Bảo đảm công tác quy hoạch minh bạch, khả thi, thuận lợi

Nhất trí với nhiều nội dung được giải trình, tiếp thu của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách cũng đề nghị, cần tiếp tục rà soát các quy định cụ thể nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập; bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.

Còn có sự chồng chéo trong hệ thống các quy hoạch

Điều 3 dự thảo Luật quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó, điểm mới là quy định các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn khác là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Theo khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật, các loại quy hoạch đô thị và nông thôn gồm: quy hoạch đô thị đối với thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thị trấn và đô thị mới; quy hoạch nông thôn đối với huyện và xã; quy hoạch khu chức năng đối với khu chức năng; quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc Trung ương; quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương. Các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Quy hoạch chung được lập cho thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị mới, huyện, xã và khu chức năng là khu kinh tế, khu du lịch được công nhận hoặc định hướng là khu du lịch quốc gia.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) nhận thấy, hệ thống các quy hoạch được thiết kế trong dự thảo Luật dù đã được sàng lọc nhưng vẫn còn có sự chồng chéo trong chính hệ thống các quy hoạch được quy định trong dự thảo Luật; cũng như giữa dự thảo Luật với Luật Quy hoạch năm 2017. Cụ thể là, dự thảo Luật quy định các bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch chung của huyện được lập theo tỷ lệ từ 1/25.000 đến 1/5.000. Cũng theo dự thảo Luật, các bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch chung của xã được lập theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000. “Có nghĩa là, phạm vi của quy hoạch huyện đã phủ trọn vào quy hoạch xã và quy hoạch xã thì cũng chỉ chi tiết đến mức như quy hoạch huyện, như vậy thì không có gì khác hơn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét.

Dự thảo Luật còn quy định, quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng đều có trong huyện, trong xã và các bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch chi tiết các khu vực xây dựng trong huyện, trong xã được lập theo tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2.000. Vậy có cần thiết lập riêng quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng trong huyện, trong xã hay không, hay chỉ cần quy hoạch chi tiết khu vực trong huyện là đủ?

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần tiếp tục rà soát nhằm tránh sự chồng chéo trong hệ thống các loại quy hoạch.

Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, bên cạnh quy hoạch tỉnh được lập theo quy định của Luật Quy hoạch thì còn có quy hoạch chung của thành phố trực thuộc Trung ương được lập theo quy định của dự thảo Luật này. Như vậy, cùng trên phạm vi của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 2 quy hoạch và hai nội dung này gần như có sự trùng lặp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho biết, Luật số 35/2018/QH14 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch quy định rất rõ: quy hoạch chung được lập cho thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và khu đô thị mới, trong đó quy định rằng quy hoạch chung của thành phố trực Trung ương là cụ thể hóa của quy hoạch tỉnh.

"Vậy thì cái cụ thể hóa của tỉnh phải được ghi cụ thể trong dự thảo Luật này, còn nếu không ghi quy hoạch chung của tỉnh, thành phố trung ương cụ thể hóa cái gì của quy hoạch tỉnh thì hai quy hoạch này sẽ chạy song song với nhau và sẽ không có tính chất kế thừa". Nêu quan điểm này, đại biểu cũng đề nghị cần phải bổ sung vào Điều 35 căn cứ lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương.

Công khai, thực chất trong lấy ý kiến về quy hoạch

Khoản 1 Điều 36 dự thảo Luật quy định, cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, chuyên gia và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn trong quá trình lập quy hoạch.

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho rằng, việc lấy ý kiến dân cư là quan trọng và cần thiết để bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, "nếu chỉ quy định chung về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan như một thủ tục phải làm trong quy hoạch thì việc lấy ý kiến dễ trở nên hình thức và không đúng với tinh thần đóng góp ý kiến". Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định để việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan mang ý nghĩa như một kênh thông tin, cần phải xem xét trong hoạt động quy hoạch và phải có cơ chế phản hồi về việc tiếp thu hoặc không tiếp thu của cơ quan quy hoạch đối với các ý kiến góp ý của dân cư.

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về thời điểm lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy nêu vấn đề, theo dự thảo Luật, quy trình quy hoạch có 5 giai đoạn gồm: lập nhiệm vụ quy hoạch; thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; lựa chọn tổ chức tư vấn quy hoạch đô thị và nông thôn; lập quy hoạch đô thị và nông thôn; thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn.

Dự thảo Luật quy định việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan về quy hoạch đô thị và nông thôn được thực hiện trước khi thẩm định quy hoạch đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc lấy ý kiến được thực hiện trước khi thực hiện giai đoạn cuối cùng của quy trình quy hoạch là khá muộn, dẫn tới việc lấy ý kiến có thể không hiệu quả, không đạt được yêu cầu hoặc bị “hình thức hóa” vì có thể xảy ra tình trạng có nhiều ý kiến không đồng ý với dự thảo quy hoạch đang chờ thẩm định và phê duyệt. “Điều này sẽ là một trở ngại trong tiến trình quy hoạch”. Nêu vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị, cần quy định lại quy trình lấy ý kiến dân cư có liên quan, thời điểm lấy ý kiến dân cư có liên quan về quy hoạch sao cho việc lấy ý kiến có ý nghĩa thực chất, tránh để người dân cho rằng việc lấy ý kiến là hình thức.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, việc lấy ý kiến công khai về nhiệm vụ quy hoạch là rất quan trọng. Việc lập quy hoạch không chỉ là công cụ quản lý nhà nước mà còn là công cụ để thu hút đầu tư, và cũng là công cụ để cho người dân biết để tự tuân thủ thực hiện. Vì thế, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, nếu không công khai đầy đủ thông tin về quy hoạch thì người dân không biết và quy hoạch được lập lên cũng không có ý nghĩa gì. Do vậy, quy định về các điều cấm ở Điều 14 dự thảo Luật cần bổ sung quy định cấm hành vi “không công bố đầy đủ thông tin quy hoạch”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, nên quy định việc công bố công khai, niêm yết thông tin quy hoạch ít nhất là 15 ngày và cần quy định rất rõ là thông tin quy hoạch phải được công công bố thông tin liên tục trên cổng thông tin để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bao-dam-cong-tac-quy-hoach-minh-bach-kha-thi-thuan-loi-i386024/