn các tuyến đê, thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải coi bảo vệ hệ thống đê điều là nhiệm vụ thường xuyên; thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND thành phố về triển khai Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...
Thực hiện chỉ đạo trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng và phê duyệt các phương án bảo vệ đê điều; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý sự cố ngay từ giờ đầu, theo phương châm "4 tại chỗ"; giao Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho người dân, chính quyền cấp cơ sở kỹ năng phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều...
Triển khai nhiệm vụ được giao, từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã phối hợp với các huyện, thị xã: Ứng Hòa, Mê Linh, Đông Anh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng, Thường Tín, Sơn Tây, Phúc Thọ... diễn tập thực hành xử lý một số tình huống trong công tác phòng, chống thiên tai.
Đơn cử, tại buổi diễn tập phòng, chống thiên tai tại xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa) diễn ra vào ngày 20-9 vừa qua, Ban Tổ chức đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích. Với tình huống giả định, do ảnh hưởng của bão, Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc xảy ra mưa lớn nhiều ngày kết hợp việc mở 8 cửa xả đáy của hồ thủy điện Hòa Bình, mực nước sông Đáy dâng cao vượt báo động lũ cấp III. Đê tả Đáy, đoạn xã Đồng Tiến xuất hiện hiện tượng mạch đùn, mạch sủi, nứt dọc mặt đê, thẩm lậu mái đê phía đồng.
Trước tình huống này, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Đồng Tiến họp khẩn, yêu cầu các hộ gia đình trên địa bàn chủ động triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, huy động 113 người thuộc lực lượng xung kích tuần tra, canh gác, phát hiện sự cố đê điều; xử lý các sự cố: Nứt dọc mặt đê, tôn cao mặt đê đề phòng lũ tràn qua đê; xử lý mạch đùn, mạch sủi qua thân đê, thẩm lậu mái đê... Trong thời gian ngắn, lực lượng tham gia đã hoàn thành nội dung diễn tập nêu trên.
Đánh giá về buổi diễn tập, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định khẳng định, Ban Tổ chức diễn tập đã đưa ra tình huống thiên tai sát thực tế. Thành công lớn nhất của buổi diễn tập là nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và nhân dân về công tác phòng, chống lũ lụt; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành các hoạt động khẩn cấp bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bao-dam-an-toan-de-dieu-ngay-tu-co-so-649409.html