Bảo đảm cung ứng điện cho tăng trưởng: Từ giải pháp điều hành đến kỷ luật thực thi chính sách

Để đảm bảo cung ứng điện năm 2025 và những năm tiếp theo, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như doanh nghiệp và các bên liên quan đã chủ động chuẩn bị các phương án, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Năng lượng điện có vai trò đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà cho tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026-2031

Năng lượng điện có vai trò đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà cho tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026-2031

Năm 2025 được coi là năm "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu tăng trưởng cả nhiệm kỳ 2020-2025, chuẩn bị cho đất nước tâm thế sẵn sàng, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong năm bản lề có ý nghĩa vô cùng quan trọng này, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu vượt trội để tăng tốc, bứt phá và phát triển đã được Chính phủ đề xuất và được Trung ương thống nhất, trong đó có mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà để tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026-2031.

Để đạt mục tiêu trên, năng lượng điện có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là sản phẩm hàng hóa đặc thù, "đầu vào của mọi đầu vào" của nền kinh tế, góp phần bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh, quốc phòng của đất nước.

Trong bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo đảm cân đối năng lượng; yêu cầu khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc của ngành điện và nhấn mạnh quan điểm, mệnh lệnh dứt khoát là phải bảo đảm "Đáp ứng đủ nhu cầu về điện năng trong mọi tình huống"; có lộ trình tính đúng, tính đủ để có giá điện bán ra phù hợp trong nền kinh tế thị trường…

Chủ động triển khai nhiều giải pháp

Chia sẻ tại Tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng - Yêu cầu và giải pháp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 7/5/2025, ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 1/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Trong đó đã đề ra những nhóm nhiệm vụ và giải pháp hết sức quyết liệt để triển khai thực hiện.

Một trong những nhóm nội dung quan trọng, trước hết là đảm bảo trong ngắn và trung hạn phải hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư phát triển điện lực.

Bộ Công Thương, với trách nhiệm và tinh thần quyết liệt, trong thời gian rất ngắn đầu năm 2025 đã tham mưu cho Chính phủ ban hành những nghị định liên quan. Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và ban hành một loạt thông tư hướng dẫn thi hành Luật Điện lực năm 2024.

“Đến nay cơ bản những văn bản quy phạm pháp luật đó đã hoàn thiện và những cơ chế chính sách để phát triển điện lực cơ bản cũng đã tháo gỡ được những vướng mắc thời gian vừa qua, để thúc đẩy việc đầu tư phát triển điện lực, đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới”, ông Dương cho hay.

Ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, để đảm bảo cung ứng điện cho năm 2025, ngay từ cuối năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2025, đồng thời chỉ đạo ập trung triển khai 6 nhóm giải pháp chính

Ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, để đảm bảo cung ứng điện cho năm 2025, ngay từ cuối năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2025, đồng thời chỉ đạo ập trung triển khai 6 nhóm giải pháp chính

Đồng thời, để đảm bảo cung ứng điện cho năm 2025, ngay từ cuối năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2025. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm nay, nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng trên 12% theo kịch bản Bộ Công Thương đặt ra để điều hành.

Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành điện tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất, các nhà máy điện, các đơn vị truyền tải, phân phối phải đảm bảo kế hoạch duy tu, bảo dưỡng để các tổ máy phát điện, thiết bị điện trong hệ thống sẵn sàng cao nhất, đáp ứng nhu cầu điện trong năm.

Thứ hai, về cung ứng nhiên liệu cho phát điện, các nhà máy điện và các đơn vị cung ứng nhiên liệu chủ chốt cho phát điện như than, dầu, khí… phải lên kế hoạch và đảm bảo lượng lưu trữ, tồn trữ trong nhà máy cũng như trong kho chứa đủ cho cung ứng điện trong những giai đoạn cao điểm.

Thứ ba, thúc đẩy và đôn đốc quyết liệt việc hoàn thành một số công trình điện quan trọng theo kế hoạch sẽ vận hành trong năm nay, bao gồm một số dự án nguồn điện như hai tổ máy của Thủy điện Hòa Bình mở rộng, hai tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 và một số dự án nguồn điện khác.

Song song với đó, một số dự án lưới điện quan trọng cũng đặt mục tiêu phải đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành, như dự án lưới điện 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, góp phần giải tỏa công suất thủy điện ở khu vực phía Bắc để đưa về trung tâm phụ tải khu vực Hà Nội. Theo kế hoạch, EVN đang hết sức quyết liệt triển khai dự án để đưa vào vận hành trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tới đây.

Thứ tư, Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) phải chuẩn bị sẵn những kịch bản, xây dựng và cập nhật những tình huống, tình hình liên quan đến thay đổi về phụ tải hoặc thay đổi về điều kiện thủy văn, thời tiết,… để chuẩn bị sẵn những kịch bản điều hành và huy động hợp lý những nguồn điện khác nhau đáp ứng nhu cầu điện trong những thời điểm từ cao điểm đến thấp điểm.

Tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng - Yêu cầu và giải pháp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 7/5/2025

Tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng - Yêu cầu và giải pháp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 7/5/2025

Thứ năm, tăng cường tiết kiệm điện. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, và để thực hiện giải pháp này đã có một loạt quy định, chế tài, yêu cầu đối với việc tăng cường tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh, trong tiêu dùng và đặc biệt là những thời gian cao điểm.

Thứ sáu, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo toàn bộ các đơn vị, cơ quan, tổ chức tham gia trong các khâu từ phát điện, điều độ hệ thống, đến truyền tải, phân phối phải sẵn sàng cao nhất, chuẩn bị ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

“Chúng ta cũng thấy là trong 4 tháng đầu năm, việc cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân đã cơ bản được đảm bảo. Đặc biệt là những ngày lễ lớn vừa qua, việc cung ứng điện hết sức an toàn và được đảm bảo. Theo nhận định của Bộ Công Thương, với những giải pháp và đến thời điểm hiện nay, chúng tôi nhận định việc cung ứng điện năng cho đất nước trong năm 2025 sẽ được đảm bảo với các điều kiện, kịch bản sẽ diễn ra như đã dự báo cho đến thời điểm này”, ông Dương nhấn mạnh.

Dù vậy, ông Dương cũng cho rằng, có thể vẫn xảy ra những trường hợp cực đoan như tăng trưởng phụ tải đột biến; hoặc thời tiết cực đoan, nước về hồ thủy điện lưu lượng có thể thấp hơn so với trung bình nhiều năm; thời gian nắng nóng kéo dài, trùng hợp với một số tổ máy điện có thể bị sự cố do quá trình vận hành đầy tải liên tục…

“Trong những trường hợp đó, quan trọng là chúng ta đã và đang tiếp tục xây dựng những kế hoạch ứng phó để đảm bảo sẵn sàng có những đơn vị liên quan có thể xử lý, giải quyết nhanh, đảm bảo an ninh, an toàn cung ứng điện”, Phó Cục trưởng Cục Điện lực nói.

Doanh nghiệp sản xuất cam kết đồng hành trong tiết kiệm điện, chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch

Ông Nguyễn Văn Đạt - Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên chia sẻ, với doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp nặng, việc được cấp điện liên tục, không bị gián đoạn và đạt chất lượng tốt là yếu tố then chốt, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất. Khi xảy ra sự cố hay gián đoạn nguồn điện, doanh nghiệp không chỉ bị thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung.

Trong những năm qua, ngành điện và Chính phủ rất quan tâm và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung ứng và truyền tải điện năng để phục vụ sản xuất. Thông qua các hội nghị khách hàng và các buổi tri ân khách hàng, các buổi tọa đàm, ngành điện cũng thông báo về tình hình cung ứng điện thời gian tới cũng như những khó khăn để doanh nghiệp cùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đạt - Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên cho biết, đồng hành với nỗ lực của Chính phủ, đơn vị cũng đang xây dựng phương án chuyển đổi một phần sang sử dụng năng lượng xanh và năng lượng mặt trời, qua đó giảm áp lực cho ngành điện và tăng tính tự chủ sử dụng điện của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Đạt - Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên cho biết, đồng hành với nỗ lực của Chính phủ, đơn vị cũng đang xây dựng phương án chuyển đổi một phần sang sử dụng năng lượng xanh và năng lượng mặt trời, qua đó giảm áp lực cho ngành điện và tăng tính tự chủ sử dụng điện của doanh nghiệp

Bày tỏ yên tâm với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc cung ứng điện cho sản xuất, đại diện Kẽm điện phân Thái Nguyên cho biết, trong bối cảnh phát triển kinh tế lớn đòi hỏi nhu cầu điện rất cao, doanh nghiệp xác định sẽ đồng hành với ngành điện cũng như với Chính phủ trong sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cũng như các nguồn năng lượng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Những năm qua, Kẽm điện phân Thái Nguyên đã mời các đơn vị có năng lực, trình độ cao về kiểm toán điện năng, qua đó đánh giá cũng như đưa ra những phương án tiết kiệm điện năng cho đơn vị. Ngoài ra, đơn vị cũng nâng cấp và cải tạo các dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu suất của thiết bị; áp dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật; thay đổi các thiết bị có khả năng tiết kiệm năng lượng tốt hơn để qua đó tăng cường hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, nhưng vẫn đồng thời duy trì chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh việc cố gắng tiết giảm mức tiêu thụ điện hàng năm, doanh nghiệp cũng đang xây dựng phương án chuyển đổi một phần sang sử dụng năng lượng xanh và năng lượng mặt trời, qua đó giảm áp lực cho ngành điện và tăng tính tự chủ sử dụng điện của doanh nghiệp.

“Điều doanh nghiệp chúng tôi mong muốn nhất không phải là được sử dụng điện giá rẻ, mà là được sử dụng nguồn điện ổn định, có mức giá hợp lý, đúng theo cơ chế thị trường, và đảm bảo chất lượng. Mong là trong thời gian tới, ngành điện tiếp tục được đầu tư, duy trì và phát triển bền vững, nhằm cung cấp nguồn điện ổn định, lâu dài cho khối doanh nghiệp. Về phần mình, chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng ngành điện và các bộ, ngành trong việc sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời tích cực chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện xanh… hướng tới mục tiêu Net-zero vào năm 2050 theo định hướng của Chính phủ”, ông Đạt cho hay.

Kỷ luật thực thi chính sách cần được quán triệt

Để đảm bảo đáp ứng cung ứng điện, đặc biệt trong năm nay và những năm sắp tới, Phó Cục trưởng Cục Điện lực Đoàn Ngọc Dương cho rằng có hai yếu tố quan trọng nhất. Một là, huy động tối đa được nguồn lực hiện hữu sẵn có để chuẩn bị tốt nhất cho các kịch bản, tình huống có thể xảy ra nhằm ứng phó những trường hợp đã dự báo. Hai là, chuẩn bị cho việc đầu tư, phát triển và minh bạch về thị trường trong thời gian tới để đảm bảo phát triển ngành điện cũng như cung ứng điện ổn định, bền vững, mang lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh đánh giá, có thể thấy rõ, chỉ trong chưa đầy hai quý gần đây, thị trường năng lượng đã chứng kiến những chuyển động hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là ở phương diện cải cách thể chế và đổi mới chính sách.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh đánh giá, chỉ trong chưa đầy hai quý gần đây, thị trường năng lượng đã chứng kiến những chuyển động hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là ở phương diện cải cách thể chế và đổi mới chính sách

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh đánh giá, chỉ trong chưa đầy hai quý gần đây, thị trường năng lượng đã chứng kiến những chuyển động hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là ở phương diện cải cách thể chế và đổi mới chính sách

Từ góc độ của người có cơ hội làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp trong ngành điện, ông Sơn nhận thấy đang có những tín hiệu tích cực rất rõ nét. Đặc biệt là sau khi Chính phủ đồng loạt ban hành ba nghị định quan trọng vào ngày 3/3 năm nay - gồm Nghị định 56 về quy hoạch điện, Nghị định số 57 quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, và Nghị định số 58 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới - thì thị trường gần như được "kích hoạt" trở lại.

“Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu quay lại tìm hiểu cơ hội và lên kế hoạch hành động. Không khí như được "hâm nóng" trở lại, và đây là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là làm sao duy trì được đà phát triển này”, ông Sơn lưu ý.

Theo chuyên gia, đây không chỉ là câu chuyện của chính sách, mà còn là việc xây dựng một "kỷ luật thực thi”, để mọi cam kết từ nghị định đến thực tiễn đều được cụ thể hóa bằng kết quả.

Cho rằng “không có kịch bản nào có thể bao quát tất cả rủi ro có thể xảy ra trong thực tế”, ông Sơn nhấn mạnh các giải pháp căn cơ, như sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, là vô cùng quan trọng. Trong dài hạn, phải đảm bảo kỷ luật trong triển khai thực hiện, từ nội dung, lộ trình cho đến danh mục đầu tư về nguồn và lưới điện đã được xác định trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh. Bởi, “nếu không thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ và có giám sát chặt chẽ, mọi nỗ lực xây dựng chính sách sẽ khó có thể phát huy hiệu quả trong thực tế. Nếu không thực hiện được những điều đó, không xây dựng được các cơ chế đủ mạnh để thu hút vốn đầu tư tư nhân, thì sẽ rất khó hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh”, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về an ninh năng lượng và ảnh hưởng trực tiếp tới toàn bộ nền kinh tế cũng như đời sống của người dân.

Thy Thảo

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bao-dam-cung-ung-dien-cho-tang-truong--tu-giai-phap-dieu-hanh-den-ky-luat-thuc-thi-chinh-sach-140209.htm