Bảo đảm an toàn trong lao động, sản xuất

Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ,TB-XH) vào tháng 10-2022 cho thấy, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn diễn biến phức tạp, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho xã hội. Chính vì thế, cùng với đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm 2023, vấn đề bảo đảm an toàn trong lao động, sản xuất phải luôn được quan tâm, đề cao, nhất là trong những ngày đầu năm mới.

Thông báo số 3969/TB-LĐTBXH ngày 5-10-2022 của Bộ LĐ,TB-XH cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 3.908 vụ TNLĐ, làm 4.001 người bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 366 vụ, làm 380 người chết; 807 người bị thương nặng. Nguyên nhân để xảy ra TNLĐ chết người do người sử dụng lao động chiếm 37,85% tổng số vụ TNLĐ và 38,56% tổng số người chết; do người lao động chiếm 27,73% tổng số vụ TNLĐ và 27,66% tổng số người chết. Xây dựng là lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất, chiếm 14,73% tổng số vụ TNLĐ và 15,26% tổng số người chết. Tiếp theo là các lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; dịch vụ... Chỉ riêng trong khu vực có quan hệ lao động, thiệt hại về vật chất do TNLĐ là hơn 2.465 tỷ đồng (chưa bao gồm gần 48,6 nghìn ngày nghỉ do TNLĐ).

 Công nhân thi công nhà cao tầng thiếu trang bị bảo hộ tại một công trình trên địa bàn TP Hà Nội.

Công nhân thi công nhà cao tầng thiếu trang bị bảo hộ tại một công trình trên địa bàn TP Hà Nội.

Một số địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 ở cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không theo hợp đồng lao động là: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Dương, An Giang... Một trong những vụ TNLĐ nghiêm trọng trong năm 2022 là vụ việc xảy ra chiều 15-9, tại công trình Nhà máy Savvy Seafood thuộc dự án xây dựng giai đoạn 2, Khu công nghiệp Nhơn Hòa (Bình Định) làm 5 người chết, 6 người bị thương. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều bất cập, thiếu sót trong thi công công trình nhà xưởng chế biến hải sản của Công ty Savvy Seafood; công trình xây dựng chưa đúng thiết kế, các dầm chưa có sự liên kết chắc chắn nhưng đã cho xây dựng tường lên cao...

Thực tế cho thấy, hầu hết TNLĐ xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động, vi phạm kỷ luật lao động, không nắm được quyền lợi, nghĩa vụ của mình để yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện quy định bảo đảm an toàn trong lao động; không bảo đảm sức khỏe, thể trạng, tâm lý vẫn cố làm việc dẫn đến TNLĐ. Trong khi đó, người sử dụng lao động lơ là, thiếu trách nhiệm, không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiếu trang thiết bị bảo hộ, thiết bị sản xuất an toàn cho người lao động; thiếu kiểm tra, giám sát, nhắc nhở việc chấp hành các nội quy, quy định an toàn trong quá trình làm việc; không chú trọng công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Một thực tế nữa là nhiều vụ TNLĐ không được báo cáo. Lý do là chủ cơ sở sản xuất, xây dựng sợ ảnh hưởng đến uy tín, bị buộc phải tạm dừng sản xuất, thi công nên hai bên (người sử dụng lao động và người bị TNLĐ hoặc người nhà) thường thương lượng, đền bù để “khép lại câu chuyện”. Điều này đã góp phần dẫn đến tình trạng nhờn luật trong thực hiện các quy định về an toàn lao động; ảnh hưởng đến công tác điều tra, lập báo cáo, kế hoạch giảm thiểu TNLĐ của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ,TB-XH), quá trình thực thi Luật An toàn vệ sinh lao động vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, như: Các quy chuẩn chuyên ngành chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu cập nhật; có quá nhiều thông tư, quy định của các bộ gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, áp dụng luật... Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi còn thiếu sâu sát, chưa kịp thời phát hiện các vi phạm, nguy cơ gây mất an toàn.

Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, làm tốt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, xét đến cùng, để giảm thiểu TNLĐ thì ý thức của người lao động và người sử dụng lao động vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp công trình 478 (Hà Nội) chia sẻ: “Đặc thù nghề xây lắp là thường phải thi công, làm việc trong điều kiện vất vả, ở trên cao nên rất dễ xảy ra mất an toàn lao động. Trong khi đó, công nhân nhiều người là lao động thời vụ, ý thức chấp hành quy định bảo đảm an toàn chưa cao nên chúng tôi phải thường xuyên đôn đốc, giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình thi công. Những ngày đầu năm mới, để bảo đảm an toàn, chúng tôi nhắc nhở người lao động không sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc; kiên quyết không làm việc nếu không bảo đảm các yếu tố an toàn”.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-dam-an-toan-trong-lao-dong-san-xuat-717459