Bảo đảm an toàn thông tin cho báo chí, truyền thông

Sáng 23-10, Hiệp hội An toàn thông tin phối hợp với Cục An toàn thông tin tổ chức hội thảo 'Bảo đảm an toàn thông tin cho công tác báo chí, truyền thông'.

Lãnh đạo Cục An toàn thông tin chia sẻ nhận thức về an toàn thông tin. Ảnh: Thảo Anh

Lãnh đạo Cục An toàn thông tin chia sẻ nhận thức về an toàn thông tin. Ảnh: Thảo Anh

Đa số các cơ quan báo chí đều hoạt động trên môi trường mạng, thực hiện loại hình điện tử; nhiều cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, trong đó có những cơ quan thông tin chủ lực của quốc gia…

Đây có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng; đối tượng bị tấn công có thể là hệ thống thông tin, có thể là người dùng cuối trong hệ thống như cán bộ, biên tập viên, phóng viên.

Trong khi đó, cơ quan báo chí đồng thời phải thực hiện 2 trách nhiệm: Tự bảo vệ cơ quan không bị tấn công mạng, các rủi ro an toàn thông tin mạng; truyền thông, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về an toàn thông tin mạng, góp phần xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh, rộng khắp.

Các chuyên gia chia sẻ về nhận thức an toàn thông tin cho cơ quan báo chí. Ảnh: Thảo Anh

Các chuyên gia chia sẻ về nhận thức an toàn thông tin cho cơ quan báo chí. Ảnh: Thảo Anh

Trên thực tế, các cơ quan báo chí, truyền thông ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ để sản xuất, lưu trữ và phân phối nội dung.

Một điểm yếu là các cơ quan báo chí dựa vào các thiết bị truyền thông được kết nối có ngưỡng bảo mật thấp. Sự chuyển đổi sang các nền tảng kỹ thuật số đồng thời mang lại tính linh hoạt và khả năng mở rộng nâng cao, cũng khiến ngành này phải đối mặt với nhiều mối đe dọa mạng hơn…

Một khía cạnh quan trọng khác cần xem xét là lượng dữ liệu khổng lồ mà các cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang xử lý. Ngoài nội dung, các cơ quan báo chí, truyền thông còn thu thập và lưu trữ rất nhiều dữ liệu người dùng, từ sở thích xem đến thông tin cá nhân và thanh toán.

Dữ liệu này, nếu không được bảo vệ đầy đủ, có thể là mỏ vàng, dẫn đến những vi phạm có thể gây hậu quả nghiêm trọng về tài chính và danh tiếng.

Đại diện Báo Vietnamnet thông tin về việc bảo đảm cho hệ thống thông tin của tòa soạn. Ảnh: Thảo Anh

Đại diện Báo Vietnamnet thông tin về việc bảo đảm cho hệ thống thông tin của tòa soạn. Ảnh: Thảo Anh

Chia sẻ về kinh nghiệm và các biện pháp phòng ngừa, ứng cứu, đại diện Báo Vietnamnet cho hay, cơ quan báo chí cần có cơ chế kiểm soát, xác thực, giám sát người dùng, người vận hành, người quản trị các hệ thống thông tin; giám sát, kiểm tra thiết bị đầu cuối để bảo đảm an toàn thông tin tác nghiệp; sao lưu dữ liệu dự phòng đầy đủ và tuân thủ các quy định; nâng cao ý thức người dùng trong cơ quan về an toàn thông tin.

Xác định rõ các kịch bản khi có sự cố về an toàn thông tin; xác định dùng nội lực, trang bị đủ máy móc, nguồn lực, chuyên môn về kiến thức an ninh mạng; phối kết hợp, ứng cứu từ các đơn vị quản lý nhà nước về an toàn thông tin, doanh nghiệp có đủ năng lực để có các biện pháp phù hợp.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bao-dam-an-toan-thong-tin-cho-bao-chi-truyen-thong-682252.html