Bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa bão: Tập trung khắc phục, bảo vệ các điểm xung yếu

Dự báo, thời tiết năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra giông lốc, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, đe dọa sự an toàn của các tuyến đê và nhiều hồ đập cao. Để bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã rà soát, xác định rõ những điểm xung yếu, từ đó chủ động phương án bảo vệ.

Nhiều điểm xung yếu

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết những năm gần đây diễn biến rất phức tạp, khó lường. Mưa giông, lốc xoáy, ngập úng không chỉ xảy ra ở vùng núi cao mà cả đồng bằng và đô thị, gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đời sống nhân dân và phát triển KT-XH tại các địa phương. Thống kê của cơ quan chức năng, thiên tai năm 2023 khiến tỉnh Bắc Giang thiệt hại khoảng 27 tỷ đồng, 2 người chết và 1 người bị thương.

 Cống Yên Ninh, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) vừa được cải tạo, bảo đảm yêu cầu tiêu thoát nước.

Cống Yên Ninh, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) vừa được cải tạo, bảo đảm yêu cầu tiêu thoát nước.

Đầu mùa mưa bão năm nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã phải hứng chịu các trận mưa lớn kèm theo giông lốc, gió giật mạnh gây sạt lở đất, ngập úng cục bộ. Có thể kể đến như vụ sạt lở đoạn bờ sông Thương qua tổ dân phố Dinh Tiến, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) làm hàng chục m3 đất, hoa màu, hàng tre chắn sóng của bà con bị trôi xuống sông. Đáng lo ngại, khu vực sạt lở có vị trí sát với trục đường giao thông độc đạo mà hằng ngày người dân qua lại.

Tại đây còn xuất hiện một số vết nứt ăn sâu vào bờ sông cho thấy nguy cơ sạt trượt có thể tiếp diễn. Trước đó, tại xã Vân Hà (thị xã Việt Yên), gần chục gia đình có hộ khẩu thường trú tại thôn Nguyệt Đức đã mất nơi ở, trắng tay sau một đêm do nhà cửa xây trên đê bờ hữu sông Cầu phía Bắc Ninh bị đổ sập xuống sông Cầu hoặc sụt lún nghiêm trọng.

Toàn tỉnh có 19 điểm xung yếu (gồm 7 tuyến đê, còn lại là kè, cống, hồ, đập) tập trung ở 10 huyện, thị xã, TP cần chủ động các phương án bảo vệ trong mùa mưa lũ. Trong đó, địa phương có nhiều khu vực xung yếu nhất là huyện Hiệp Hòa (4 điểm).

Bắc Giang có nhiều sông, hồ, đập, các tuyến đê kéo dài được xây dựng từ nhiều năm trước; một số điểm đến nay xuống cấp. Trước mùa mưa bão năm nay, Bộ CHQS tỉnh đã khảo sát chỉ ra 19 điểm xung yếu cảnh báo các cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm, bảo vệ. Bao gồm 7 tuyến đê, còn lại là kè, cống, hồ đập tập trung ở 10 huyện, thị xã, TP của tỉnh. Trong đó, địa phương có nhiều khu vực xung yếu nhất là huyện Hiệp Hòa (4 điểm).

Hiện tại địa bàn đang có 1 điểm xung yếu trên tuyến đê tả Cầu từ K33+400 đến K33+780 thuộc địa bàn thôn Xuân Thành, xã Châu Minh đang bị sạt trượt mái đê, bờ sông. Liên quan đến đoạn đê xung yếu này, theo lãnh đạo Hạt Quản lý đê huyện Hiệp Hòa, khu vực này đã từng xảy ra sự cố vỡ đê vào năm 1934; năm 2019 và 2023, tại đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt trượt mái đê. Nguyên nhân do nền địa chất yếu, đoạn sông có mặt thoáng rộng, thế sông cong, dòng chủ lưu áp sát vào bãi nên rất dễ gây sạt trượt mái đê, bờ sông.

Cuối năm 2023, trên đê hữu Thương đoạn từ K43+100 đến K43+400, đoạn qua xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) và một phần xã Tân Liễu (Yên Dũng) cũng xảy ra sự cố lún, nứt mặt đê. Đây là đoạn xung yếu, trước đó từng xuất hiện lún, nứt, đùn sủi ở nhiều vị trí khác nhau. Được biết, điểm xung yếu này vừa được khắc phục với tổng kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng.

Không chủ quan trước thiên tai

Để bảo đảm an toàn các tuyến đê trong mùa mưa bão, mới đây, UBND tỉnh phê duyệt các phương án hộ đê cấp II, III trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, các địa phương đang tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức triển khai thực hiện phương án đã được tỉnh phê duyệt. Tại huyện Lục Nam, theo đồng chí Hoàng Văn Toán, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện, để giữ vững tuyến đê hữu Lục Nam (từ K0+000 đến K15+450- đê Thống Nhất), huyện đã nghiên cứu, xây dựng 8 kịch bản kỹ thuật hộ đê, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ huy, sẵn sàng huy động nhân lực, vật tư, thiết bị ứng phó.

Tại TP Bắc Giang, trong phương án hộ đê tuyến tả và hữu Thương, TP cũng đặt ra nhiều tình huống để tính toán số lượng nhân lực, vật tư kỹ thuật, máy móc cần huy động, bảo đảm không bị động trước mọi tình huống.

Xác định rõ tầm quan trọng của hệ thống tiêu thoát nước trong tình huống mưa lũ dâng cao, TP còn chủ động xây dựng phương án xử lý sự cố kẹt cánh cống Đa Mai tại K36+700, thuộc đê hữu Thương. Cống được xây dựng khoảng năm 1930, phục vụ việc tiêu thoát nước cho hơn 1.500 ha diện tích lưu vực, bao gồm một phần TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa và huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Căn cứ hiện trạng công trình, các sự cố đã xảy ra và phân tích những yếu tố bất lợi khác, TP xây dựng phương án kỹ thuật xử lý sự cố kênh kẹt cánh cống, bảo đảm chức năng tiêu thoát lũ và sự an toàn cho các tuyến đê trên địa bàn quản lý.

Tại huyện Hiệp Hòa, từ năm 2023 đến nay, bằng nguồn kinh phí các cấp và nhân dân ủng hộ, huyện đã tập trung cải tạo, nâng cấp, mở rộng mặt bằng các tuyến đê đi qua các thôn: Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm; Đồng Đạo, Hương Ninh, xã Hợp Thịnh. Cải tạo cống Yên Ninh, xã Đông Lỗ. Đặc biệt là phối hợp với Chi cục Thủy lợi khắc phục xong tình trạng sạt trượt đê và kè Đại Mão, xã Đại Thành. Đồng chí Nguyễn Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa thông tin, ngày 27/6 tới, huyện tổ chức diễn tập phòng, chống lụt bão, TKCN tại hai xã Xuân Cẩm và Mai Trung. Qua đó, kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện các phương án phòng, chống lụt bão, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.

Với phương châm “4 tại chỗ”, phòng, ngừa thiên tai từ sớm, từ xa, các huyện, thị xã, TP tổ chức kiểm kê, bảo đảm vật tư phòng, chống lũ lụt và TKCN (phao cứu sinh, bè cứu sinh, nhà bạt, bạt chống sóng…); củng cố, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp. Theo đồng chí Khổng Văn Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, các huyện, thị xã, TP theo dõi sát các bản tin dự báo thời tiết, không để bị động trước mọi tình huống.

Tăng cường bố trí lực lượng ứng trực, thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các sự cố để xử lý hiệu quả ngay từ giờ đầu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, lũ, úng, ngập gây ra. Cùng đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về xử phạt xe quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đê và các lỗi vi phạm khác gây ảnh hưởng các tuyến đê như: Xây dựng công trình nhà ở, nhà kho, tập kết vật liệu lấn chiếm đê, hành lang thoát lũ; các hành vi khai thác cát, sỏi trái phép dưới lòng sông... Đẩy nhanh tiến độ duy tu, sửa chữa, cải tạo công trình đê điều đạt chuẩn theo quy định.

Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bao-dam-an-toan-de-dieu-trong-mua-mua-bao-tap-trung-khac-phuc-bao-ve-cac-diem-xung-yeu-075237.bbg