Bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh chuyển đổi số y tế

Với ý nghĩa hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) là cơ sở để giao tiếp, truyền tải thông tin, ngành y tế tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hiện đại vào các hoạt động quản lý, khám chữa bệnh (KCB). Ngành luôn xem đây là chìa khóa quan trọng thúc đẩy các hoạt động của hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng phần mềm để kê toa, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho bệnh nhân

Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng phần mềm để kê toa, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho bệnh nhân

Tận dụng thế mạnh CNTT

Với mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động, các đơn vị trong ngành y tế tỉnh đã chủ động mua sắm máy tính, máy chủ để triển khai các phần mềm hệ thống. Các cơ sở KCB đã cơ bản hoàn thiện hệ thống mạng LAN, WAN, internet kết nối với hệ thống máy tính. 100% bệnh viện, trung tâm y tế có kết nối cáp quang bảo đảm đạt dung lượng đường truyền tốc độ cao; có thiết bị đọc mã vạch thẻ bảo hiểm y tế thay thế cho việc nhập thủ công trước đây. Để triển khai hồ sơ sức khỏe cá nhân và các nhiệm vụ tin học hóa, ngành cũng triển khai Demo phần mềm và đăng ký KCB từ xa dựa trên các ứng dụng ICT.

Hiện trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, Sở Y tế đang khai thác hiệu quả phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Sở cập nhật thông tin, hoạt động của ngành đến các đơn vị thông qua hệ thống website, email và tiến tới thực hiện chữ ký điện tử trong lĩnh vực y tế. Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh triển khai phầm mềm một cửa điện tử với tỷ lệ hồ sơ giải quyết đạt 100%. Ngành cũng triển khai liên thông văn bản điện tử, khoảng hơn 97% các văn bản được xử lý trên phần mềm điện tử, giảm thiểu việc sử dụng văn bản giấy, góp phần nâng cao hiệu quả công tác.

Bác sĩ Lê Ngọc Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Bệnh viện đã có nhiều chiến lược, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và xem đây là bước đột phá. Bệnh viện đã áp dụng triệt để chuyển đổi số trong kết nối trực tuyến, đào tạo nâng cao nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật, hội chẩn từ xa với các chuyên gia y tế tuyến Trung ương để xử lý ca bệnh khó thay cho việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”.

Hiện nay, Bệnh viện Quốc tế Becamex là đơn vị dẫn đầu trong chuyển đổi số. Với mục tiêu đạt “bệnh viện thông minh” vào năm 2025, Bệnh viện Quốc tế Becamex đẩy mạnh triển khai thực hiện “bệnh viện không giấy”. Dây chuyền khám bệnh của bệnh viện không cần in giấy (chỉ in bảng kê để làm chứng từ thanh toán), sử dụng chữ ký, phát triển HIS (phần mềm quản lý thông tin bệnh viện) ngoại trú. Do vậy, các y, bác sĩ và bệnh nhân không còn phải cầm theo giấy tờ khi thăm khám, mất thời gian chờ làm thủ tục. Mỗi bệnh nhân chỉ mất khoảng 1 phút để làm thủ tục và không còn phải lo lắng về việc lưu trữ giấy tờ, sổ sách khám bệnh.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Khó khăn lớn nhất của ngành y tế khi triển khai ứng dụng CNTT chính là cơ sở hạ tầng CNTT còn thiếu, chưa đồng bộ nên việc triển khai ứng dụng trong quản lý, KCB còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các cơ sở y tế. Điển hình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, có những phần mềm báo cáo được sử dụng từ rất lâu nhưng vẫn chưa được thay thế, sử dụng; một cán bộ y tế chuyên trách phải nhập 2-3 lần một báo cáo; phần mềm dùng chung chưa khớp với nhau nên làm mất nhiều thời gian của nhân viên y tế.

Trao đổi với P.V, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết công tác triển khai ứng dụng CNTT là nhiệm vụ phức tạp, quy mô rộng, đòi hỏi phải có quá trình thực hiện lâu dài. Nguyên nhân chính của các khó khăn là do các đơn vị còn gặp khó về kinh phí để đầu tư cho hạ tầng CNTT, nhất là hệ thống máy chủ của trung tâm dữ liệu. Chi phí cho việc đầu tư các hạng mục máy móc, các phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm hệ thống lưu trữ, truyền tải hình ảnh, hệ thống thông tin xét nghiệm, phần cứng cơ sở hạ tầng của CNTT khá tốn kém.

“Việc đầu tư hệ thống trang thiết bị CNTT, phần mềm ứng dụng chỉ ở mức tối ưu nhất, đủ để hoạt động. Trong khi một số cán bộ, công chức y tế xem tin học hóa là công việc của cán bộ CNTT. Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường tập huấn cán bộ phụ trách chuyên môn y tế để sử dụng thành thạo phần mềm liên quan đến công tác của mình”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nói.

Nhằm giúp quá trình quản lý bệnh viện được minh bạch hóa, các bệnh viện trong tỉnh đã ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, y tế từ xa, xếp hàng điện tử, thẻ điện tử thanh toán viện phí giúp giảm thời gian KCB, người dân hài lòng hơn.

HOÀNG LINH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/bao-dam-ha-tang-cong-nghe-thong-tin-day-nhanh-chuyen-doi-so-y-te-a303975.html