Bảo đảm đồng bộ, thống nhất khi Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật BHYT) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây; một số điều khoản được áp dụng ngay từ ngày 1/1/2025. Để luật đi vào cuộc sống, công tác hướng dẫn cũng như cụ thể hóa chính sách thông qua các nghị định, thông tư là rất quan trọng.

Bác sĩ khám, tư vấn sức khỏe cho người dân tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo báo cáo của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có nhiều điểm mới. Cụ thể, người tham gia Bảo hiểm y tế được thanh toán thêm nhiều khoản chi mới, như: Khám, chữa bệnh từ xa, y học gia đình, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; được chi trả chi phí vận chuyển theo quy định và sử dụng dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, vật tư,... thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; điều chỉnh tăng mức hưởng Bảo hiểm y tế trong nhiều trường hợp…
Đáng chú ý, từ ngày 1/1/2025, những người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo (Theo danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo) được lên thẳng cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu mà vẫn được hưởng Bảo hiểm y tế 100% không cần giấy chuyển tuyến. Quy định mới này giảm đáng kể thủ tục hành chính; đồng thời giúp người dân được tiếp cận cơ sở khám, chữa bệnh nhanh chóng, bình đẳng và công bằng. Bộ Y tế sẽ thường xuyên rà soát để bổ sung danh mục các bệnh được vượt lên cấp cao hơn để người bệnh được điều trị kịp thời, hoặc loại bỏ những bệnh mà ở cấp cơ bản đã có thể điều trị.
Để bảo đảm luật được triển khai kịp thời và dễ thực hiện, Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP. Dự thảo các nghị định mới sẽ tập trung giải quyết ba nhóm nội dung cơ bản: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHYT; khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh thực tiễn khi thực hiện các quy định hiện hành; giải quyết bất cập trong khám, chữa bệnh BHYT và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT...
Ban soạn thảo kỳ vọng, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản sửa đổi, bổ sung dịp này đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn, dễ dàng thực hiện cũng như tạo đồng thuận và cách hiểu thống nhất cho cả cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ sở khám, chữa bệnh và người dân. Không chỉ nêu rõ những điểm mới, chính sách mới cũng sẽ kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.
Theo Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Đức Tuấn, những năm qua, chính sách về Bảo hiểm y tế có nhiều thay đổi cho nên người tham gia ngày càng tăng về số lượng và quyền lợi cũng tăng lên. Năm 2024, cả nước có 94,29% số dân, tương đương 95,52 triệu người tham gia; tổng số lượt khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế là gần 183,7 triệu. Với tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam là một trong những nước có thể đạt được bao phủ y tế toàn dân, trong đó Bảo hiểm y tế là chủ yếu.
Tuy có sự bao phủ đông nhưng chưa bền vững, khi vẫn tới khoảng 50% số người tham gia Bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước hỗ trợ (toàn bộ hoặc một phần). Người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế tiếp cận dịch vụ y tế nhiều, có chất lượng hơn nhưng số người bệnh điều trị nội trú cũng nhiều hơn (tức số người bệnh nặng tăng); trong số 40,4 triệu người thuộc các nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh với tần suất trung bình 4,54 lần/người.
Danh mục chi trả Bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng nhưng hiện cơ chế thanh toán vẫn đang thực hiện theo phí dịch vụ, có thể thúc đẩy việc chỉ định nhiều dịch vụ chưa thật sự cần thiết hoặc lựa chọn những dịch vụ có chi phí cao hơn. Việc tổ chức mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh cũng chưa hợp lý, tập trung ở trung tâm, nơi đông người cho nên người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận. Theo quy định, các cơ sở chăm sóc sức khỏe cơ bản chủ động phát hiện, rà soát, kiểm tra xác minh, kiểm soát gia tăng chi phí khám, chữa bệnh, nhưng hoạt động này ít được triển khai...
Trên cơ sở những vướng mắc cần tháo gỡ cũng như quá trình sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, ông Dương Đức Tuấn cho rằng, cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định chuyên ngành liên quan như các Nghị định hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh, về quản lý trang thiết bị y tế… Bên cạnh đó, sớm có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và vai trò giám sát quỹ Bảo hiểm y tế, như: Sớm áp dụng phương thức thanh toán có kiểm soát; dịch vụ cung cấp cho người bệnh phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng; thực hiện quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ giải trình của các bên thực hiện hợp đồng. Đáng chú ý, trong xu thế phát triển hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin cần mạnh mẽ hơn nữa từ việc xác thực dữ liệu điện tử đến sử dụng kết quả cận lâm sàng, hình ảnh chẩn đoán liên thông giữa các cơ sở y tế.